Tin tức - Sự kiện

Điện ảnh và du lịch: Đồng hành để phát triển

Cập nhật: 30/05/2023 13:51:23
Số lần đọc: 441
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy: Phim ảnh và âm nhạc là con đường để "tiếp thị" hình ảnh đất nước, con người nhanh, hiệu quả. Sở hữu kho tài sản khổng lồ về bối cảnh phim nhưng điện ảnh Việt Nam vẫn chưa thật sự "làm giàu" được từ khối tài sản này, là điều trăn trở của các cơ quan quản lý và các nhà sản xuất phim.


Cảnh trong phim Nhà bà Nữ. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Bối cảnh hiện nay, cần có nhiều hơn nữa các cơ chế, chính sách nhằm tạo sức hút với các đoàn làm phim trong nước và quốc tế (tạo lập cơ sở vật chất hiện đại, chính sách ưu đãi hỗ trợ địa điểm, lưu trú, đơn giản hóa các thủ tục cấp phép, ưu đãi các đoàn làm phim vay vốn với lãi suất thấp…). Ðịnh hướng này đã được thể hiện trong Luật Ðiện ảnh năm 2022.

Trung tuần tháng 6 tới, dự kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tỉnh Khánh Hòa tổ chức Diễn đàn liên kết các thương hiệu Du lịch-Ðiện ảnh Việt Nam. Tiêu điểm là bàn về tạo lập chính sách thuận lợi cho các đoàn làm phim trong và ngoài nước và kinh nghiệm quốc tế thúc đẩy kết nối điện ảnh-du lịch.

Con số tổng doanh thu phòng vé đạt xấp xỉ 1.100 tỷ đồng của điện ảnh Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 đang thật sự là một tín hiệu lạc quan đối với ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế hàng đầu trong số 12 ngành công nghiệp văn hóa của đất nước. Bốn trong số 10 bộ phim ra rạp trong chưa đầy 6 tháng qua, đã cán mốc doanh thu một trăm tỷ đồng/phim. Trong đó, "Nhà bà Nữ" đạt doanh thu 475 tỷ đồng; "Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh" vượt mốc doanh thu hơn 260 tỷ đồng; "Chị chị em em 2" và "Siêu lừa gặp siêu lầy" cùng có doanh thu hơn 120 tỷ đồng/phim.

Nếu so với năm 2019 (trước dịch Covid-19 và là năm được xem là đỉnh cao doanh thu của phim Việt, với tổng doanh thu 1.200 tỷ đồng), trong bối cảnh sau hơn 3 năm trì trệ do đại dịch, đây quả là một bước nhảy vọt!

Công bằng mà nói, doanh thu trăm tỷ đồng/phim luôn là "mức xà" không dễ vượt qua đối với phim ảnh Việt. Năm 2022, thị trường phim Việt chỉ duy nhất "Em và Trịnh" cán mốc doanh thu trăm tỷ đồng. Nếu nhìn vào thống kê trong hai chục năm trở lại đây, có 19 phim đạt doanh thu từ 100 tỷ đồng/phim trở lên, thì giai đoạn 2010-2019 có 9 phim (riêng năm 2019 có 5 phim). Song, chỉ từ năm 2020 đến nay, đã có 10 phim đạt doanh thu hơn trăm tỷ đồng. Ðiều đó cho thấy tín hiệu xán lạn của ngành công nghiệp điện ảnh Việt.

Nếu năm 2003, "Gái nhảy" của đạo diễn Lê Hoàng là bộ phim điện ảnh thương mại đầu tiên, thì chỉ hơn 10 năm sau, "Ðể mai tính 2" là bộ phim đầu tiên đạt doanh thu phòng vé 100 tỷ đồng. Kế đó, chỉ sau 6 năm, "Hai Phượng" đã có doanh thu phòng vé vượt qua mốc 200 tỷ đồng (vào năm 2019). Năm 2023, chỉ mất chưa đầy 4 năm, "Nhà bà Nữ" của nhà sản xuất Trấn Thành đã đạt doanh thu xấp xỉ 500 tỷ đồng.

Sau những bộ phim Việt có doanh thu hơn 200 tỷ đồng, nhiều chuyên gia nhận định, mục tiêu tiếp theo của điện ảnh Việt là doanh thu nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, với ngưỡng doanh thu này thì các yếu tố số lượng rạp, chất lượng phim, thói quen ra rạp xem phim của công chúng phải được cải thiện đồng bộ. Trong giai đoạn trước mắt, ngành công nghiệp điện ảnh Việt, các nhà sản xuất phim chiếu rạp phải thật sự nỗ lực mới mong cạnh tranh được với các nền tảng trực tuyến đang rất phát triển, để khiến công chúng chịu bỏ tiền đến rạp xem phim.

Trong "bức tranh" nhiều điểm sáng của thị trường phim ảnh nửa đầu năm 2023, chất lượng các bộ phim ra rạp vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Thị trường điện ảnh Việt đang rất cần một sự phát triển bền vững. Lượng khán giả đến rạp phụ thuộc vào số lượng và chất lượng phim, nhất là phim Việt Nam. Công chúng đến rạp nhiều thì nhà sản xuất mới có kinh phí để tiếp tục đầu tư sản xuất phim; các cụm rạp mới có điều kiện mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố hơn...

Xét đến cùng, vai trò của con người - của người sáng tạo ra sản phẩm điện ảnh - là yếu tố quan trọng nhất. Bởi vậy, cần phát triển đồng bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ làm phim… và tìm kiếm, gia tăng lượng khán giả đến rạp xem phim, nhất là lớp khán giả mới, những người trẻ.

Hiện nay, dù thị trường điện ảnh Việt có hàng trăm công ty đăng ký sản xuất phim, song số các đơn vị có phim ra rạp đều đặn, giữ uy tín và chất lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, cùng với tiềm năng dồi dào về cảnh đẹp, danh thắng, Việt Nam cần có những cơ chế, chính sách nhằm tạo sức hút với các đoàn làm phim trong nước và quốc tế. Ðiện ảnh là môn nghệ thuật có khả năng tiếp cận quốc tế một cách mạnh mẽ, thích hợp trong quảng bá du lịch, đưa khung cảnh ngoài đời vào lăng kính điện ảnh. Những bộ phim thành công, độ phủ sóng của bối cảnh trong phim lại càng rộng lớn hơn.

Nhiều nền điện ảnh đã tạo nên những điểm du lịch hút khách nhờ bối cảnh trong các bộ phim. Ðể không lãng phí tiềm năng, cần tăng cường các giải pháp quảng bá để thu hút các đoàn làm phim quốc tế; đồng thời cần tạo điều kiện thuận lợi để các nhà làm phim, các đạo diễn tài năng trong nước cho ra đời nhiều hơn những bộ phim thu hút người xem.

Tô Nam

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 30/05/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT