Hoạt động của ngành

Lai Châu: Góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương

Cập nhật: 16/07/2019 09:14:13
Số lần đọc: 1173
Thực hiện Đề án Phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020, du lịch Lai Châu đã bước chuyển biến mạnh mẽ. Đã hình thành được một số khu du lịch sinh thái cộng đồng được khách du lịch, các hãng lữ hành yêu thích lựa chọn để tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm như: bản Sin Suối Hồ, bản Hon, bản Sì Thâu Chải, bản Lao Chải 1, bản Gia Khâu và bản Nà Khương… Qua đó, không chỉ mang lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế bền vững cho người dân bản địa mà còn giúp bà con bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương.


Du khách tham quan tại Khu du lịch Đồi thông (xã Tả Lèng, huyện Tam Đường).

Cách thành phố Lai Châu khoảng 4km, Khu du lịch đồi thông trên địa bàn bản Thèn Pả và Háng Là, xã Tả Lèng đang là địa điểm check in thu hút đông đảo người dân, du khách. Với diện tích khoảng 4ha, khí hậu trong lành, mát dịu và khi di chuyển lên cao thì se lạnh ngay giữa những ngày hè đã khiến cho bất kỳ ai một lần đến sẽ khó có thể quên. Lối lên đồi thông cũng được trang trí bởi hàng nghìn chiếc nón lá, cây chong chóng đầy màu sắc, những điểm tạo hình cho các bạn trẻ chụp ảnh; những chiếc ghế gỗ mộc dọc lối đi cho du khách nghỉ ngơi, hay những chiếc lán nhỏ xinh, rặng hoa nhựa... là những tạo hình được chính đồng bào dân tộc Mông bản Thèn Pả tự tay thực hiện đã để lại ấn tượng đẹp cho nhiều du khách.

 Chị Nguyễn Huyền Ngọc - du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, qua trang facebook của bạn, tôi đã tìm đến điểm du lịch Đồi thông Tả Lèng. Ấn tượng với chúng tôi không chỉ là cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, khí hậu tuyệt vời, mà còn là cách làm du lịch của người dân nơi đây. Không ồn ào bon chen, không mời chào, chèo kéo du khách. Họ mộc mạc dễ thương với nụ cười hồn hậu luôn nở trên môi. Những sản vật địa phương của bà con đem bán cũng rất ngon và có hương vị riêng. Tôi rất vui và hài lòng khi đến với điểm du lịch này. Và tôi chắc chăn sẽ trở lại cùng gia đình và những người bạn ở thủ đô trong thời gian gần nhất. Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của người dân nơi đây, khu đồi thông Tả Lèng đang trở thành một điểm đến hấp dẫn, tạo thêm công ăn việc làm, giúp bà con xóa đói giảm nghèo và làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Ông Sùng A Hồ -  Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch khẳng định, Lai Châu là địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch, với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và nền văn hóa đặc sắc của 20 dân tộc. Vì vậy, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Quyết định 136-QĐ/TU về ban hành Đề án Phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, đã xác định rõ “phát triển sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng” là một sản phẩm du lịch chủ lực của địa phương. Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Xác định hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng không thể tách rời môi trường tự nhiên, văn hóa bản địa, vì vậy, qua các khóa tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, nội quy, quy chế các điểm du lịch đã lồng ghép nội dung tuyên truyền về bảo vệ môi trường, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống cho cộng đồng địa phương. Đến nay, người dân tự giác gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, cải thiện vệ sinh môi trường.

Cùng với đó, ngành cũng quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhận lực công tác tại lĩnh vực du lịch. Cụ thể, từ 2017 đến nay, ngành đã phối hợp với các địa phương tổ chức 13 khóa tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về Lễ tân/buồng, nghiệp vụ lưu trú. Hỗ trợ kiến thức quản lý Nhà nước về du lịch và phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái; kỹ năng Homestay, kỹ năng phục vụ khách du lịch và phát triển ẩm thực; hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch cho trên 700 lượt cán bộ, nhân viên, quản lý khách sạn và người dân bản địa trên địa bàn toàn tỉnh. Các huyện Tam Đường, Phong Thổ đã thành lập đoàn cán bộ và các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch tham quan học tập kinh nghiệm mô hình du lịch cộng đồng sinh thái tại tỉnh và các huyện Sapa và huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), huyện Mộc Châu, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La)…

Trong triển khai các chương trình hỗ trợ phát triên du lịch, tỉnh chỉ đạo các địa phương đã kết hợp với triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ kinh phí và vận động Nhân dân chung tay nâng cấp đường giao thông nông thôn, đường nội bản, đường sản xuất, đường điện, nước sạch... Hỗ trợ các loại giống cây trồng (macca, đào, sơn tra, cam, quýt...) để hình thành các vùng trồng cây ăn quả ôn đới tại Hồ Thầu, Sin Suối Hồ; hình thành mô hình trồng các loại hoa địa lan, hoa phong lan, hoa hồng, hoa đào tại Sin Suối Hồ, San Thàng, thành phố Lai Châu; xây dựng 06 nhà vệ sinh công cộng; trang thiết bị (tăng âm, loa đài, trang phục, nhạc cụ) tại các điểm du lịch. Xây dựng mô hình trình diễn nghề đan lát ghế mây cho 10 hộ gia đình dân tộc Dao bản Sì Thâu Chải; xây dựng các điểm ngắm cảnh tại các điểm du lịch như: bản Sì Thâu Chải, Lao Chải (huyện Tam Đường), bản Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ), Gia Khâu (thành phố Lai Châu)…

Xác định, công tác quảng bá xúc tiến đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch cộng đồng, Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch đã lập và kết nối các website để cập nhật và đăng tải thông tin du lịch tỉnh trên website: laichau.tourism.vn, dulichtaybac.vn, vietnamtourism.gov.vn. Hệ thống các trang mạng xã hội; hướng dẫn để người dân sử dụng thành thạo các ứng dụng về công nghệ thông tin, hiệu ứng các trang mạng xã hội (facebook, zalo...) để đăng tải các thông tin, hình ảnh điểm đến, dịch vụ của gia đình. Ký kết với Tổng đài Viettel và Vinaphone triển khai tin nhắn quảng bá các điểm du lịch qua thuê bao di động của du khách. Phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình kỹ thuật số thực hiện các chương trình quảng bá và trải nghiệm thực tế tại các điểm du lịch sinh thái cộng đồng. Đặt 11 bốt thông tin du lịch tại các điểm bến xe, khách sạn trên địa bàn tỉnh; in ấn phát hành các loại bản đồ du lịch, sách ảnh, tờ rơi du lịch bằng song ngữ Việt – Anh. Tham gia giới thiệu điểm đến Lai Châu với các hãng lữ hành, du khách trong nước và quốc tế tại các sự kiện như: Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Lễ hội Hoa Ban Điện Biên…và hội chợ du lịch quốc tế thường niên: VITM Hà Nội, ITE thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ việc phát huy hiệu quả của các khu du lịch sinh thái cộng đồng, năm 2016, tỉnh Lai Châu đón 220.380 lượt khách du lịch, doanh thu đạt 343.06 tỷ đồng, thì đến năm 2018 đón 289.400 lượt, doanh thu đạt 454.08 tỷ đồng và đạt mức tăng trưởng bình quân 14%/năm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển du lịch Lai Châu Giai đoạn 2016 – 2020 cũng còn những khó khăn như: việc bố trí nguồn lực cho hạ tầng du lịch còn ít. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch tại một số khu, điểm phát triển chậm, thiếu đồng bộ. Dịch vụ du lịch bổ trợ, quà lưu niệm tại các điểm du lịch sinh thái cộng đồng còn đơn điệu, thiếu tính đặc trưng. Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao. Trình độ chuyên môn một bộ phận cán bộ làm công tác du lịch từ tỉnh tới cơ sở còn yếu; Đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phần lớn chưa qua đào tạo chuyên ngành dịch vụ, du lịch. Hầu hết người dân tham gia phát triển du lịch địa phương chưa được đào tạo chuyên sâu. Chưa có chính sách đặc thù khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

Vì vậy thời gian tới, tỉnh Lai Châu cũng đề ra một số giải pháp cụ thể phát triển du lịch sinh thái cộng đồng như: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, trong đó lấy cấp ủy, chính quyền và người dân tại các điểm du lịch sinh thái cộng đồng làm nòng cốt. Tiếp tục phát huy và khai thác hiệu quả sản phẩm sẵn có trên địa bàn 8 huyện, thành phố để tăng sức hấp dẫn, sự lựa chọn của khách du lịch khi đến Lai Châu. Đồng thời, rà soát, đánh giá chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng đang khai thác. Trong đó, cần ưu tiên nguồn lực thực hiện các hạng mục về: hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, các trạm dừng chân ngắm cảnh cho du khách, nhà vệ sinh công cộng, xây dựng hệ thống xử lý rác thải. Nâng cấp nhà văn hóa thôn bản làm trung tâm đón tiếp khách và giới thiệu văn hóa truyền thống; phát triển dịch vụ Homestay chất lượng cao; cải tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường...

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch sinh thái cộng đồng: Sử dụng mạng xã hội facebook, youtube, twitter, zalo và các trang thông tin điện tử (website); xây dựng ứng dụng “du lịch thông minh” trên smartphone với 2 ngôn ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh; tổ chức chương trình sự kiện theo chuyên đề để quảng bá, giới thiệu văn hóa, du lịch Lai Châu tại Hà Nội... Khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành tại tỉnh xây dựng các tour du lịch nội tỉnh và xúc tiến, chào bán tour du lịch sinh thái cộng đồng của địa phương đến khách du lịch trong nước và quốc tế.  Tăng cường kết nối với các công ty lữ hành tại khu vực, cả nước để giới thiệu sản phẩm du lịch của Lai Châu đến du khách. Nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích phát triển du lịch địa phương, nhất là đối với các loại hình du lịch cộng đồng (hỗ trợ mua sắm trang thiết bị và xây dựng công trình nhà vệ sinh tại các nhà có phòng ở cho khách du lịch thuê. Hỗ trợ sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch, lãi suất tiền vay cho tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc vừa sản xuất vừa hoạt động kinh doanh sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch…). Chủ động mở rộng liên kết hợp tác phát triển du lịch với huyện Kim Bình, huyện Châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc... góp phần thúc đẩy du lịch nơi mảnh đất biên cương Tổ quốc phát triển xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Nguồn: Báo Lai Châu

Cùng chuyên mục