Dịu ngọt chè cốm Hà thành
Những trái thị vàng ươm, những quả ổi đào “xanh vỏ đỏ lòng” thơm nức, những chiếc bánh trung thu đủ hình thù cùng ánh sáng lung linh ngày rằm mang lại niềm vui cho con trẻ. Hương mùa thu ướp đẫm từng ngõ phố quen thuộc, gió thu se se gọi hương hoa sữa nồng nàn... Và không thể thiếu cốm Vòng - những “hạt ngọc” của trời đất, mang theo hương vị ngọt ngào của hương lúa mới.
Trước kia, tuy cuộc sống còn khó khăn, nhưng cứ đến mùa cốm, mỗi gia đình ở Hà Nội luôn có vài lạng cốm gói trong lá ráy, lá sen đặt trên cái mẹt nhỏ cùng vài trái chuối trứng cuốc vàng ươm hay mấy quả hồng đỏ au. Mỗi khi cởi chiếc lạt nếp buộc quanh, hương cốm quyện với mùi lá sen thoang thoảng khiến lũ trẻ háo hức vây quanh, còn người lớn nhẩn nha nhúm vài hạt cho vào miệng. Càng nhai kỹ, người ta càng cảm nhận rõ hơn vị ngọt thơm của cốm tan nơi đầu lưỡi. Thế nhưng, cốm chỉ ngon khi ăn ngay trong 1 - 2 ngày đầu, sau đó, hạt cốm sẽ không còn dẻo nữa. Vì thế, người Hà Nội đã nghĩ ra cách nấu chè cốm để có thể bảo quản được lâu hơn. Và chè cốm trở thành thức quà thanh tao trong những ngày thu của người Hà Nội.
Nấu chè cốm không khó nhưng đòi hỏi người nấu sự tỉ mỉ, cẩn thận cùng gu ẩm thực tinh tế. Trước tiên, phải chọn loại cốm ngon, hạt dẹt mà chắc và đượm hương lúa non. Khi ăn, cốm có vị ngọt, bùi, dẻo. Trước khi nấu, người ta rửa sạch cốm rồi để ráo nước; sau đó, hòa đường cát hoặc đường phèn vào nước rồi đun trên bếp. Để chè cốm có hương thơm mát và màu xanh hấp dẫn, ngày nay, người Hà Nội thường xay thêm lá nếp, bỏ bã lấy nước và đun với nước đường cùng hai thìa bột năng (hoặc bột sắn) để chè thêm sánh. Khi hỗn hợp sánh lại, người ta cho cốm vào, quấy đều tay trên lửa nhỏ. Những hạt cốm bung nở cũng là lúc thêm 1 - 2 thìa đường để chè có vị ngọt thanh. Sau vài phút, chè sánh quyện hơn, người ta múc ra từng bát nhỏ. Để chè cốm dậy hương thơm và có vị bùi, béo, người ta thường cho thêm một chút nước cốt dừa hoặc nước hoa bưởi cùng ít sợi dừa bào nhỏ và thưởng thức.
Ngoài hương vị chè cốm truyền thống, ngày nay, người Hà Nội còn nấu chè cốm với hạt sen, đậu xanh, khoai môn, cùi bưởi để làm tăng sự hấp dẫn và phù hợp hơn với khẩu vị của nhiều lứa tuổi.
Thủy Hương