Du lịch Côn Đảo: Thách thức trước cơ hội mới
Giao thông mở rộng đường du lịch...
Côn Đảo là một quần thể 16 hòn đảo lớn nhỏ, có hệ sinh thái thiên nhiên gần như nguyên vẹn, cách thành phố Vũng Tàu 185km và thành phố Hồ Chí Minh 230km. Diện tích tự nhiên toàn huyện khoảng 76km2, với gần 7.000 dân sinh sống. Côn Đảo cũng được Chính phủ công nhận là Khu di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia. Tại đây, có di tích nhà tù hơn 100 năm và hơn 22.000 ngôi mộ liệt sĩ của các thế hệ chiến sĩ cách mạng bị giặc bắt, tù đày. Mảnh đất có cảnh quan đẹp, thấm đẫm những câu chuyện bi tráng của những người con anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, rất phù hợp để phát triển du lịch về nguồn, sinh thái...
Trước đây, du khách miền Bắc đến Côn Đảo thường phải bay vào thành phố Hồ Chí Minh hoặc Cần Thơ, rồi chờ chuyến bay nối ra Côn Đảo. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể đi tàu biển từ Sóc Trăng hoặc thành phố Vũng Tàu, với hải trình từ 2,5 đến 8 giờ đồng hồ. Dù giao thông không thuận lợi, nhưng theo Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2019, Côn Đảo đón khoảng 420.000 khách du lịch. Trong 8 tháng năm 2020, dù dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn, nhưng địa phương này vẫn đón trên 235.000 lượt khách. Du lịch đang đóng góp tới 80% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cho huyện đảo này.
Hôm qua (29/9), Hãng Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã triển khai 2 chuyến bay thẳng từ Hà Nội, Hải Phòng tới Côn Đảo, đưa hơn 200 du khách đến huyện đảo này. Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng nhập cuộc, khi tháng 10 tới sẽ tổ chức các chuyến bay đưa du khách từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Vinh, Đà Nẵng vào thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, rồi nối chuyến bay ra Côn Đảo, với tần suất lên đến 17 chuyến/ngày.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, để đón đầu làn sóng du khách sẽ đến Côn Đảo ngày một nhiều trong thời gian tới, theo đề án quy hoạch Khu du lịch Vườn quốc gia Côn Đảo, địa phương mong muốn có nhiều nhà đầu tư đẳng cấp để tạo ra những sản phẩm du lịch tốt, phù hợp với hệ sinh thái, môi trường của Côn Đảo.
... và thách thức trong duy trì quần đảo xanh
Phát triển mạnh mẽ du lịch đã và đang khiến Côn Đảo đối mặt với không ít khó khăn do lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng. Thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Côn Đảo cho thấy, mỗi ngày, có tới hơn 20 tấn rác thải được thu gom, vận chuyển, đưa về bãi rác Bãi Nhát, nằm sát biển. Khó khăn hơn khi tại đây đang có 70.000 tấn rác tồn đọng, chưa có phương án xử lý triệt để. Nước thải từ bãi rác có diện tích 8.150m2 này cũng đang ngày đêm chảy ra bãi biển Bãi Nhát, gây ô nhiễm môi trường.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Côn Đảo Phạm Bảo Ân thông tin thêm, từ năm 2014, huyện đã có một nhà máy đốt rác, song công suất quá nhỏ (5 tấn/ngày). Năm 2019, các ngành chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Côn Đảo lên phương án ép rác thải tại bãi rác Bãi Nhát thành những kiện rác nặng 800kg/kiện, chở về đất liền xử lý, nhưng không thể thực hiện vì rất tốn kém. "Để giảm ô nhiễm môi trường khu vực Bãi Nhát, huyện sẽ di chuyển rác tồn đọng từ đây về khu vực Bến Đầm, dùng công nghệ đốt rác để xử lý phần nào lượng rác phát sinh", ông Phạm Bảo Ân cho hay.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đặng Sơn Hải, hiện tỉnh vẫn tiếp tục tìm nhà đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công suất lớn để có thể giải quyết dứt điểm vấn nạn rác thải tại Côn Đảo.
Dưới góc độ người dân đồng thời là một người bán hàng phục vụ du khách tại cảng Bến Đầm (Côn Đảo), chị Hoàng Mỹ Khánh chia sẻ: “Khách đông mang lại nguồn thu, nhưng Côn Đảo cũng ồn ào và xả nhiều rác hơn trước. Cá nhân tôi luôn mong Côn Đảo văn minh, phát triển bền vững, chứ không trở nên xô bồ như thực trạng đáng lo ngại tại nhiều điểm du lịch khác”.
Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam) Đặng Ngọc Đức thông tin: “Trong các cuộc làm việc với chính quyền huyện Côn Đảo và Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng tôi đã góp ý, tư vấn rằng, Côn Đảo không nên thu hút khách bằng mọi giá. Cần chú trọng bảo vệ môi trường, duy trì quần đảo xanh, phát triển thành khu du lịch khám phá, du lịch sinh thái mang tính bền vững”./.