Hoạt động của ngành

Đồng Tháp nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển du lịch

Cập nhật: 12/01/2021 09:35:22
Số lần đọc: 708
Thực hiện Đề án phát triển du lịch (DL), cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển DL, triển khai các chính sách hỗ trợ các điểm DL, tạo điều kiện thúc đẩy các tour – tuyến DL, khai thác hiệu quả các sản phẩm DL thu hút du khách.


Vườn Quốc gia Tràm Chim - khu, điểm du lịch trọng điểm thu hút du khách

Tỉnh đã tập trung nhiều nguồn vốn đầu tư, trong đó có nguồn vốn xổ số kiến thiết phát triển các khu DL, trong đó có các khu, điểm DL trọng điểm như: Tràm Chim, Xẻo Quít, Gáo Giồng, Gò Tháp, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Làng hoa Sa Đéc... Ngành văn hóa, thể thao và du lịch cùng các sở, ngành đã triển khai các chính sách hỗ trợ, đầu tư chiến lược phát triển DL từ chiều rộng sang chiều sâu. Trong đó, vừa tập trung kêu gọi các nhà đầu tư khai thác các khu DL trọng điểm, vừa tập trung nguồn lực địa phương đầu tư phát triển DL nông nghiệp, DL cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP. Đồng thời mở rộng không gian DL về vùng nông thôn, khai thác các giá trị văn hóa, tài nguyên DL bản địa, gắn với giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, quà lưu niệm từ các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển DL xanh cho cộng đồng và cơ sở kinh doanh DL. Vườn trái cây Mỹ Nữ tại xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh là 1 trong những điểm đến được nhiều du khách ưa chuộng. Bởi nơi đây trồng nhiều loại cây ăn trái và mở cửa đón khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm, mua trái cây và cây giống. Bà Võ Thị Nở - chủ vườn trái cây Mỹ Nữ, huyện Cao Lãnh chia sẻ: “Lúc đầu, tôi cũng không dự định làm DL, chỉ trồng cây ăn trái trong vườn nhà, đến khi được chính quyền địa phương cấp tỉnh, huyện ủng hộ, khuyến khích nên gia đình tôi mới bắt tay vào làm. Nhờ trồng theo hướng hữu cơ nên cây trái trong vườn tươi tốt, khách từ các nơi muốn mua sản phẩm phải đặt hàng mới có, gia đình tôi cũng phấn khởi...”. Với sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với DL nên nhiều nhà vườn làm DL đa dạng các sản phẩm gắn với DL, trong đó có các gian hàng đặc sản địa phương như tại các điểm tham quan trong khu DL Đồng Sen, huyện Tháp Mười có các sản phẩm về khô cá các loại, dưa chua ngó sen, trà tim sen, lá sen, sữa sen... Tại huyện Lai Vung, các vườn quýt ngoài phục vụ du khách tham quan, chụp ảnh, tại các cửa ra vào của điểm tham quan còn có các sản phẩm quýt, cam hoặc mứt được làm từ vỏ quýt, các loại nem đặc sản của địa phương...

Với thế mạnh về phát triển DL, TP.Sa Đéc đã đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển đô thị khang trang, đặc biệt trong quy hoạch, xây dựng và triển khai các tuyến đường kết nối giao thông phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng DL trên địa bàn. Đến nay, nhiều công trình trọng điểm hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố đáp ứng mục tiêu phát triển DL đã đề ra. Nếu như năm 2016, các điểm tham quan DL, di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn đón khoảng 335.560 lượt khách đến tham quan (trong đó có 23.648 khách nước ngoài); riêng Làng hoa Sa Đéc thu hút trên 300.000 lượt khách đến tham quan trong dịp Tết. Năm 2019, có khoảng 824.845 lượt du khách đến tham quan (trong đó có 56.539 lượt khách nước ngoài tăng mạnh) tổng số lượng khách DL giảm nhẹ so với năm 2018 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 – 2020, TP.Sa Đéc đã làm thay đổi nhận thức, tư duy rất lớn của người dân làng hoa từ đơn thuần trồng hoa, kiểng để bán nay chuyển dịch thành trồng hoa thu hút khách DL (vì khi có khách DL tham quan thì người dân vẫn bán được hoa, kiểng và kèm theo các dịch vụ ăn uống, giải khát, giải trí, lưu trú tạo thêm thu nhập).

Đến nay, thành phố có 4 cơ sở homestay phục vụ khách DL (trong đó có 2 homestay đạt chuẩn phục vụ trên 60 chỗ ngủ cho khách DL được UBND tỉnh công nhận là điểm DL cộng đồng và đã được tỉnh hỗ trợ chính sách theo Nghị quyết 210 của Hội đồng nhân dân tỉnh) và 7 điểm DL cộng đồng khác được UBND tỉnh công nhận. Sự phát triển kinh tế DL TP.Sa Đéc còn thể hiện qua sự đầu tư của các doanh nghiệp, các cơ sở tư nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú. Các khách sạn, nhà nghỉ cao cấp được đầu tư, sửa chữa nâng cấp phục vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách. Tại huyện Lấp Vò, UBND huyện và các ngành chú trọng khai thác các tiềm năng DL như đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất tại các điểm DL, liên kết xây dựng các tour DL, khuyến khích phát triển các sản phẩm đặc trưng, xúc tiến quảng bá, tổ chức đào tạo cán bộ chuyên môn nghiệp vụ và xây dựng ý thức người dân khi làm DL, cùng với các hoạt động văn hóa tâm linh ở các kỳ lễ hội để thu hút khách đến tham quan. Khai thác có hiệu quả các khu, điểm DL trọng điểm, tiếp tục phát triển mạnh loại hình DL sinh thái-nghỉ dưỡng, văn hóa kết hợp với tổ chức sự kiện, lễ hội, từng bước đưa ngành DL trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Hỗ trợ thúc đẩy phát triển DL, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành văn hóa, thể thao và du lịch chú trọng thu hút các dự án đầu tư lớn vào lĩnh vực DL, quảng bá, xúc tiến và liên kết phát triển DL; tạo điều kiện phát triển mạnh loại hình DL cộng đồng dựa vào nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người nông dân. Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hỗ trợ phát triển cơ sở lưu trú, nhất là các cơ sở lưu trú cao cấp tại TP.Cao Lãnh và TP.Sa Đéc; đa dạng hóa các sản phẩm quà tặng; tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước và ngoài nước, các công ty lữ hành để thu hút du khách; triển khai các dự án phục vụ khách nước ngoài, khách nội địa có thu nhập cao...

Nguồn: Báo Đồng Tháp

Cùng chuyên mục