Non nước Việt Nam

Dẻo thơm mỳ Chũ Bắc Giang

Cập nhật: 23/10/2024 14:55:19
Số lần đọc: 88
Mì Chũ Bắc Giang nổi tiếng nhờ sợi mỳ dai, mềm lại không nát. Khi hòa quyện vào nước dùng mỳ Chũ trở nên bóng với màu trắng đục đặc trưng của gạo cùng vị dai dai ngọt bùi. 


Bắc Giang là tỉnh miền trung du, giáp với châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, nơi đây không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn được biết đến nhiều đặc sản hấp dẫn, trong đó có mỳ Chũ. Ở Bắc Giang có nhiều nơi làm mỳ, nhưng nhiều nhất vẫn tập trung ở xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, mỳ nơi đây được đánh giá chất lượng ngon, có độ dai và được nhiều người ưa thích, đó là mỳ Chũ. 

Từ nguồn nước trong lành của vùng quê bên bờ sông Lục, kết hợp với gạo trắng, những người thợ cần cù, sáng tạo bằng quy trình làm nghề truyền thống tỉ mỉ tạo ra từng sợi mỳ, trong suốt hơn 60 năm qua. Đây là loại mỳ nổi tiếng, chính hiệu được người Bắc Giang sản xuất với quy trình thủ công và hoàn toàn không dùng các chất bảo quản, chất phụ gia ảnh hưởng đến với sức khỏe người tiêu dùng. Mì đặc trưng với những sợi bản hơi to hơn những loại mỳ khác, dày khoảng 0,5 cm, sợi mì mảnh, mềm đều nhau. Mỳ Chũ được làm từ gạo bao thai hồng nức tiếng của vùng Lục Ngạn, là loại gạo trồng duy nhất ở đồi Chũ, có đặc điểm là hạt gạo rất trắng, chắc, to, khi nấu lên rất thơm, dẻo. Chính vì vậy mà mỳ Chũ mang một hương vị rất đậm đà, khó quên.

Để có được sợi mỳ mỏng manh và dẻo dai như lá lúa non, nghệ nhân làm mỳ phải trải qua quy trình sản xuất với nhiều công đoạn nhiều mồ hôi công sức. Đầu tiên, nghệ nhân phải sàng gạo kỹ càng để chọn ra những hạt gạo to, chắc, trắng. Sau đó, vo sạch gạo để loại bỏ bụi bẩn và các tạp chất, rồi ngâm gạo trong nước 8 tiếng đồng hồ. Xay nhuyễn gạo thành một hỗn hợp màu trắng, sánh mịn, dẻo, rồi đem ủ để tạo ra bột gạo đúc bánh. Tiếp theo, căng vải trên khung để đúc bánh. Bột gạo được trải thành một lớp mỏng, sử dụng hơi nước bốc lên để tạo thành bánh tráng. Trải loại bánh tráng này lên khung tre rồi mang phơi nắng. Sau khi hỗn hợp khô lại và còn hơi dẻo, người ta đem cán nhỏ hoặc cắt thành sợi mì. Một mẻ bánh thông thường có ít nhất ba người làm, mỗi người đảm nhiệm một khâu riêng, một người đảm nhiệm tráng bánh lo đảm bảo bánh chín đúng độ, một người đảm nhiệm thái bánh sao cho mỗi sợi mì cho đều đặn, người đảm nhiệm việc phơi, đem ủ… Việc kiểm soát chất lượng bột gạo, nhiệt độ lửa chán bánh tới công đoạn cắt bánh thành sợi, chuyển bánh cần có phải phối hợp nhịp nhàng. Sau khi hoàn thành công đoạn cắt, mì sợi được mang đi phơi nắng khoảng 3 - 4 tiếng. Sau khi được phơi khô, đủ nắng sẽ có màu trắng, trong, khô và đặc biệt sẽ có màu gạo tự nhiên. Những hôm nào trời mưa, cần phải bảo quản sợi mì thật cẩn thận, tránh để mì bị ải, ăn sẽ không ngon. 

Du khách tham quan, tìm hiểu các sản phẩm Ocop của Bắc Giang.

Công đoạn cuộn và bó làm sao để các sợi mỳ sóng đều, mượt và có hoa văn đẹp như tóc búi của người thiếu nữ cũng là cả một nghệ thuật mà không phải bất cứ ai cũng thực hiện được. Trải qua quá trình thủ công của người thợ lành nghề từ các nguyên liệu ban đầu, người thợ thủ công làm mỳ phải thực hiện rất nhiều công đoạn phức tạp trong thời gian khoảng 36 tiếng đồng hồ để cho ra đời những sợi mỳ Chũ đặc sản thẳng đều, dẻo và dai như vậy.

Với mỳ Chũ người nội trợ có thể tự tin chế biến thành nhiều món ngon nhanh và đơn giản trong căn bếp của mình. Cách nấu mỳ rất đơn giản, sau khi chần qua với nước sôi khoảng 30 giây thì vớt ra, sau đó đem xả qua nước lạnh và để ráo, mỳ có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu khác như thịt bò, cần tây, măng tây, gà,… để có bát mỳ thơm ngon, bổ dưỡng. Cũng có thể chế biến thành những món ăn ngon hấp dẫn, như: mỳ Chũ xào thịt bò, mỳ Chũ xào rau cải…

Với người dân Lục Ngạn, mỳ Chũ là niềm tự hào, là món ăn thôn quê giản dị, món quà biếu thân thiện dành cho anh em, bạn bè có dịp về thăm Bắc Giang.

H.C

Nguồn: Báo Cao Bằng - baocaobang.vn - Đăng ngày 20/10/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT