Hoạt động của ngành

Phát triển sản phẩm mang thương hiệu Du lịch Nghệ An

Cập nhật: 15/07/2019 08:38:04
Số lần đọc: 1509
Để tạo bước đột phá cho Du lịch Nghệ An, hướng tới đưa Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch vùng Bắc Trung Bộ, một trong những vấn đề trụ cột cần được triển khai trong thời gian tới là đẩy mạnh phát triển hệ thống sản phẩm du lịch chủ đạo gắn với định vị thị trường.


Sông Giăng - đập Phà Lài (Con Cuông) - điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với những trò chơi mạo hiểm và những món ăn đặc sản mang đậm hương vị của núi rừng. Ảnh: Sách Nguyễn

Nhiều chuyển biến tích cực

Hoạt động du lịch Nghệ An những năm qua đã có bước chuyển biến tích cực, không gian phát triển được mở rộng, không chỉ còn bó hẹp ở khu vực ven biển mà ngày càng lan tỏa đến các huyện miền Tây với loại hình sản phẩm du lịch đa dạng hơn, chất lượng được cải thiện đáng kể.

Bên cạnh các sản phẩm Nghệ An có thế mạnh như: Du lịch văn hóa lịch sử gắn với tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng biển, thời gian gần đây du lịch sinh thái, du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch công vụ, du lịch cộng đồng đang có xu hướng gia tăng...

Việc đẩy mạnh hợp tác liên kết phát triển du lịch đã thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch lớn trong nước như: Saigontourist, Vietravel, Vingroup, Mường Thanh... tham gia đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, góp phần làm cho diện mạo ngành Du lịch Nghệ An dần thay đổi cả về quy mô và chất lượng.

Một số khu du lịch, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 4 - 5 sao được hình thành: Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, Tổ hợp Khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Cửa Hội... cùng với việc bảo tồn tôn tạo các điểm đến tham quan, du lịch mới (đền thờ Hoàng đế Quang Trung, Khu di tích lịch sử Trương Bồn, chùa Đại Tuệ, các trang trại trồng hoa, cây ăn quả ở Nghĩa Đàn, bản du lịch cộng đồng ở Con Cuông...) đã gia tăng sức hấp dẫn của du lịch Nghệ An; lượng khách du lịch tăng nhanh, các tour kết nối điểm du lịch trong tỉnh ngày càng phổ biến.

Việc khai thác giá trị văn hóa phi vật thể phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn cũng được quan tâm hơn. Một số sản phẩm làng nghề bước đầu được khách du lịch chấp nhận, nhất là các sản phẩm do JICA hỗ trợ xây dựng thương hiệu, mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu.

Tuy nhiên, so với yêu cầu và thế mạnh tài nguyên, chất lượng và tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch Nghệ An chưa có sự bứt phá tương xứng, chưa có nhiều sản phẩm đặc thù với đẳng cấp cao...

Phát triển các sản phẩm có thế mạnh

Thời gian tới, Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo như: du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa lịch sử gắn với tâm linh, du lịch sinh thái gắn với văn hóa vùng đồng bào dân tộc và vùng nông thôn...; ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch có đẳng cấp chất lượng cao, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng. Trong đó:

Về du lịch nghỉ dưỡng biển, tập trung thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án trọng điểm: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí tại xã Nghi Tiến (Nghi Lộc) của Tập đoàn FLC, Tổ hợp vui chơi giải trí và cáp treo Vinpearl Cửa Hội giai đoạn II, Dự án mở rộng giai đoạn II khu Bãi Lữ Resort; Quy hoạch xây dựng công viên phía Đông đường Bình Minh; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch biển tại các điểm: Diễn Thành, Cửa Hiền, Quỳnh Phương, Quỳnh Nghĩa trên cơ sở gắn kết với du lịch văn hóa tâm linh đền Cuông, đền Cờn, đền Nguyễn Xí, đền Đức Hoàng, chùa Cổ Am và du lịch sinh thái hồ Xuân Dương, hồ Vực Mấu, hồ Vệ Vừng.

Về du lịch văn hóa, đẩy mạnh khai thác giá trị văn hóa phi vật thể như dân ca, dân nhạc, dân vũ, lễ hội, làng nghề cũng như các phong tục tập quán, ẩm thực truyền thống để tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, trong đó tập trung xây dựng một số điểm trình diễn dân ca ví giặm phục vụ du khách tại Vinh, Cửa Lò, Nam Đàn; phát huy có hiệu quả giá trị các lễ hội truyền thống trên địa bàn cho phát triển du lịch, từng bước đưa Lễ hội làng Sen, Lễ hội Du lịch Cửa Lò, Lễ hội Vua Mai trở thành sự kiện văn hóa du lịch có tầm ảnh hưởng lớn trong vùng, trong nước.

Về du lịch nông nghiệp, nông thôn: Từng bước phối hợp xây dựng sản phẩm du lịch canh nông gắn với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và hồ sông Sào tại Nghĩa Đàn, các trang trại trồng cam (Quỳ Hợp), sản xuất gạo dược liệu và dự án trồng cây ăn quả hồ Vệ Vừng (Yên Thành), đảo chè Cầu Cau (Thanh Chương), trang trại cừu (Diễn Châu), chế biến hải sản (Cửa Lò)... cùng với cảnh quan làng quê và không gian văn hóa nông thôn mới.

Về du lịch MICE, xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm du lịch hội nghị, hội thảo của tỉnh và của vùng trên cơ sở kêu gọi đầu tư các dự án Khu du lịch sinh thái ven sông Lam, các khu vui chơi giải trí, khách sạn cao cấp gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử tiêu biểu như thành cổ Vinh, đền Quang Trung, đền Hoàng Mười, đền Hồng Sơn, chùa Cần Linh, các bảo tàng để phục vụ nhu cầu của khách du lịch khi đến Nghệ An; tiếp tục mở rộng khai thác tuyến du lịch ven sông Vinh.

Về du lịch sinh thái gắn với văn hóa cộng đồng, đẩy nhanh tiến độ các dự án Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau, Khu du lịch sinh thái Phà Lài, du lịch sinh thái Rừng săng lẻ Tam Đình, thác Khe Kèm, thác Sao Va, thác 7 tầng..., đồng thời xúc tiến phát triển các loại hình du lịch đi bộ, leo núi, du lịch trên sông, hồ, du lịch tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa cộng đồng các bản làng dân tộc ở Con Cuông, Tương Dương, Tân Kỳ, Quỳ Châu, Quế Phong.

Xây dựng các sản phẩm đặc thù mang thương hiệu Nghệ An

Xây dựng các sản phẩm đặc thù mang thương hiệu Nghệ An dựa trên lợi thế nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa có giá trị nổi bật. Đặc biệt, quy hoạch và đầu tư xây dựng Khu du lịch quốc gia Kim Liên thành sản phẩm du lịch đặc trưng mang tầm quốc gia với giá trị văn hóa lịch sử nổi bật, độc đáo và dấu ấn riêng có của xứ Nghệ.

Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng đền Chung Sơn và Khu du lịch văn hóa sinh thái Núi Chung, đồng thời thu hút đầu tư phát triển du lịch văn hóa tâm linh các di tích trên địa bàn Nam Đàn và vùng lân cận như: đền thờ và miếu mộ Vua Mai, Khu lưu niệm Phan Bội Châu, chùa Đại Tuệ, Khu di tích lịch sử Truông Bồn (Đô Lương), Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và Đài tưởng niệm Liệt sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh, đền Hoàng Mười (Hưng Nguyên).

Từng bước xây dựng mô hình điểm trình diễn dân ca ví, giặm, điểm tham quan, giới thiệu làng nghề truyền thống, trang trại trồng cây ăn quả, không gian di sản văn hóa làng cổ Khánh Sơn… để kết nối thành tuyến tham quan du lịch văn hóa lịch sử và tâm linh hấp dẫn.

Tăng cường liên kết các tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh. Kết nối Khu di tích Kim Liên với hệ thống các di tích trên địa bàn Nam Đàn như đền thờ Vua Mai, chùa Đại Tuệ, Nhà lưu niệm Phan Bội Châu, đình Hoành Sơn, chùa Đức Sơn... tạo thành các tour du lịch hấp dẫn; gắn du lịch Nam Đàn với tuyến du lịch theo quốc lộ 15A đến Khu di tích lịch sử Truông Bồn (Đô Lương), đảo Chè Cầu Cau (Thanh Chương), Cột mốc số 0 (Tân Kỳ)... và tuyến du lịch theo quốc lộ 7 đến Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn về khám phá cảnh quan thiên nhiên, sinh thái rừng và văn hóa cộng đồng các bản làng dân tộc.

Liên kết các trọng điểm du lịch Vinh - Cửa Lò - Nam Đàn thành tuyến du lịch nội tỉnh với các chương trình tham quan du lịch phong phú để kéo dài ngày khách lưu lại Nghệ An, đặc biệt là tuyến du lịch trên sông Lam; từng bước mở rộng tuyến du lịch thủy nội địa Cửa Lò - đảo Ngư ra đảo Mắt; đẩy mạnh khai thác tuyến du lịch Vinh, Cửa Lò đi Quỳ Châu, Quế Phong theo quốc lộ 48 gắn với các điểm du lịch ven biển Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai và Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, Nhà máy sữa TH và Cánh đồng hoa hướng dương (Nghĩa Đàn), hồ Vệ Vừng, đền Đức Hoàng (Yên Thành).

Tích cực, chủ động triển khai các chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ và với các tỉnh, thành phố, trung tâm du lịch: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hải Phòng, vùng Tây Bắc, Tây Nguyên... cũng như các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch mạnh trong cả nước như Saigontourist, Vietravel, qua đó gắn điểm đến Nghệ An vào chuỗi các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng để thu hút khách, nhất là các tour chuyên đề: Hành trình các di sản miền Trung, Cung đường Trường Sơn, Hành trình các kinh đô Việt cổ, Du lịch về nguồn. Tiếp tục liên kết khai thác tuyến du lịch quốc tế bằng đường bộ và đường hàng không với Lào, Thái Lan và các nước khác trong ASEAN, Trung Quốc và Đông Bắc Á.

Nguyễn Mạnh Cường
Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An

Nguồn: Sở Du lịch Nghệ An

Cùng chuyên mục