Non nước Việt Nam

Điện Biên Phủ: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Cập nhật: 24/09/2021 10:12:50
Số lần đọc: 1046
Vùng đất Điện Biên nổi tiếng với hệ thống di sản văn hóa vật thể đa dạng và phong phú, như: Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật. Hệ thống di sản này có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính vì vậy, tỉnh ta đã xây dựng nhiều chương trình, giải pháp nhằm bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Qua đó thêm nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn, một số di tích được đầu tư trở thành điểm du lịch hấp dẫn…



Học sinh Trường THCS Thanh Luông tham gia chương trình trải nghiệm “Chúng em làm chiến sĩ Điện Biên” do nhà trường và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ phối hợp tổ chức vào cuối tháng 4/2021. Ảnh: C.T.V

Tỉnh ta có 27 di tích được xếp hạng, gồm: 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ); 14 di tích cấp quốc gia và 12 di tích cấp tỉnh. Công tác trùng tu, bảo tồn, tôn tạo di tích tiếp tục được thực hiện, đặc biệt là với di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ. Hiện đã trùng tu, tôn tạo di tích khu trung tâm đề kháng Him Lam; bảo trì, sửa chữa một số điểm di tích thành phần thuộc di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ (gồm di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ; di tích đồi A1; cầu Mường Thanh; Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ). Triển khai dự án xây dựng Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ; thực hiện bảo tồn, tôn tạo các di tích: Tháp Mường Luân, tháp Chiềng Sơ, hang Mường Tỉnh tại huyện Điện Biên Đông; di tích Thành Bản Phủ, động Pa Thơm tại huyện Điện Biên; hang động Xá Nhè và Khó Chua La, huyện Tủa Chùa; di tích lịch sử Pú Nhung, huyện Tuần Giáo. Công tác cắm mốc bảo vệ di tích cũng đã được triển khai thực hiện. Hiện có 2/27 di tích được cắm mốc ngoài thực địa: di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ có 28/45 điểm di tích thành phần được cắm mốc và di tích lịch sử văn hóa quốc gia Thành Bản Phủ được cắm 45 mốc.

Các di sản văn hóa vật thể thời gian qua được phát huy giá trị, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tới tham quan thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá trên cổng, trang thông tin điện tử của tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương và các cơ quan thông tấn báo chí của tỉnh, cơ quan thông tấn báo chí Trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh. Nhiều chương trình, kế hoạch, dự án, đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể được triển khai thực hiện. Tiêu biểu năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt “Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030”. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng triển khai nhiều dự án liên quan đến cắm mốc, giải phóng mặt bằng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích; thực hiện bảo tồn, tôn tạo, phục dựng di tích; tiếp tục thực hiện công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật... làm tăng tính thuyết phục, hấp dẫn và phát huy giá trị lâu dài cho di tích. Cùng với đó công tác trưng bày, triển lãm, thuyết minh tại di tích tiếp tục được nâng cao, đổi mới cả về nội dung và hình thức hoạt động, nhờ đó ngày càng nhiều khách đến tham quan. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh đã và đang được thực hiện, như: “Nghiên cứu tuyên truyền Chiến thắng Điện Biên Phủ bằng hình thức tranh và thơ”; “Nghiên cứu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, gắn với phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2030”; “Xây dựng hệ thống tái hiện 3D khu di tích lịch sử Đồi A1, TP. Điện Biên Phủ nhằm hỗ trợ phát triển và quảng bá du lịch”... đã góp phần tích cực gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể trên địa bàn tỉnh.

Huyện Tuần Giáo - địa phương có 5 di tích đã được xếp hạng (3 di tích cấp tỉnh, 2 di tích cấp quốc gia), bước đầu đã được đầu tư xây dựng, cắm bia di tích và quản lý bảo vệ. Ông Mùa Va Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Khu căn cứ cách mạng Pú Nhung đã được đầu tư giai đoạn 1 khu tưởng niệm anh hùng Vừ A Dính và các liệt sĩ với kinh phí trên 5 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 3 điểm di tích thành phần thuộc Di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ: Đèo Pha Đin, điểm tập kết hậu cần tại ngã 3 và hang Thẳm Púa. Huyện đã giao cho xã nơi có di tích để thành lập các tổ để quản lý, bảo vệ; đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với các phòng nghiệp vụ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành cắm biển chỉ dẫn tới di tích tại các trục quốc lộ và đường vào di tích để thêm nhiều người dân biết tới tham quan, thưởng lãm cũng như ý thức, trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ, giữ gìn di tích./.

Gia Kiên

Nguồn: Báo Điện Biên Phủ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT