Lễ tang cho voi – Phong tục của người M,Nông
Đối với người M’Nông, khi con voi nhà bị chết, họ cũng tiến hành nghi lễ ma chay giống như với con người. Đồng bào quan niệm, cái chết của voi như một người vừa từ giã thế giới này để về sống ở thế giới bên kia. Khi voi nhà chết, người nhà chỉ báo tin bằng miệng cho gia đình, họ hàng. Người trong làng có biết thì tự nguyện đến chia buồn và giúp đỡ. Các nhà có voi đều gạt bỏ hết công việc đến sẻ chia với gia chủ.
Trước kia đất đai rộng lớn, người ở thưa thớt, voi lại có thân hình to lớn nên voi chết ở đâu là người ta chôn ngay ở đó. Để làm tang lễ cho voi, chủ voi phải làm 2 lễ cúng nhỏ trước: Một là lễ tạ nài voi, hai là cho chủ voi. Nếu người chủ cũng chính là nài voi thì người ta chỉ làm 1 lễ cúng mà thôi, lễ vật rất đơn giản: 1 con gà, rượu và 1 chén gạo, 1 cây nến sáp ong.
Lễ cúng này được diễn ra ngay sau khi voi chết, bên cạnh con voi. Nếu voi nhà chết là voi đực thì khi chôn voi người ta buộc 2 sợi thừng vào 2 bên ngà, chừa 2 cái lỗ hổng theo hướng ngà đi lên, để sau thịt voi phân hủy, họ làm lễ xin thần Ngăch Ngual cặp ngà và rút sợi dây buộc ngà lên một cách nhẹ nhàng.
Với quan niệm voi đã chết rồi, song linh hồn còn ở lại với gia chủ 3 ngày, nên khi voi chết, việc đầu tiên là người ta dùng một tấm vải trắng dài khoảng 3-4 m đắp lên con voi, người nhà gia chủ đều ngủ và ăn tại đó để giữ gìn linh hồn voi ở lại. Sau 3 ngày mới tiến hành nghi thức chôn cất, cúng tế.
Trong 3 ngày đó họ chỉ ngồi hát khóc, chủ nhà thì lấy rượu hòa với tiết gà bôi lên trán người đến thăm để tránh điều rủi ro. Khi tin chắc voi đã chết hẳn, người ta mới bắt đầu tiến hành đào hố xung quanh con voi để chôn cất.
Chính vì coi voi như một thành viên trong gia đình nên trước khi chôn voi người ta cũng phân chia tài sản đồ vật trong nhà ra, phần của voi được người ta bỏ xuống hố chôn chung cùng với những đồ vật sử dụng liên quan trực tiếp đến con voi như dây buộc voi, dùi móc (kreo)… Nhưng ngày nay, phong tục này cũng đã mất đi, nếu có chôn họ cũng chỉ chôn các công cụ trong quá trình sử dụng voi (đệm cổ voi bằng vỏ cây lộc vừng, gậy, dây thừng buộc voi, thòng lọng bắt voi…).
Đồ lễ bao gồm gà, heo, cơm, rượu và nến sáp ong. Rượu thì phụ thuộc vào nhà giàu hay nghèo mà cúng 1 hay 3 ché. Chủ nhà lấy gạo ném trúng vào ngọn nến, vào cây buộc ché 3 lần cầu mong cho linh hồn voi vui vẻ siêu sinh không gây bệnh cho các con voi khác trong buôn.
Sau đó, người dân làm lễ bỏ mả cho voi. Với quan niệm sau 30 ngày, linh hồn voi sẽ rời khỏi nhà về lại rừng, đồng thời để cầu khẩn linh hồn voi về lại rừng vui vẻ, vẫn còn nhớ đến mình, nhập linh hồn vào con voi khác để khi thấy chủ đi săn thì ngoan ngoãn cho chủ bắt. Chính vì mong ước đó mà người chủ voi bao giờ cũng làm lễ hiến sinh cho voi khi đã chôn cất được 30 ngày.
Lễ bỏ mả thường được cử hành tại đầu làng, chỉ dành cho những người trong gia tộc tham dự. Muốn có một lễ bỏ mả hoàn chỉnh, họ phải làm hình voi giả bằng gỗ cùng với các công cụ sử dụng của nài voi. Thầy cúng đọc lời khấn, cầu cho linh hồn voi vui vẻ quay lại rừng, cầu cho thần Ngăch Ngual nhận lại linh hồn con voi này, cầu cho voi khi chết đi vẫn nhớ về chủ cũ mà quay lại bằng một con voi khác, để người chủ đi săn bắt được dễ dàng. Sau lễ bỏ mả, họ không còn vướng bận gì với con voi đã chết.
Khi voi nhà bị chết, chủ nhà phải làm lễ tang rất trịnh trọng với tất cả sự thành kính. Lễ tang cho voi như một lời thỉnh cầu tới các thần linh cũng như linh hồn con voi hãy quay lại tìm nơi trú ngụ ở một con voi khác và cho họ bắt được nhiều voi trong quá trình đi săn sau này. Ngày nay, đồng bào M’Nông không còn duy trì nghề săn voi rừng nữa, khi voi nhà chết, dân làng làm lễ tang để tỏ lòng tiếc thương, như trường hợp voi Yă Tao ở xã Chư Mố (huyện Ia Pa) mới đây./.
TẤN VỊNH