Dịch vụ du lịch online có thể là hướng đi mới cho Hà Giang để sống chung với đại dịch
Chủ động thích nghi trong đợt bùng phát của đại dịch
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang trong 8 tháng đầu năm 2021, thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và nhiệm vụ phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình nói riêng. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tập trung đông người dự kiến được tổ chức đã tạm hoãn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ chung của ngành.
Về lĩnh vực du lịch, các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và xúc tiến du lịch chủ yếu được thực hiện bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ; các sự kiện, lễ hội bị tạm dừng nên ảnh hưởng đến công tác trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch. Du khách đến tỉnh giảm, các loại hình kinh doanh dịch vụ như lưu trú, nhà hàng ăn uống... đều hạn chế hoạt động ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các cơ sở nói riêng và doanh thu du lịch nói chung.
Các đợt khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch được tổ chức nhưng hạn chế; việc kết nối các tour, tuyến chưa được thực hiện thường xuyên. Đội ngũ người lao động trực tiếp làm việc tại các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch bị mất việc làm, giảm thu nhập.
Ngoài ra, các chương trình, biên bản hợp tác đã ký kết với các đối tác trong và ngoài nước tạm dừng không được triển khai...
Trước những khó khăn trên, UBND tỉnh Hà Giang đã triển khai một số giải pháp chuyển đổi số để ứng phó với đại dịch.
Hà Giang đã triển khai một số giải pháp chuyển đổi số để ứng phó với đại dịch. (Ảnh: Nam Nguyễn)
Theo đó, tỉnh đã có kế hoạch truyền thông giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc gắn bó với danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, văn hóa trà và sản phẩm đặc trưng tỉnh Hà Giang qua ứng dụng công nghệ số.
Chương trình bao gồm các clip giới thiệu các di sản Hà Giang, quy trình sản xuất trà Hà Giang, văn hóa thưởng trà Hà Giang; clip giới thiệu sản phẩm đặc trưng tỉnh Hà Giang, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm VietGAP của tỉnh; clip giới thiệu sản phẩm đặc trưng tỉnh Hà Giang bằng phương thức bán hàng trực tuyến; clip các tiết mục "Múa trống người Lô Lô", "Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Dao"; các clip bài hát "Trên những bậc thang vàng", "Đường về Tây Côn Lĩnh", "Hà Giang vươn tới tầm cao".
Sau đó, chương trình được công chiếu trên Đài PT-TH tỉnh và các nền tảng số từ ngày 17/9 đến ngày 25/9.
Hà Giang cũng phối hợp với Tập đoàn FPT thực hiện truyền thông, quảng bá về chương trình trên báo chí, mạng xã hội fanpage, kênh youtube để quảng bá các sản phẩm tiêu biểu, chủ lực của tỉnh, quảng bá du lịch Hà Giang.
Dịch vụ du lịch online có thể trở thành một hướng đi mới ở Hà Giang. (Ảnh: Nam Nguyễn)
Sở Công Thương thiết kế chương trình triển lãm nông sản, đăng tin giới thiệu và quảng bá nông sản Hà Giang trên triển lãm ảo, tạo đường liên kết đến các gian hàng bán sản phẩm trên Shop VnExpress và sàn thương mại điện tử Sendo; truyền thông bán hàng nông sản của Hà Giang.
Thông qua hoạt động quảng bá, nhiều hình ảnh, clip về văn hóa, con người, du lịch của Hà Giang như ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, bản sắc văn hóa đặc sắc các dân tộc sẽ được quảng bá rộng rãi trên nền tảng số. Qua đó, những hình ảnh du lịch, sản phẩm hàng hóa đặc trưng của Hà Giang sẽ vượt qua giãn cách xã hội để có thể đến với bè bạn trong và ngoài nước. Từ đó, giúp du lịch Hà Giang duy trì việc quảng bá để sẵn sàng quay trở lại khi dịch đã được kiểm soát tốt.
Hiện nay dịch vụ du lịch online có thể trở thành một hướng đi mới ở Hà Giang và đã có những đơn vị, cá nhân thực hiện được dịch vụ này. Trong bối cảnh không thể đặt chân đến Hà Giang thì công nghệ thông tin sẽ giúp cho du khách có thể khám phá Hà Giang qua hướng dẫn viên du lịch online.
Thu hút đông đảo khán giả với nhiều phản hồi tích cực
Ông Đặng Quốc Sử, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết, chương trình nhận được sự quan tâm và ủng hộ rất lớn từ phía các doanh nghiệp, với sự tác động của doanh nghiệp thì hiệu quả truyền thông được đẩy mạnh giúp thu hút được đông đảo khán giả với nhiều phản hồi tích cực.
Chương trình có điểm đặc biệt là được phát sóng và nhận tương tác trực tiếp từ các điểm cầu trong nước và quốc tế, tạo cảm giác chân thật nhất cho người xem khi tham gia trải nghiệm.
"Chuyển đổi số trong bối cảnh hiện tại là một cách làm rất ý nghĩa, đây là một sự động viên về mặt tinh thần cho các doanh nghiệp lữ hành trước những nỗi lo giải thể. Đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng cùng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế có thể theo dõi được hoạt động du lịch của Hà Giang trên nền tảng số. Trong thời gian tới với nền tảng công nghệ số tiên tiến, Du lịch Hà Giang mong muốn hướng đến các đối tượng doanh nghiệp quốc tế như khu vực Đông Bắc Á và thị trường Châu Âu"- Ông Đặng Quốc Sử chia sẻ.
Hà Giang đưa ra nhiều kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch trong những tháng cuối năm 2021.
Để vực dậy ngành du lịch qua phát triển số, UBND tỉnh Hà Giang sẽ đẩy mạnh hoạt động của Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Hà Giang, Tổng đài hỗ trợ du khách; phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn FPT triển khai thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng du lịch thông minh. Tổ chức Hội nghị trực tuyến về liên kết văn hóa, thể thao và du lịch với tỉnh Vân Nam – Trung Quốc; Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh dịch vụ du lịch và Chương trình kích cầu du lịch năm 2021.
Đồng thời tham gia gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm du lịch tại các lễ hội, hội chợ, sự kiện xúc tiến du lịch; Quản lý và khai thác sử dụng có hiệu quả Cổng du lịch thông minh tỉnh Hà Giang, triển khai thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng du lịch thông minh; Tổ chức các chương trình Famtrip, hội nghị, hội thảo, khảo sát đánh giá sản phẩm, hoàn thiện nâng cấp sản phẩm du lịch cũ, hình thành các sản phẩm du lịch mới để thu hút khách du lịch....
Minh Khánh