Non nước Việt Nam

Tiếng khèn trên đỉnh Thẩm Hái - Điện Biên

Cập nhật: 04/05/2023 16:07:38
Số lần đọc: 427
Nói đến đời sống tinh thần của người Mông không thể không nhắc tới cây Khèn. Khèn được sử dụng trong tất cả các ngày lễ, hội lớn, nhỏ của người Mông; trong cưới hỏi và trong những việc tâm linh… Tuy nhiên, hiện nay số người biết chế tác và sử dụng thành thạo loại nhạc cụ này đang ngày một ít. Tôi đã có cơ duyên được gặp một trong số ít người như thế. Ông là Nghệ nhân Ưu tú Lý A Lệnh, ở bản Nậm Chan 2, xã Mường Đăng (huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) - người đã có trên 20 năm chế tác và truyền dạy cách làm và trình diễn khèn Mông.


Nghệ nhân ưu tú Lý A Lệnh, bản Chan 2, xã Mường Đăng (huyện Mường Ảng) chế tác khèn Mông.

Từ trung tâm xã Mường Đăng sau hơn 1 giờ đi xe máy vượt qua những khúc cua tay áo, những đoạn đường dốc ngược, chúng tôi đến bản Nậm Chan 2. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi để xe máy ở đầu bản, vượt qua suối Nậm Chan và thêm 30 phút đi bộ men theo con đường nhỏ dưới chân núi chỉ vừa đủ một người đi chìm hút dưới tán cây rừng để đến nhà ông Lý A Lệnh. Căn nhà gỗ nhỏ nằm nép mình bên bìa rừng dưới chân núi Thẩm Hái.

Đã hẹn trước nên ông Lệnh chờ chúng tôi ở nhà. Ông đón khách cùng cây khèn quý qua thời gian đã lên nước sáng bóng. Người nghệ nhân chào khách bằng bài khèn “Tiếng khèn gọi bạn”. Giữa bốn bề rừng núi tiếng khèn réo rắt, lúc trầm, lúc bổng. Người thổi say mê nhịp nhàng theo điệu khèn; lòng khách cũng xao xuyến, bồi hồi. Dứt tiếng khèn, cả chủ và khách đều chung tâm trạng vui tươi phấn khởi như vừa trở về từ ngày hội Xuân.

Rót chén trà mời khách, ông Lý A Lệnh chia sẻ: Say mê khèn, từ nhỏ tôi đã học những người cao tuổi trong bản về múa khèn và chế tác khèn. Người thầy đầu tiên truyền dạy cho tôi những kỹ thuật cơ bản về thổi, múa và chế tác khèn là ông Cháng Vả Chu (người cùng bản). Học thổi khèn đã khó, học múa khèn còn khó gấp trăm lần, để vừa thổi vừa múa thành thục phải cần một quá trình khổ luyện. Động tác múa khèn rất đa dạng, phong phú như: Múa nhảy đưa chân; quay đổi chỗ, quay tại chỗ; lăn nghiêng, lăn ngửa; múa ngồi xổm; đi tiến, đi lùi theo bốn hướng, mỗi bước tiến, bước lùi làm sao chỉ để chân này chạm gót chân kia, với tốc độ càng nhanh càng điêu luyện. Đối với các bài khèn vui chơi thì động tác nhảy, múa mãnh liệt, phóng khoáng và khó hơn, như: lăn nghiêng, lăn ngửa, đá gà, đá ngựa, nhảy ngồi xổm, tay nọ vỗ vào chân kia, tay kia vỗ vào chân nọ, tiếng vỗ phải kêu, mà tiếng khèn vẫn không dứt...”.

Với niềm đam mê, yêu thích nhạc cụ của dân tộc mình, ông Lệnh đã hăng say tập luyện và thành thục các điệu múa khèn từ khi 17 tuổi. Ông thường xuyên tham gia biểu diễn múa khèn trong các dịp tết, lễ hội ở bản và giao lưu với các bản khác trong xã, huyện. Nhờ đó, kỹ năng thổi, múa khèn ngày càng được nâng lên. Ông Lệnh thuần thục các bài múa, kỹ thuật thổi khèn trong lễ hội, đám tang, đám giỗ... “Từ năm 2013 đến nay, tôi thường xuyên tham gia diễn các cuộc thi, biểu diễn văn nghệ do huyện, tỉnh tổ chức và trên phạm vi toàn quốc (trong dịp lễ hội, tết truyền thống của dân tộc Mông; Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh; Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc...) góp phần đưa tiếng khèn của dân tộc Mông đến gần hơn với công chúng, với người dân cả nước. Những bài khèn tôi hay biểu diễn như: Tiếng khèn gọi bạn, Sắc xuân quê tôi, Tiếng khèn xuống chợ, Xuân vùng cao...” - ông Lý A Lệnh cho biết.

Không chỉ sử dụng thành thạo mà ông Lý A Lệnh còn biết chế tác khèn, chia sẻ kinh nghiệm cho những người yêu khèn trong và ngoài tỉnh như: Sơn La, Yên Bái... Để làm được khèn, ông Lệnh phải chuẩn bị rất nhiều nguyên vật liệu và trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, cần độ chính xác cao. Công đoạn đầu tiên là nấu đồng, rèn lưỡi lam có độ mỏng vừa đủ để có độ rung ngân tốt; bầu khèn thường được làm bằng gỗ pơ mu; 6 ống khèn được làm từ cây trúc, sau khi lấy về các đoạn trúc được lựa chọn cẩn thận sau đó được luộc, uốn, phơi, khoan lỗ đúng âm, đúng khoảng cách. 6 ống khèn có độ dài, ngắn khác nhau, trên mỗi ống khèn đều có một lỗ nhỏ được gắn lưỡi gà. 6 ống khèn được cắm xuyên qua bầu khèn và được cố định bằng các đai khèn. Khi thổi mỗi ống khèn tạo nên một âm thanh trầm, bổng khác nhau.

Không chỉ đam mê, hiểu tường tận về khèn, ông Lệnh luôn mong muốn con cháu hiểu được ý nghĩa và giá trị văn hóa truyền thống của cây khèn Mông, các điệu múa khèn trong đời sống tinh thần của người Mông. Ông Lý A Lệnh ngày ngày vẫn đang nỗ lực truyền dạy cách làm khèn và sử dụng khèn cho con cháu, cho những người yêu thích, đam mê với khèn Mông. Có một thực tế là ngày nay cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, văn hóa các dân tộc đang có nguy cơ bị mai một. Những người trẻ đam mê với nhạc cụ dân tộc không còn nhiều. Do gánh nặng mưu sinh, phần vì do việc dạy và học các loại hình nghệ thuật dân tộc ở miền núi chủ yếu theo hình thức truyền miệng, bắt chước, chưa có giáo trình hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn cho người học.

Chúng tôi chia tay nghệ nhân Lý A Lệnh khi trời chiều chạng vạng, từng đợt khói lam quanh quẩn bên những nếp nhà người Mông. Khung cảnh bản làng vùng cao bình dị dưới núi Thẩm Hái. Hy vọng với những nỗ lực của những người như ông Lý A Lệnh, tiếng khèn Mông không chỉ tiếp tục trầm bổng, réo rắt ở núi Thẩm Hái mà còn vang xa đến nhiều vùng miền khác. Để không chỉ riêng tiếng khèn mà còn góp phần gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc.

Anh Nguyễn

Nguồn: Báo Điện Biên Phủ - baodienbienphu.info.vn - Đăng ngày 04/05/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT