Đồng Tháp phát triển du lịch cộng đồng, bảo tồn văn hóa bản địa
Trải nghiệm một ngày làm ngư dân tại vườn quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)
Nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng
Đồng Tháp được đánh giá là vùng đất có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng và hấp dẫn, nổi tiếng với những đồng sen hồng, nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị cùng nghệ thuật ẩm thực độc đáo.
Đó là những lợi thế để Đồng Tháp phát triển loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái nông nghiệp.
Nguồn tài nguyên được phân bổ khá đồng đều là nền tảng để hình thành các khu, điểm du lịch đặc trưng của tỉnh.
Với chủ đề “Bảo tồn lịch sử - Gìn giữ hồn quê” khu di tích Xẻo Quýt khai thác các giá trị văn hóa truyền thống gắn với hình ảnh vùng Đồng Tháp Mười xưa, định hướng phát triển thành khu vui chơi kết hợp giáo dục truyền thống, giới thiệu làng nghề thủ công, trò chơi dân gian.
Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng là nơi dã ngoại, thưởng thức ẩm thực làng quê, nghiên cứu văn hóa ẩm thực truyền thống, tổ chức các sô dạy nấu ăn, bảo tồn và phát triển cây tràm, cây tre.
Vườn Quốc gia Tràm Chim phát triển du lịch sinh thái dựa trên trải nghiệm cuộc sống vùng ngập lũ; giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và thiên nhiên.
Khu di tích lịch sử văn hóa khảo cổ Gò Tháp-Đồng Sen phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, các yếu tố văn hóa thời khẩn hoang, tâm linh và sen, tập trung khai thác sự bí ẩn của nền văn hóa Óc Eo.
Làng hoa kiểng Sa Đéc được định hướng trở thành “thành phố hoa của khu vực Nam Bộ”, trong khi khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là nơi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp cụ Nguyễn Sinh Sắc, phát huy giá trị truyền thống làng Hòa An xưa với các làng nghề thủ công…
Thành công bước đầu
Với việc phát triển được 78 điểm du lịch cộng đồng, hiện nay du lịch cộng đồng tại Đồng Tháp là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa, không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái mà còn bảo tồn, phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương.
Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, nhiều gia đình đã mạnh dạn mở cửa vườn cây ăn trái, đồng sen, vườn hoa kiểng… đón khách tham quan và làm du lịch homestay.
Nhắc tới phát triển du lịch cộng đồng tại Đồng Tháp, phải kể đến cánh đồng sen bạt ngàn ở Khu Đồng Sen huyện Tháp Mười. Nơi đây lúc đầu chỉ có 5 hộ dân khai thác loại hình du lịch trải nghiệm: chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen.
Đến nay, Khu Đồng Sen huyện Tháp Mười đã có 9 hộ tham gia khai thác du lịch. Trung bình một tháng, các điểm tham quan đồng sen đón và phục vụ trên 10.000 lượt khách.
Bên cạnh đó, các hộ dân có vườn trồng cam, trồng quýt ở huyện Lai Vung đã mạnh dạn mở cửa vườn đón khách du lịch đến tham quan. Hiện, huyện có 9 điểm tham quan vườn quýt hồng, cam xoàn đang khai thác phục vụ khách tham quan du lịch.
Từ khi khai trương hoạt động đến nay, các điểm tham quan vườn cam, quýt trên địa bàn đã đón tiếp và phục vụ hơn 75.000 lượt khách, tổng thu đạt khoảng 24 tỷ đồng.
Thành phố Cao Lãnh - Thủ phủ đất Sen hồng đã xây dựng và phát triển được mô hình Làng du lịch Tân Thuận Đông với các dịch vụ như du lịch sinh thái-ẩm thực; du lịch trải nghiệm-giáo dục và du lịch sinh thái, trải nghiệm-nghỉ dưỡng.
Qua 2 năm hình thành và phát triển, hai hộ dân tại xã Tân Thuận Đông đã đầu tư trên 800 triệu đồng xây dựng cơ sở vật chất, cải tạo cảnh quan phục vụ khách du lịch; tính đến nay đã đón và phục vụ khoảng 25.000 lượt khách, trong đó có khoảng 3.000 khách quốc tế.
Theo ông Ngô Quang Tuyên, địa phương có mô hình du lịch cộng đồng thành công nhất phải kể đến là thành phố Sa Đéc.
Được định hướng phát triển thành “Thành phố hoa của khu vực Nam Bộ” với những khu vườn kiểu mẫu, bảo tàng hoa với hàng trăm loài hoa đẹp, lạ,… nổi tiếng trong nước và nước ngoài, làng hoa Sa Đéc có các Vườn hoa kiểng Hai Cao, Happy land Hùng Thy, Điểm tham quan Đài ngắm hoa -vườn hoa kiểng Ngọc Lan, homestay Ngôi nhà Hoa Ếch, Homestay Ngôi nhà Tre - Phong Levent...
Đây là những điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế đến tham quan, thưởng ngoạn.
Ngoài việc được tận hưởng vẻ đẹp của hoa cỏ, du khách còn được nghe các nghệ nhân, tình nguyện viên giới thiệu đặc điểm, xuất xứ, ý nghĩa và giá trị tinh thần lẫn kinh tế của từng loại hoa kiểng, xem các tiểu cảnh phong phú, hấp dẫn trên đường hoa Sa Nhiên-Cai Dao.
Làng bột Tân Phú Đông là một trong những điểm tham quan mới thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm, thưởng thức những món ăn ngon, với nhiều loại bánh được chế biến từ bột gạo Sa Đéc.
Năm 2018, lượng khách du lịch đến Thành phố Sa Đéc đạt hơn 1 triệu lượt khách trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, một số điểm du lịch đã thu hút đông du khách tại Đồng Tháp như homestay Tư Cá Linh (huyện Tam Nông); Làng rau nhút thủy sinh ở Cồn Phú Mỹ; Trang trại nhà màng trồng dưa lê của Công ty Ecofam (huyện Thanh Bình); Hợp tác xã rau sạch và nông trại lúa hữu cơ Tâm Việt (huyện Hồng Ngự); Trung tâm sản xuất hoa kiểng ứng dụng công nghệ cao ở thành phố Sa Đéc…
Những địa điểm đang được tập trung đầu tư, khai thác phát triển du lịch gắn với các giá trị nông nghiệp và văn hóa truyền thống bản địa.
Mô hình du lịch cộng đồng phát triển đã góp phần giúp ngành Du lịch Đồng Tháp tiếp tục tạo dấu ấn đột phá, xếp thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về số lượng du khách.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, 6 tháng đầu năm 2019, ước tổng lượt khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh hơn 1,95 triệu khách, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2018; tổng doanh thu ước đạt 500 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2018./.