Người Thái ở Đắk Lắk giữ gìn văn hóa truyền thống
Điệu múa sạp của người Thái.
Những năm 60 của thế kỷ trước, một số hộ người dân tộc Thái ở các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Lai Châu… đến định cư tại xã Hòa Phú, rồi dần hình thành nên cộng đồng làng xóm. Hiện toàn xã có khoảng 600 hộ với gần 2.000 nhân khẩu sống tập trung ở các thôn 1, 4, 9 và 10. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, người dân tộc Thái ở đây còn phát triển nghề truyền thống và mở các dịch vụ kinh doanh, đem lại thu nhập khá. Nếu như năm 2010, cộng động người dân tộc Thái trong xã có khoảng 50 hộ nghèo thì đến nay chỉ còn 7 hộ. Cuộc sống ngày càng no đủ đã giúp đồng bào người Thái có điều kiện duy trì, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cha ông mình...
Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, từ năm 2012, cộng đồng người Thái ở xã Hòa Phú được UBND TP. Buôn Ma Thuột cho chủ trương phục dựng lễ hội Tết Thái. Theo đó, cứ vào dịp Rằm tháng Giêng hằng năm, Ngày hội cổ truyền dân tộc Thái ở xã Hòa Phú lại được tổ chức nhằm tôn vinh, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp cũng như những tinh hoa văn hóa dân tộc Thái. Đây là dịp để những cô gái Thái khoe trang phục truyền thống, hát những khúc giao duyên, hòa trong tiếng đàn tính tẩu, đàn nhị réo rắt của các chàng trai. Cùng với đó là những điệu múa xòe, nhảy sạp rộn ràng, các trò chơi dân gian như ném còn, đập niêu đất… luôn thu hút đông người tham gia.
Bên cạnh việc phục dựng lễ hội truyền thống, năm 2016, cộng đồng người Thái ở xã Hòa Phú đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Thái với 16 thành viên. CLB có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình và đồng bào dân tộc Thái tại khu dân cư nâng cao ý thức giữ gìn tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống, các loại hình nghệ thuật…
Đối với việc bảo tồn, phát huy ngôn ngữ, chữ viết Thái trong cộng đồng, ông Tống Văn Phương (trú thôn 1, thành viên CLB) là một trong những người có công rất lớn. Hầu hết thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trên quê hương mới vẫn hiểu tiếng Thái, nhưng khả năng diễn đạt rất kém và gần như không biết về chữ viết. Với mong muốn bảo tồn văn hóa truyền thống, từ năm 2016 đến nay, cứ đều đặn tối thứ hai, tư và sáu hằng tuần, ông Phương lại đến nhà văn hóa thôn để dạy tiếng nói và chữ viết Thái cho bà con. Để có giáo án lên lớp, ông Phương đã tự nghiên cứu, tìm tòi các loại sách, tài liệu dạy chữ Thái sau đó tự soạn thảo thành một giáo án riêng để dạy sao cho bà con dễ hiểu nhất. Với việc làm này, đến nay, nhiều người Thái trong xã đã cơ bản đọc và viết được chữ của dân tộc mình.
Bản sắc văn hóa dân tộc Thái còn thể hiện rõ nét qua các món ẩm thực đặc sắc. Anh Lò Văn Vân ở thôn 1 chia sẻ: Người Thái di cư vào Tây Nguyên hầu như ai cũng mang theo hạt giống các loại rau, gia vị quê hương Tây Bắc như mắc khén, chẩm chéo, mắc mật, hạt dổi… vào trồng để chế biến các món ăn đặc trưng của dân tộc. Nhiều món ẩm thực của dân tộc Thái luôn được gìn giữ và lưu truyền qua mỗi bữa ăn gia đình, nhất là vào các dịp lễ, tết… Các món ăn này đều được chế biến theo cách riêng, tẩm ướp các loại gia vị cầu kỳ không lẫn vào đâu được. Đặc biệt, những năm gần đây, một số đặc sản của người Thái như rượu nếp Thái, thịt trâu, bò gác bếp… còn được thương mại hóa, làm với số lượng lớn để bán ra thị trường, rất được khách hàng ưa chuộng.