Di tích đình, chùa Xích Thổ
Đình Xích Thổ được trùng tu khang trang.
Theo các cụ cao niên trong làng, đình làng Xích Thổ được xây dựng cùng thời điểm lập làng, cách đây khoảng 300 năm, vào cuối thời Lê Trung Hưng. Khoảng cuối thế kỷ 18, đình, chùa Xích Thổ được xây dựng lại đồng bộ trên vị trí đất như hiện nay. Qua nhiều lần tu bổ, nay đình làng có khuôn viên rộng 1.200m2, mái cong lợp ngói mũi, xây theo lối chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Giữa gian tiền đường là ban thờ thành hoàng làng Nam Hải Đại Vương Phạm Tử Nghi. Theo thần tích, ngài sinh vào niên hiệu vua Hồng Thuận, thời Lê, khoảng năm 1509-1516, tại Nghĩa Xá, phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân ngày nay. Là người có sức khỏe phi thường, học ít hiểu nhiều, văn võ tinh thông, ngài có công đánh giặc Minh, phò tá nhà Mạc.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, thôn Xích Thổ là vùng đầm lầy, nhiều lau sậy, như bán đảo nên nơi đây sớm trở thành căn cứ địa vững chắc cho các chiến sĩ cách mạng hoạt động ngay trong lòng địch. Đình, chùa Xích Thổ được chọn là nơi căn cứ chính để nuôi giấu cán bộ. Năm 1946-1947, dưới gốc bàng sân đình, tiểu đội du kích nữ bán vũ trang được thành lập với lời thề chiến đấu quyết giữ làng, giữ nước, do các đồng chí Bùi Thị Thái, Nguyễn Thị Di, Bùi Thị Mầu chỉ huy.
Hai tiểu đội du kích nam có vũ trang cũng được thành lập do đồng chí Nguyễn Bá Ga, Nguyễn Bá Lệ, Nguyễn Bá Sơn, Nguyễn Khắc Trào phụ trách. Đình, chùa và một số nhà dân ở làng đã được chọn làm căn cứ địa cho các tiểu đội hội họp, luyện tập. Các hầm bí mật được đào ở khu vườn của đình, chùa để đón các đồng chí cán bộ về hoạt động, chỉ đạo phong trào cách mạng. Ngày đó, làng Xích Thổ được phong danh “Xích Thổ là tổ Việt Minh”, làm cho quân thù nghe thấy đã khiếp sợ.
Năm 1950-1954, đình, chùa Xích Thổ được chọn là đầu mối đặt trạm giao liên bí mật (Bưu điện khu 2 huyện An Dương) để chuyển tải công văn bí mật từ vùng tạm chiếm ra vùng tự do và ngược lại: Năm 1950, đồng chí Nguyễn Dần, nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đã lấy Xích Thổ là cơ sở hoạt động, trực tiếp chỉ đạo trạm giao liên. Năm 1953, đồng chí Đoàn Duy Thành, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố cùng nhiều đồng chí trong Quận đội Ngô Quyền cũng được đưa về hoạt động cách mạng tại đây. Bên cạnh đó, còn rất nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng về hoạt động tại Xích Thổ như các đồng chí: Nguyễn Bát, Phạm Nhu, Lê Văn Thành,Vũ Văn Đăng, Nguyễn Đức Lân… Sau năm 1954, hòa bình được lập lại, đình, chùa Xích Thổ là nơi học tập của con em Xích Thổ. Từ 1965-1975, đình, chùa Xích Thổ là nơi hội họp, tập trung đưa tiễn con em của làng lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây còn là điểm sơ tán của nhiều đơn vị như: Bộ đội thông tin Quân khu 3, Công ty Xây lắp Hải Phòng, Trường dạy nghề xí nghiệp sửa chữa ô tô Đồng Tâm quốc tế…
Đến thăm di tích đình, chùa Xích Thổ du khách được chiêm ngưỡng những giá trị kiến trúc độc đáo mang đậm nét văn hóa vùng Bắc Bộ bởi phong cảnh hữu tình, nên thơ nơi làng quê bình yên và còn được nghe kể nhiều câu chuyện về một địa danh căn cứ địa cách mạng hào hùng năm xưa gắn liền với quá trình hình thành, phát triển đấu tranh cách mạng, giữ làng, giữ nước của nhân dân địa phương, của dân tộc ta./.