Hà Giang: Gìn giữ văn hóa truyền thống các dân tộc trên Cao nguyên đá
Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông, xã Đường Thượng (Yên Minh).
Là tỉnh miền núi có trên 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, với bề dày truyền thống văn hóa, các di tích lịch sử mà khó nơi nào có được. Không giống với bất kỳ một địa danh nào trên dải đất hình chữ S, đến Hà Giang, đặc biệt là 4 huyện vùng Cao nguyên đá (Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ), du khách có thể thấy được những sản phẩm kết tinh từ truyền thống văn hóa độc đáo của con người nơi đây. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng biệt, tất cả tạo nên một Hà Giang đầy cuốn hút. Chắc hẳn ai đến với Cao nguyên đá cũng từng được một lần đắm say trong tiếng khèn Mông dìu dặt, mê đắm với tiếng sáo hòa với âm thanh của đại ngàn, hóa thân vào cô gái Lô Lô xinh đẹp, ngắm phụ nữ Mông lặng lẽ bên khung dệt vải lanh. Đặc biệt nhất phải kể đến những trải nghiệm nơi chợ phiên vùng cao, chếnh choáng với rượu ngô men lá thơm nồng…
Trong những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch tại các huyện vùng Công viên địa chất đã có bước phát triển và đạt kết quả quan trọng. Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đó, tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp khôi phục, lưu giữ thông qua việc tổ chức, phục dựng những lễ hội truyền thống như: Lễ hội Khèn Mông, lễ cúng thần rừng của người Lô Lô xã Lũng Cú, lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông; lễ đua cá chép ruộng của người Tày ở Yên Minh, Lễ cúng thần rừng của người Cờ Lao ; bảo tồn, khôi phục những làn điệu dân ca của địa phương.
Cùng đó, tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp các di tích, điểm du lịch quan trọng, thu hút du khách, đảm bảo giữ nguyên vẹn những giá trị văn hóa lâu đời. Tại các huyện, thành phố, phong trào văn hóa ở cơ sở phát triển mạnh và hoạt động ngày một đổi mới đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của nhân dân trên địa bàn. Hệ thống Hội nghệ nhân dân gian hoạt động hiệu quả góp phần tích cực trong việc truyền dạy, gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào và thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng. Tại các xã, nhiều hợp tác xã, tổ, nhóm sở thích được ra đời như các tổ dệt vải lanh, vẽ sáp ong trên vải lanh, nhóm thêu thổ cẩm, may mặc trang phục truyền thống ngày càng thu hút đông đảo các thành viên tham gia. Đặc biệt, nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc, Đề án “Đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy tại các trường học trên địa bàn tỉnh” phát huy hiệu quả tích cực. Nhờ đó, các em học sinh đã nhận thức rõ nét về văn hóa truyền thống của cha ông, tạo sự lan tỏa tích cực trong thế hệ trẻ.
Với việc làm tốt công tác phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, Hà Giang được đánh giá là địa phương có sức hút khách du lịch bậc nhất cả nước, là “địa chỉ đỏ” cho du khách trong nước và quốc tế muốn trải nghiệm màu sắc văn hóa. Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, năm 2020, mặc dù ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, tỉnh ta vẫn đón 1,5 triệu lượt khách, trong đó chủ yếu là khách nội địa với trên 1,4 triệu lượt, doanh thu ước đạt trên 2.477 tỷ đồng. Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn với đa dạng các màu sắc văn hóa dân tộc chính là điểm đến trong hành trình đó.
Những ngày đầu Xuân mới trên rẻo cao, hình ảnh con người hòa lẫn vào màu hoa mận trắng, hoa đào hồng làm say mê bao trái tim. Thiên nhiên, con người cùng với văn hóa Cao nguyên đá đã tạo nên bức tranh đầy màu sắc; trong đó, văn hóa đồng bào các dân tộc nơi đây chính là điểm nhấn của bức tranh ấy. Tạm quên đi lo âu những ngày cuối năm để sống, trải nghiệm đa dạng văn hóa nơi Cực Bắc của Tổ quốc, nơi có sự giao thoa hài hòa của nhiều nền văn hóa tươi đẹp, để thấy một Hà Giang thật cuốn hút./.