Hoạt động của ngành

Du lịch Ba Vì ( Hà Nội): Khởi sắc với nhiều sản phẩm mới

Cập nhật: 15/04/2022 11:04:53
Số lần đọc: 875
Nằm cách trung tâm Hà Nội 60km về phía tây bắc, Ba Vì là vùng đất có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp gắn liền cùng các địa chỉ du lịch được nhiều du khách biết đến. Ba Vì còn là vùng đất cổ được hình thành từ thời Hùng Vương dựng nước, do đó sở hữu hệ thống di sản văn hóa vô cùng đặc sắc. Phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có, trong năm 2022, Ba Vì sẽ khởi động nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn để thu hút khách nhằm nỗ lực phục hồi sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

 
Tục vác nước của già làng Mường được khôi phục và xây dựng thành sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện Ba Vì.
 
Khai thác lợi thế sẵn có
 
Nhờ sở hữu hệ thống sông, suối, ao, hồ cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi, từ nhiều năm nay, Ba Vì được biết đến như vùng đất lý tưởng để phát triển sản phẩm và các khu, điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng như Suối khoáng nóng Thuần Mỹ, Vườn quốc gia Ba Vì, Khu du lịch Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Tản Đà Resort...
 
Một thế mạnh nổi bật khác của Ba Vì là các trang trại đồng quê mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị như: Trang trại Đồng Quê (Bavi Homestead), Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, Gia Trịnh Ecofarm hay Nông trang Vui Vẻ... Đến đây, du khách sẽ được thưởng thức các đặc sản thiên nhiên tươi lành hay trực tiếp tham gia các hoạt động du lịch nông nghiệp mang đậm dấu ấn văn hóa làng quê Việt Nam như: Cấy lúa, bắt cá, cua, ốc; trồng và hái các loại rau rừng, thảo dược; tự hái và sao chè; cho đà điểu, dê, thỏ, bò sữa ăn...
 
Là vùng đất cổ, Ba Vì mang trong mình những lớp trầm tích văn hóa có bề dày hàng nghìn năm với hệ thống di tích dày đặc như Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích K9, Cụm di tích đền Thượng - đền Trung - đền Hạ, đình Tây Đằng, đình Chu Quyến cùng các di tích liên quan đến các danh nhân như Nhà thờ Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Sư Mạnh ở xã Cổ Đô; Khu tưởng niệm thi sĩ Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu ở xã Sơn Đà...
 
Ngoài ra, Ba Vì còn sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, được biết đến như “cái nôi” của tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh hay các phong tục tập quán đặc sắc còn được bảo tồn nguyên vẹn của người Dao, Mường sinh sống tại vùng đất này. Đây là “chất liệu” độc đáo để Ba Vì phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh.
 
Hấp dẫn các sản phẩm mới
 
Sau thời gian dài bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, năm 2021, Ba Vì chỉ đón được 725.000 lượt khách (giảm 61,47% so với cùng kỳ), doanh thu đạt 110,5 tỷ đồng (giảm 59,67% so với cùng kỳ). Đặt mục tiêu khôi phục hoạt động du lịch, năm 2022, huyện đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút khách trong bối cảnh bình thường mới.
 
Theo đó, huyện đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa bản địa như khôi phục Lễ hội chợ phiên Mường - Dao tại Khu du lịch sinh thái Bản Coốc (xã Minh Quang), gồm các hoạt động đặc sắc như chợ phiên, tái hiện tục vác nước đầu xuân của già làng Mường, văn hóa chiêng Mường hay tham quan vườn chè, vườn thuốc Nam của dân tộc Dao...
 
Theo ông Lê Khắc Nhu, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Vì, những hoạt động này sẽ được duy trì thường xuyên để thu hút du khách. Bên cạnh đó, huyện cũng khôi phục Lễ hội Cơm mới - phong tục đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số vào dịp mồng 10 tháng Mười âm lịch với nhiều hoạt động như chế biến nông sản, thi nấu cơm ngày mùa mừng cơm mới cùng các hoạt động tín ngưỡng tại cụm di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh.
 
Tận dụng lợi thế là “vườn thuốc Nam” của Hà Nội với diện tích trồng dược liệu lớn, Ba Vì đẩy mạnh phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe tại Khu du lịch Ao Vua với dịch vụ Tắm thuốc thảo dược và chẩn trị, chăm sóc sức khỏe nam y - đông y; dịch vụ tắm lá thuốc người Dao tại Khu du lịch Bản Coốc; xông hơi, ngâm thảo dược tại Paragon Resort... Các dịch vụ này bước đầu đã đi vào hoạt động và được nhiều du khách ưa thích bởi xu hướng chăm sóc sức khỏe ngày càng được chú trọng nhất là trong bối cảnh hậu dịch Covid-19.
 
Du khách Lê Thị Thảo, 65 tuổi, ở quận Long Biên chia sẻ: “Tôi và gia đình đã trải nghiệm dịch vụ tắm lá thuốc người Dao tại Khu du lịch Bản Coốc. Sau khi trải nghiệm dịch vụ này và nghỉ dưỡng tại đây 2 ngày, tôi cảm thấy sức khỏe thể chất và tinh thần phục hồi nhanh chóng. Chúng tôi sẽ còn quay lại nơi đây khi có dịp”.
 
Ngoài các sản phẩm chủ đạo trên, huyện Ba Vì cũng sẽ đẩy mạnh khai thác sản phẩm du lịch khám phá tại khu vực núi Ba Vì bằng chương trình “Hành trình ký ức di sản”, theo đó, du khách có dịp tiếp cận gần 200 nền phế tích là những công trình kiến trúc, nhà thờ, biệt thự nghỉ dưỡng mang đậm dấu ấn thời gian và ký ức lịch sử, từng được người Pháp xây dựng cách đây gần 1 thế kỷ (từ năm 1932 - 1944) trên núi Ba Vì. Vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên cùng với những dấu tích rêu phong tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng đối với du khách, đặc biệt là các nhiếp ảnh gia và giới trẻ đam mê khám phá, chụp ảnh. Cũng tại đây, tiếp nối thành công của những năm trước, Lễ hội khinh khí cầu sẽ được tổ chức vào tháng 11 hằng năm gắn với nhiều hoạt động trình diễn hoa dã quỳ.
 
Chia sẻ về những sản phẩm mới được triển khai trong suốt năm 2022, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, cùng với việc xây dựng hệ thống sản phẩm mang tính đặc trưng, Ba Vì còn đồng thời thực hiện việc tuyên truyền vận động nhân dân tại các xã có các khu du lịch tích cực giữ gìn môi trường, đảm bảo cảnh quan, an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử thân thiện với du khách. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường công tác truyền thông, quảng bá bằng việc xây dựng cẩm nang giới thiệu về du lịch Ba Vì; triển khai số hóa du lịch, hướng dẫn viên điện tử và phiên dịch ảo từ 3 - 5 thứ tiếng; Lập sơ đồ điện tử, cẩm nang điện tử phim ảnh 3D cho các khu di tích và khu du lịch và một số di tích tiêu biểu để đăng tải trên các website...
 
Linh Tâm
Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.vn - Ngày đăng 15/4/2022

Cùng chuyên mục