Hành trang lữ khách

Độc đáo lễ hội cúng thần rừng của người Cơ Tu

Cập nhật: 04/01/2019 14:53:52
Số lần đọc: 1363
Đồng bào Cơ Tu sinh sống chủ yếu ở các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang (Quảng Nam). Người Cơ Tu từ lâu đời đã kiến tạo, đúc kết rất nhiều những giá trị văn hóa quý giá cho dân tộc của mình, ngoài những giá trị văn hóa như: Không gian kiến trúc nhà ở truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ điệu múa Tân Tung, Da dă, nói lí-hát lý… làm say đắm lòng người, nghề dệt thổ cẩm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cấp quốc gia.
Đồng bào Cơ Tu quần cư lâu đời ở huyện Tây Giang còn có một kho tàng về văn hóa kiêng cữ, giữ rừng, và các câu hát khấn bái cúng thần rừng độc đáo, mang nhiều ý nghĩa, truyền dạy con cháu dân làng biết yêu núi rừng, sông suối, và có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ các khu rừng thiêng, rừng đầu nguồn có nhiều cây gỗ to, nhiều cây thuốc quý.
 
 
Nhân dịp mùa Lễ hội khai năm tạ ơn rừng được tổ chức hồi đầu tháng ba năm 2018 tại Làng sinh thái Pơ Mu, nơi quần tụ của hơn 2011 cây Pơ mu cổ thụ, trong đó có 725 cây được công nhận là cây Di sản Việt Nam có tuổi đời từ 200 năm tuổi, đường kính to nhất của cây là hơn 4 mét, cây có độ tuổi lâu nhất là 1.500 năm tuổi. Chúng tôi may mắn được nghe, được tận mắt chính kiến cách thức tiến hành nghi lễ liên quan đến cúng thần rừng do các cụ già làng Cơ Tu thực hiện ngay bên cây Pơ mu ngũ hổ nằm cạnh làng Pơ Mu thanh bình.
 
Theo Già làng Cơ lâu Bhlao, một người được dân làng xem là báu vật sống về văn hóa, về các luật tục cúng rừng của người Cơ Tu ở xã Tr’ hy huyện Tây Giang cho biết: “ Từ xa xưa lễ hội khai năm tạ ơn rừng này đã có rồi, Cơ Tu gọi là: Bhrợ bhiệc Loong C’moo bhuối hơng K’coong da diing, xưa làng nghèo thì cúng một con gà, một con heo, làng có điều kiện, nuôi được trâu bò thì làm lễ hội cúng rừng lớn hơn như tổ chức cho cả làng ăn trâu, bò, múa dân vũ hát giao duyên giữa làng kết nghĩa nhằm để tạ ơn thần rừng trong một năm qua đã cho dân làng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng an lành”.
 
Các vật cúng thần rừng không thể thiếu đó là: Hai hòn đá, hai quả trứng gà, gạo, muối, lá cây chôm chôm, gà trống, heo đực, dê đực, ché rượu cần, và các biểu tượng chạm khắc bằng gỗ, một bên đại diện cho ma quỷ, một bên đại diện cho con người được dựng lên ngay lều cúng trong tán rừng già, rừng thiêng.Từ khi có Đảng, Bác Hồ, cách mạng, đồng bào Cơ Tu khi làm lễ cúng rừng trang trí thêm ảnh Bác, và lá cờ Tổ quốc mục đích là người Cơ Tu giữ trọn lòng tin với Đảng, Bác Hồ, gìn giữ tốt hơn những những cánh rừng nguyên sinh thêm tươi tốt bằng những luật tục bất thành văn của cộng đồng mình và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, phát luật về chăm sóc và bảo vệ rừng.
 
Dưới tán rừng nguyên sinh đầy tiếng chim hót, suối mát hiền hòa, hòa quyện với điệu múa Tân Tung dịu dàng, hùng dũng thể hiện lòng kiên định của trai, gái, trẻ, Khám phá già Cơ Tu quyết tâm bám đất giữ làng, giữ màu xanh thanh bình của núi rừng luôn mãi xanh tươi, đơm hoa kết trái ngọt lành để cho mùa lễ hội cúng rừng năm tới lại được ấm no, giàu đẹp rộn ràng, đông vui hơn nữa trong điệu trống, tiếng chiêng, câu khấn của già làng vang xa khắp non ngàn. Gọi bạn bè khắp nơi về chơi với hội làng Cơ Tu, với những luật tục giữ rừng rất đậm tính nhân văn, hài hòa với thiên nhiên môi trường sống, họ xem rừng là nhà, cỏ cây là bầu bạn. Minh chứng cho những luật tục cúng rừng, kiêng cữ giữ rừng đó ở Tây Giang đó là hơn 70% diện tích tự nhiên trên toàn huyện có độ che phủ của tán rừng nguyên sinh. Trong đó có hơn 500 cây lim xanh có độ tuổi hơn 1000 năm ở dọc sông Lăng, xã Lăng, 2011 cây Pơ mu, hơn 500 ha cây hoa Đỗ quyên cổ và nhiều loại động thực vật quý hiếm khác.
 
Trong khi ở nhiều nơi nạn khai thác lâm khoáng sản, nhất là khai thác rừng trái phép ngày càng nhiều, ảnh hưởng xấu đến môi trường, đến biến đổi khí hậu. Trên các bản làng của đồng bào Cơ Tu Tây Giang vẫn hằng đêm nghe câu hát lý truyền cho nhau nghe các luật tục, hương ước giữ rừng, giữ môi trường sống trong lành, nhất là những cánh rừng có nhiều gỗ quý. Bởi một điều rất hay trong luật tục giữ rừng của đồng bào Cơ Tu nơi đây, hễ ai chặt cây làm nhà thì phải cúng rừng, xin Yàng, xin hội đồng già làng, khi làng chấp thuận thì mới được làm. Ai vi phạm luật tục, hương ước của làng về rừng thì làng sẽ phạt rất nặng, do vậy mà ít có người dân nào dám vi phạm, họ còn có trách nhiệm trong việc giữ rừng chung của cộng đồng dân tộc mình. Thiết nghĩ, Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số sống ở nơi biên giới, hải đảo, nơi có điều kiện kinh tế còn vô vàn khó khăn bằng những chính sách thiết thực, hiệu quả với người dân, trong đó có đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang, nhất là về tạo sinh kế bền vững bằng mô hình nuôi, trồng cây dược liệu, làm du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng dưới tán rừng, ngôi làng văn hóa, từ đó góp phần giúp người dân chủ thể của rừng, của văn hóa đó vừa giữ rừng, giữ văn hóa vừa có nguồn thu nhập ổn định, hạn chế thấp nhất nạn phá rừng già để làm nương rẫy, từ đó xây dựng vùng biên ngày càng lớn mạnh, giàu đẹp hơn./.
 
Nguồn: Baodulich.net.vn

Cùng chuyên mục