Đến Ninh Bình nhớ ghé thăm Tam Cốc
Tạo hóa của thiên nhiên
Tam Cốc nằm trên địa phận xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư cách quốc lộ 1A khoảng 2km và cách trung tâm thành phố Ninh Bình 7km. Cách thưởng thức thiên nhiên ở Tam Cốc thú vị nhất chính là đi đò khởi hành từ bến Đình Các. Con sông mà du khách đi được gọi là sông Ngô Đồng có mực nước sâu khoảng 2m, quãng đường chèo đò đi xuyên qua 3 động dài khoảng 2km, tính cả vòng ra hơn 4km và thường mất hơn 1 giờ đồng hồ.
Cô Nguyễn Thị Sinh, một người chèo đò ở bến Đình Các cho biết, Tam Cốc được thiên nhiên ưu ái, khí hậu mát mẻ, trong lành, từ khi hình thành khu du lịch, người dân địa phương có thêm kế sinh nhai thay vì trước đây chỉ trồng lúa. Cũng vì thế mà cả du khách lẫn người dân ở đây luôn có ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan, cũng là bảo vệ sự sống và chính miếng cơm manh áo của mình. “Ở đây, từ trẻ nhỏ đến người già đều có thể chèo đò một cách thành thạo, mỗi nhà trong một tháng được 5 chuyến thì có thể cử bất cứ ai trong nhà ra chèo cũng được” cô Sinh chia sẻ.
Những núi đá vôi cao sừng sững hai bên sông nhấp nhô như những ngón tay khổng lồ, nhiều ngọn núi ở chân đã bị nước bào mòn nhưng theo người dân ở đây “không thể sụp đổ cho dù hàng ngàn năm sau”. Mỗi lần đi qua các chân động nhiệt độ giảm đột ngột do hơi lạnh đá tỏa ra, nếu đi vào mùa nóng thì mỗi lần đi qua hang lại cho ta một cảm giác thật sảng khoái, mát lạnh đến lạ kỳ.
Động đầu tiên đi qua chính là động Cả, động dài khoảng 150m và cũng là động lớn nhất so với hai động còn lại. Trong hang, nhũ đá hiện lên đẹp lung linh huyền ảo, du khách đi qua động sẽ bị những hạt nước trong vắt, mát lạnh rơi trúng đầu từ các nhũ đá nhỏ xuống. Ở nhiều vị trí, nhũ đá khá thấp gần sát với đầu nên du khách khi qua động được khuyến cáo không đứng lên và chú ý quan sát.
Các động Hai và Ba có quy mô nhỏ hơn động Cả, các động cách nhau chừng 700m, trên đường đi đò, du khách có thể thấy một số di tích khác như đền Thái Vi thờ các vị vua nhà Trần, công binh xưởng Nguyễn Công Cẩn, hang Múa cheo leo trên vách núi, những đàn dê chuyền từ mỏm núi này sang mỏm núi khác và đặc biệt là hai bên ruộng lúa có những màu sắc khác nhau tùy từng thời điểm.
Sắc màu Tam Cốc
Đây là tên chương trình lễ hội được tổ chức hàng năm tại Tam Cốc khi lúa chín vàng, nhất là vào độ tháng 3 âm lịch. Cũng theo cô Sinh, lúa ở đây được trồng là lúa Thục Hưng, một giống lúa đặc trưng ở Tam Cốc với thân cao, chịu được hạn và úng nước, ngoài ra lúa còn cho gạo thơm dẻo và năng suất tốt. Lúa Thục Hưng chỉ trồng vào vụ chiêm hàng năm mà không trồng vụ mùa như những chỗ khác, sở dĩ vậy vì vụ mùa nước cạn cộng thêm có nhiều đợt bão. Những vụ cắt lúa nước đầy, người dân thường ngồi trên đò thu hoạch lúa và mang lên những mỏm đất cao gần đó để tuốt. Giống như các giống lúa khác, lúa Thục Hưng chín có màu vàng óng, nếu như đứng từ trên cao quan sát thì đồng lúa như dải lụa vàng uốn lượn cùng con sông Ngô Đồng xuyên quan các hang động.
Ở Tam Cốc còn có rất nhiều cò, hạc, tuy vậy chúng không phá hoại lúa mà chỉ bắt tôm tép, ốc để ăn. Khung cảnh từng đàn cò hạ xuống ruộng lúa rồi bay lên phấp phới rất ấn tượng, nhiều nhiếp ảnh gia đã bắt được những tấm hình có núi đá, ruộng lúa con người và cánh cò vào buổi hoàng hôn.
Ngoài việc khám phá vẻ đẹp quyến rũ của mùa vàng Tam Cốc, du khách có thể đến đây vào bất cứ mùa nào trong năm, đặc biệt là mùa Thu. Nơi đây nổi tiếng bởi có rất nhiều loài hoa lan đẹp, quý hiếm. Nhiều hộ dân sinh sống trong lòng Tam Cốc, họ thường đi lên các đỉnh núi, đi sâu vào các thung lũng để tìm kiếm lan và trưng bày dọc suốt con sông Ngô Đồng. Vào thời điểm các loại lan nở, Tam Cốc như được tô điểm thêm màu sắc, mùi hương làm ngây ngất khách du lịch xa gần.
Các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ ở Tam Cốc rất phổ biến và đảm bảo, hầu hết du khách đến tham quan đều có ấn tượng và muốn quay lại nhiều lần.