Hành trang lữ khách

Đèo Lũng Lô - dấu ấn cung đường huyền thoại

Cập nhật: 16/07/2020 08:20:05
Số lần đọc: 1799
Đèo Lũng Lô (huyện Văn Chấn) - địa danh đã đi vào sử sách trong cuộc kháng chiến chống Pháp hào hùng của dân tộc như một huyền thoại. Nơi Tố Hữu từng viết những câu thơ hào hùng: “Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát/ Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh...”.

Đèo Lũng Lô nằm trên quốc lộ 37 (đường 379 cũ, nối quốc lộ 32 với quốc lộ 32B) tại ranh giới hai huyện Văn Chấn (Yên Bái) và Phù Yên (Sơn La). Đèo Lũng Lô có chiều dài 15 km. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương Đảng quyết định mở con đường 13A bắt đầu từ Bến Hiên, thuộc tỉnh Tuyên Quang, vượt qua bến Âu Lâu, đi qua đèo Lũng Lô tới ngã ba Cò Nòi, nối với đường 41 phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuyến đường dài trên 120km, địa hình chủ yếu là núi cao, vực sâu, phải đi qua 3 con sông lớn là sông Chảy, sông Hồng và sông Đà. 

Để đảm bảo thông suốt mạch máu giao thông ra chiến trường, tháng 4/1953, theo yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu, tỉnh Yên Bái đã quyết định thành lập Đội thanh niên xung phong (TNXP) C236 gồm trên 200 người nhằm bảo đảm giao thông từ bến phà Âu Lâu đến đèo Lũng Lô. 

Là con đường huyết mạch, tiếp ứng lương thực, quân trang, vũ khí đạn dược phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ nên vì thế mà con đường 13A qua đèo Lũng Lô đã trở thành trọng điểm đánh phá của địch, hòng ngăn cản sự tiếp viện của hậu phương ra chiến trường. 

Nơi đây từng hứng chịu khoảng 12.000 tấn bom đạn của địch và mỗi ngày có từ 16 đến 18 chiếc máy bay địch oanh tạc 5 - 6 lần. Vinh dự, tự hào là một trong số những người đã từng tham gia vào lực lượng TNXP làm nhiệm vụ tại đèo Lũng Lô, cụ Nguyễn Khắc Ngần (87 tuổi) ở thôn Xuân Lan, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái tâm sự: "Trong suốt chiến dịch, ngày nào địch cũng ném các loại bom na pan, bươm bướm, nổ chậm. Các hố bom khoét sâu từ 4 – 5m, rộng từ 10 – 12m. Địa hình đèo Lũng Lô quanh co nên nếu bom ném không trúng đường thì trúng ta luy, gây sạt lở đất đá lấp hết mặt đường. 

Có ngày, chỉ trong một đoạn đường dài 400 – 500 m mà có tới hàng chục hố bom sâu và nhiều bom nổ chậm nằm ngay dưới mặt đường, rãnh đường. Song, với tinh thần quả cảm, bất chấp hiểm nguy, tất cả cho tuyền tuyến, chỉ sau 2 - 3 tiếng đồng hồ tập trung đào bới, dùng thuốc kích nổ, lực lượng TNXP đã vô hiệu hóa rất nhiều quả bom các loại”. 

Cùng với cụ Ngần, cụ bà Trần Thị Thái (85 tuổi) ở xã Tuy Lộc cũng là người đã từng tham gia vào lực lượng TNXP làm nhiệm vụ tại đèo Lũng Lô chia sẻ: "Chiến tranh ác liệt, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, nhưng khi đó, những chiến sĩ TNXP chúng tôi chỉ suy nghĩ một điều duy nhất là mong sao quân ta chiến thắng, nước nhà được độc lập nên mọi khó khăn, gian khổ đều chẳng nhụt chí, sờn lòng”. 

Sự đoàn kết, thống nhất trong lao động, chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ, lực lượng TNXP và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái chính là sức mạnh làm nên con đường 13A lịch sử, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ và quá trình phát triển kinh tế - xã hội hai tỉnh Yên Bái, Sơn La. Cho đến hôm nay, chiến tranh đã lùi xa, Di tích đèo Lũng Lô còn đó như một minh chứng hào hùng của lịch sử chống giặc ngoại xâm của cha ông ta. 

Những thành viên còn lại của Đội TNXP C236 nay đều ở "tuổi xưa nay hiếm”. Tuy nhiên, họ vẫn luôn giữ được tinh thần, phẩm chất của lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, sống mẫu mực làm gương sáng để giáo dục con cháu và thế hệ trẻ, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục