Đẹp mê hồn lan hồ điệp giữa Sa Mù, Quảng Trị
Sa Mù là địa danh thuộc xã Hướng Phùng của huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Quanh năm Sa Mù được bao phủ bởi mây trắng ngang đầu. Hình ảnh tàn phá của những trận lũ lụt, sạt lở đất cuối năm 2020 ở Sa Mù vẫn còn đó nhưng dường như phải chịu thu mình trước những vườn lan hồ điệp vươn lên mạnh mẽ khoe sắc để bù đắp cho những mất mát của vùng đất này.
Đầu năm 2020, nhiều du khách nước ngoài đã tìm đến thưởng ngoạn vẻ đẹp của lan hồ điệp cũng như đỉnh Sa Mù mờ ảo. Trong cuộc trò chuyện, Michel Chasles, một du khách người Pháp nói, không chỉ riêng Tây Bắc, Tây Nguyên mới có những vùng đất có cảnh vật đẹp đến nao lòng, Sa Mù của Quảng Trị rất đẹp. Thời gian gần đây, nhiều du khách khi đến Quảng Trị thường tranh thủ sắp xếp thời gian đến Sa Mù ngắm hoa lan hồ điệp và vẻ đẹp của núi rừng nơi đây. Từ thành phố Đông Hà trời mưa dầm, rét tê tái, chỉ cần chạy ô tô hoặc xe máy gần 100 km du khách sẽ đến được đỉnh Sa Mù. Dọc đường, nắng vàng mật trải dài trên những cánh rừng Trường Sơn.
Khu vực Sa Mù có độ cao trung bình từ 1.000 đến 1.500 m so với mực nước biển, mùa này nắng vàng dễ chịu, những tia nắng không vội tan biến như biết chiều lòng người ngắm hoa. Khí hậu Sa Mù mang tính ôn đới, mùa hè mát mẽ với nhiệt độ quanh năm thường ở mức 18 đến 22 độ C, là địa điểm lý tưởng hội tụ mọi điều kiện thích hợp để trồng các giống hoa ôn đới có giá trị kinh tế cao.
Khu vực nghiên cứu thực nghiệm của Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN Quảng Trị nằm ngay giữa đỉnh Sa Mù, làm nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển các loại hoa nỗi tiếng. Lan hoa hồ điệp được mệnh danh “nữ hoàng khó tính, đỏng đảnh” cũng đã được chinh phục và trồng thành công tại đây. Việc trồng, chăm sóc và kiểm soát quá trình sinh trưởng của cây hoa diễn ra dễ dàng nhờ ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả thiết thực, tiết kiệm thời gian, nhân lực, ngày công.
Ông Đào Ngọc Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN Quảng Trị cho biết, để phục vụ hoa cao cấp cho thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu, trung tâm đã trồng 27 nghìn cây lan hồ điệp, cho hoa rất đẹp. Lan hồ điệp được trồng có bảy màu, gồm trắng, đỏ phượng hoàng, đỏ tím, vàng, hồng, trắng nhụy tím, trắng chấm đỏ. Mỗi cây lan hồ điệp từ khi trồng đến ra hoa mất thời gian từ 20 đến 22 tháng. Dịp Tết Dương lịch vừa rồi đã có 5.000 cây lan hồ điệp được trung tâm bán ra thị trường, số cây lan còn lại sẽ được bán từ đầu tháng 12 âm lịch.
Ngoài ra còn có 15.000 cây hoa lys có ba màu vàng, đỏ, hồng; 7.000 cây tuylip có các màu vàng, đỏ, trắng, mào gà…được nhập giống từ Hà Lan và Chile, chuẩn bị ra hoa. Tết này Trung tâm còn trồng được 3.000 cây hoa cát tường và 1.500 hoa hồng môn. Dự kiến khoảng giữa tháng 12 âm lịch các loại hoa này sẽ được bán ra thị trường. Các loại hoa được trồng trong nhà kính, trang bị hệ thống máy móc công nghệ hiện đại với các cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, phun sương, hơi nước, gió được điều khiển và theo dõi hoàn toàn tự động.
Ông Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Trị cho biết, khu vực đèo Sa Mù là một địa điểm rất tốt để trồng và phát triển các loại hoa, quả cao cấp, có tính chất ôn đới bởi hội tụ đủ các yếu tố cần thiết, nằm ở độ cao thích hợp, quanh năm khí hậu ôn hòa. Từ 2018, Sở đã cho phép Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm rồi tiến đến làm chủ công nghệ khoa học hiện đại trong việc trồng các loại hoa cao cấp phục vụ du lịch và người chơi hoa, tăng giá trị kinh tế, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Sở cũng đã chuyển giao công nghệ cho người dân và doanh nghiệp phát triển các loại hoa.
Ngoài các loại hoa, Trung tâm đã đưa các loại dược liệu quý hiếm có tại bản địa, có tên sách đỏ để bảo tồn và phát triển, điển hình như hoa lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa. Một số loại dược liệu khác được phục hồi và nhân rộng. Tất cả mọi cố gắng của Sở và Trung tâm để biến Sa Mù thành địa điểm vừa nghiên cứu thực nghiệm vừa phục vụ khai thác du lịch xanh.