Độc đáo sắc màu batik xứ vạn đảo Indonesia
Batik Indonesia được đánh giá là sản phẩm dệt tinh tế nhất, đẹp nhất, không có nơi nào sánh nổi. Batik được thực hiện qua nhiều công đoạn phức tạp. Từ mảnh vải cotton dệt tay trắng nguyên sơ, thợ thủ công và những nhà thiết kế dùng bút chì vẽ mẫu hoa văn lên vải. Sau đó họ vẽ và phủ sáp ong lên các hình mẫu, rồi nhúng trong thùng đựng dung dịch thuốc nhuộm đun sôi. Nước nóng lên sẽ làm cho sáp tan ra, phần vải được phủ sáp ong vẫn còn trắng, chỉ có các phần vải không được phủ sáp mới nhuộm màu và bắt đầu hiện hình hoa văn.
Công đoạn quan trọng nhất là vẽ sáp ong. Người ta dùng một công cụ nhỏ bằng đồng chứa sáp ong nóng có vòi thon và dài gọi là canting vẽ và phủ sáp ong lên các hình vẽ hay những mảng chưa cần được nhuộm màu của tấm vải. Tấm vải được mang phơi khô, kiểm tra chất lượng kỹ thuật màu sắc, hoa văn sau lần nhuộm ban đầu. Sau vài quy trình lặp đi lặp lại: vẽ - phủ sáp và nhuộm màu, sẽ cho ra sản phẩm hoàn thiện, ưng ý.
Với sắc màu, hoa văn đa dạng, vải batik từ lâu đã được chọn làm trang phục truyền thống, tạo nên vẻ đẹp lộng lẫy, sang trọng cho phái đẹp. Nhiều mẫu vải batik có kích thước khác nhau dùng để may áo, váy, tấm choàng, khăn quàng, khăn, thắt lưng… Trên các sản phẩm đó luôn được bố trí nhiều hoa văn như chim phượng, công, hạc… và hoa văn hoa lá ở trung tâm và đường viền.
Tấm vải xanh màu chàm có tên là putihan, mang biểu tượng cho sự trong trắng, vô nhiễm, mang ý nghĩa sức mạnh bảo vệ, dành cho những đứa con đầu lòng, nên thường làm khăn quàng, tấm choàng cho em bé, nhất là khi bị ốm. Tấm vải batik có hoa văn đỏ rực trên nền trắng, gọi là bangrod, dùng cho các cô gái trẻ sắp làm đám cưới. Tấm vải batik có phối màu đỏ, xanh, đen trên nền màu sáng gọi là pipitan - biểu tượng cho sự gắn kết, gần gũi giữa vợ chồng, con cái, thích hợp cho phụ nữ có con nhỏ.
Tấm vải batik có màu xanh sẫm trên nền xanh nhạt gọi là biron - dành cho những người mẹ trung tuổi và thường dùng làm của hồi môn cho con cái khi lập gia đình. Tấm vải batik irengan có màu đen trên nền xanh cẩm thạch, thích hợp với người phụ nữ đứng tuổi. Một số tấm vải dành riêng cho việc trang trí nhà cửa, làm khăn choàng phủ lên đôi vợ chồng trong lễ cưới. Trước kia, những người vợ của tầng lớp cao quý như chủ đất, người có chức sắc thì mặc những loại trang phục batik cao cấp.
Batik còn là sản phẩm vải được ưa chuộng, được chọn làm trang phục cho mọi tầng lớp. Người dân ở xứ vạn đảo gắn bó thiết thân với mặt hàng vải vóc do họ làm ra. Học sinh đến trường cũng sử dụng đồng phục batik, nhân viên, công nhân ở các xí nghiệp, công sở đều có đồng phục riêng từ sản phẩm batik. Từ người dân đến viên chức, công chức đều mặc trang phục batik, điều này chẳng những vì trân trọng nét đẹp ngoại hình mà họ còn có ý thức bảo vệ bản sắc.
Tiêu thụ sản phẩm nghề dệt thủ công truyền thống để bảo tồn tinh hoa, quốc hồn quốc túy của đất nước và cũng là yếu tố để giữ gìn, phát triển bền vững các làng nghề batik - một sản phẩm du lịch hàng đầu của đất nước Indonesia. Các cửa hàng bán vải batik luôn hấp dẫn những người mua sắm ngoại quốc vì mẫu mã, màu sắc bắt mắt. Đây là món quà lưu niệm tuyệt vời mà du khách nước ngoài đến thăm xứ vạn đảo không ngần ngại móc hầu bao để mua sắm.
Batik là sản phẩm dệt có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật dệt và hội họa. Một số sản phẩm đạt chất lượng nghệ thuật tinh xảo, có giá trị thẩm mỹ cao. Với vẻ đẹp độc nhất vô nhị, những sắc phục được tạo ra từ sản phẩm batik chính là tinh hoa di sản thời trang của xứ vạn đảo. Batik là báu vật giúp cho đất nước Indonesia phát triển mạnh công nghệ may mặc, dệt vải, thời trang, lễ hội, du lịch… Truyền thống batik đã trở thành biểu tượng văn hóa của cả quốc đảo. Năm 2009 batik đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.