Hà Nội và Kon Tum phối hợp tập huấn quản lý du lịch
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang chia sẻ về xu hướng phát triển du lịch bền vững của Hà Nội.
Buổi tập huấn nhằm giúp đưa ra những giải pháp, bổ sung kiến thức cho các cán bộ quản lý nhà nước của hai tỉnh, thành phố phương pháp khắc phục hậu quả sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, đưa ngành Du lịch hai địa phương nhanh chóng phục hồi và phát triển, đồng thời tăng cường sự liên kết hợp tác về quản lý nhà nước và xây dựng sản phẩm du lịch của hai địa phương.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Du lịch Hà Nội đang trong giai đoạn phục hồi với mục tiêu quý I và II-2022 sẽ tập trung vào khách nội địa, đến quý III-2022, Thủ đô sẽ đón khách quốc tế. Hà Nội phấn đấu đón và phục vụ từ 9 đến 10 triệu lượt khách, trong đó có từ 1,2 đến 2 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022. Để đạt mục tiêu này, Hà Nội hướng đến phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh, không chạy theo nhu cầu nhất thời của thị trường. “Việc phát huy giá trị điểm đến cần đi đôi với phát huy giá trị văn hóa, di sản. Bên cạnh đó, để du lịch phát triển trong bối cảnh mới cần chú trọng đưa ứng dụng công nghệ số để gia tăng tính trải nghiệm cho du khách cũng như tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm du lịch”, bà Đặng Hương Giang cho biết.
Toàn cảnh buổi tập huấn nghiệp vụ giữa cơ quan quản lý du lịch của Hà Nội và Kon Tum.
Về xu hướng phát triển du lịch sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trưởng phòng Quản lý Du lịch – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Đỗ Văn Minh thông tin, Kon Tum với tài nguyên thiên nhiên rừng, khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh cùng hệ thống sông hồ, thác đẹp, hệ thống cơ sở lưu trú với 155 cơ sở có hơn 2.800 phòng, nên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Đây cũng là xu hướng và định hướng phát triển du lịch của Kon Tum.
Về việc làm thế nào để phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh “bình thường mới”, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho rằng, với chủ trương của Chính phủ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch cho khách nội địa và quốc tế từ ngày 15/3, chính sách đón khách quốc tế của Việt Nam thông thoáng, cởi mở hơn so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Đây được xem là “cơ hội vàng” để Việt Nam có thể nhanh chóng đón khách quốc tế, phục hồi du lịch. Đặc biệt, ngành Du lịch cần tận dụng thời điểm SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam, trong đó Hà Nội đăng cai tổ chức nhiều hoạt động.
Đoàn khảo sát của Sở Du lịch Hà Nội tới các điểm đến của Kon Tum.
Để du lịch tận dụng được cơ hội này, các địa phương cần xây dựng sản phẩm mang tới cảm xúc trọn vẹn cho du khách. Bên cạnh những dòng sản phẩm quen thuộc như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch theo mùa…, Việt Nam cần tập trung phát triển thêm sản phẩm du lịch ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái, du lịch đêm để tăng tính trải nghiệm cho du khách…
Tại buổi tập huấn, Sở Du lịch Hà Nội và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cũng bàn nhiều nội dung liên quan đến kết nối sản phẩm, hợp tác liên kết trong tuyên truyền, quảng bá, hợp tác xúc tiến du lịch giữa Hà Nội, Kon Tum trong tình hình mới.
Hoàng Lân