Độc đáo Lễ hội Bàn Vương của người Dao ở Quảng Ninh
12 dòng họ người Dao là họ Bàn, Triệu, Đặng, Dương, Hoàng, Linh, Lý, Trịnh, Trần, Mã, Chương, Vương lên thuyền để tái hiện hành trình “Vượt biển” đến vùng đất mới.
Ngay từ sáng sớm, các đoàn đại diện cho 12 dòng họ đồng bào Dao đều trong trang phục truyền thống, lên thuyền tái hiện hành trình “Vượt biển” đến vùng đất mới. Trong tiếng trống, tiếng cồng… những con thuyền đi dọc theo sông Ba Chẽ cùng với dòng người trên bờ hướng về Miếu Bàn Vương, nơi thờ thủy tổ của người Dao để dâng lên các lễ vật như Ba Kích, Trà hoa vàng, cây thuốc nam, một số loại cây lương thực, con giống (chó, lợn, dê, gà, vịt,…).
Dân tộc Dao có lịch sử di cư rất lâu đời bởi chiến tranh và biến đổi khí hậu và trong quá trình di cư, họ dần chia thành nhiều nhóm nhỏ và có sự biến đổi về tiếng nói và trang phục.
Tuy nhiên, các nhánh dân tộc đều có những phong tục thống nhất như tục cấp sắc, tục thờ cúng ông tổ là Bàn Hoàng/Bàn Vương. Chính điều này đã tạo nên sức mạnh cộng đồng trong mọi thời điểm, hoàn cảnh.
Ông Triệu Quý Trình, người dân tộc Dao, trú tại thôn Nam Kim, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh nói: “Hàng năm người Dao chúng tôi đều cúng lễ Bàn Vương, cầu mong mọi sự bình an cho 12 dòng họ người Dao và toàn thể người dân trên trái đất đều bình an, bệnh tật đều được trừ khử. Hôm nay, chúng tôi thấy rất vui, rất có ý nghĩa cần phải phát huy có những sáng kiến, phối kết hợp với các ban ngành của Đảng, nhà nước, lực lượng quân đội, công an cùng nhau bảo vệ tổ quốc, bảo vệ bản sắc dân tộc”.
Việc lần đầu phục dựng, tổ chức Lễ hội Bàn Vương là một phần trong thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng” được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt ngày 13/9/2019.
Các Lễ vật như Ba Kích, Trà hoa vàng, cây thuốc nam, một số loại cây lương thực, con giống (chó, lợn, dê, gà, vịt,…) được dâng lên Miếu Bàn Vương.
Đến với Lễ hội, người dân và du khách được chứng kiến nhiều nghi lễ đặc sắc của đồng bào Dao như Lễ nhảy lửa, Lễ đón dâu, Lễ đặt tên… và cùng tham dự nhiều chương trình giao lưu dân ca, dân vũ của đồng bào như Nhảy sạp, hát đối, múa rùa, vật chày...
Ông Nguyễn Toàn Trung, du khách đến từ thành phố Hải Dương cảm nhận: “Tôi thấy ở đây lưu giữ được nét văn hóa của địa phương rất tốt, quảng bá cho tất cả người dân trên đất nước Việt Nam biết nhiều hơn về dân tộc và con người của địa phương. Đồng thời những sự kiện như thế này cũng giúp những người Dao ở địa phương có cơ hội để đón khách có thêm thu nhập phát triển kinh tế”./.