Non nước Việt Nam

Du khách tấp nập đi Lễ hội Gò Tháp (Đồng Tháp)

Cập nhật: 04/05/2023 12:09:42
Số lần đọc: 541
Ngoài phần lễ, phần hội còn diễn ra với nhiều hoạt động đậm chất dân gian. Năm nay cũng là lần đầu tiên phiên chợ quê được tổ chức tại Gò Tháp dịp lễ hội.

Du khách tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp dịp lễ hội.

Ngày 3/5 (nhằm 14/3 âm lịch), tại Khu di tích Gò Tháp, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ hội vía Bà Chúa Xứ năm 2023.

Tín ngưỡng thờ Bà Chúa xứ - nét văn hóa độc đáo ở Khu di tích Gò Tháp đã có từ xa xưa. Hằng năm, tại Khu di tích Gò Tháp có 2 kỳ lễ hội truyền thống, đó là lễ Vía Bà Chúa Xứ vào rằm tháng 3 âm lịch và lễ giỗ 2 vị Anh hùng Dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều vào rằm tháng 11 âm lịch.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ ở Gò Tháp được tổ chức hằng năm, gồm phần lễ và phần hội.

Phần lễ được thực hiện theo nghi thức tín ngưỡng văn hóa dân gian truyền thống do Ban Hội hương Gò Tháp tổ chức, gồm các lễ: tắm Bà, cầu an; thỉnh sanh; tế Thần nông, Chánh tế Bà Chúa Xứ.

Đại biểu dâng hương viếng Bà Chúa Xứ tại Gò Tháp. (Ảnh: Hoàng Kha)

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ hằng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến cúng viếng Miếu Bà Chúa xứ và tham quan, tìm hiểu Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp như: Gò Tháp Mười, Tháp Cổ Tự, Gò Minh Sư…

Thông qua các hoạt động nhằm tuyên truyền những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu; quảng bá tiềm năng du lịch, giới thiệu bản sắc văn hóa, các sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa của Đồng Tháp tới du khách gần xa.

Du khách viếng khu vực Miếu Bà Chúa Xứ Gò Tháp. (Ảnh: Hoàng Kha)

Lễ hội Vía bà Chúa xứ năm nay diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 3-5/5, nhằm ngày 14-16/3 âm lịch).

Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Lê Quang Biểu cho biết, Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Gò Tháp vừa để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, đồng thời cũng là dịp để người dân vui chơi, giải trí sau những ngày tháng lao động.

Phần hội gồm các nhóm hoạt động, như: Không gian giao lưu Đờn ca tài tử; không gian văn hóa-ẩm thực (gồm các hoạt động viết thư pháp kết hợp với ẩm thực dân gian, trà đạo); chương trình biểu diễn nghệ thuật như: trích đoạn cải lương, ca múa nhạc chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, con người Đồng Tháp.

Ngoài ra, phần hội còn diễn ra hoạt động triển lãm ảnh nghệ thuật về sen, di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, làng nghề, quê hương Đồng Tháp; trình diễn nghề truyền thống: dệt chiếu, đan tre, đan lục bình; trưng bày triển lãm tài liệu và hoạt động thư viện lưu động phục vụ bạn đọc; trình diễn nghệ thuật Múa bóng rỗi Nam Bộ.

Nét mới tại lễ hội năm nay là lần đầu tiên phiên chợ quê được tổ chức tại Gò Tháp, bán các loại bánh dân gian, đặc sản địa phương.

Sau lễ, “Chợ quê Gò Tháp” tiếp tục được tổ chức vào buổi chiều, từ 15 giờ đến 20 giờ ngày thứ 7 tuần cuối mỗi tháng và vào các dịp lễ, Tết, các kỳ lễ hội tại Khu di tích Gò Tháp.

Hữu Nghĩa

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 03/05/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT