Du lịch Lào Cai phấn đấu đến năm 2030 là ngành kinh tế mũi nhọn đột phá
Ruộng bậc thang Bát Xát, Lào Cai
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết đưa ra nhằm phấn đấu đến năm 2030, du lịch Lào Cai là ngành kinh tế mũi nhọn đột phá, tạo tiền đề đến năm 2050 trở thành ngành kinh tế chủ đạo quan trọng, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, cạnh tranh được với các trung tâm du lịch lớn trong nước và khu vực, đáp ứng các tiêu chuẩn du lịch quốc gia và quốc tế.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phấn đấu đón 10 triệu lượt khách trở lên, tổng thu từ khách du lịch đạt 44.750 tỷ đồng; đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 22 - 23%; tạo ra khoảng 40.000 - 42.000 việc làm trong lĩnh vực du lịch. Phấn đấu đến năm 2030 đón từ 13 triệu lượt khách du lịch trở lên. Tổng thu từ khách du lịch đạt 63.540 tỷ đồng; đóng góp vào GRDP của tỉnh ước đạt 25%; tạo ra khoảng 50.000 - 55.000 việc làm trong lĩnh vực du lịch. Đến năm 2050 phấn đấu đón từ 18 triệu lượt khách du lịch trở lên. Tổng thu từ khách du lịch đạt 121.600 tỷ đồng; đóng góp vào GRDP của tỉnh khoảng 30%.
Lào Cai sẽ hoàn thiện phát triển không gian du lịch theo 03 vùng du lịch trọng điểm: Vùng I - Tây Bắc (Sapa - Bát Xát – TP. Lào Cai); Vùng II - Đông Bắc (Bắc Hà - Mường Khương - Si Ma Cai); Vùng III - Phía Nam (Bảo Yên - Bảo Thắng - Văn Bàn). Định hướng mở rộng không gian du lịch của Sapa kết nối với Y Tý, Trung tâm kinh tế cửa khẩu TP. Lào Cai, đồng thời phát triển không gian du lịch mới tại Bảo Thắng, Văn Bàn và Si Ma Cai,... ; tạo ra hệ thống các sản phẩm du lịch đa dạng phục vụ thị trường nội địa, quốc tế, hình thành hệ thống các sản phẩm du lịch đặc trưng tại 3 vùng trọng điểm du lịch.
Bên cạnh đó, Lào Cai cũng đặt mục tiêu phấn đấu để Khu du lịch quốc gia Sapa đạt danh hiệu đô thị du lịch sạch theo tiêu chí của ASEAN, với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa và du lịch cộng đồng đặc sắc, hấp dẫn; Y Tý (Bát Xát) trở thành trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng xanh theo tiêu chuẩn bền vững toàn cầu (GSTC); TP. Lào Cai là khu du lịch hấp dẫn với các sản phẩm du lịch giải trí cao cấp (casino, golf, công viên giải trí, trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế MICE), là cầu nối của các tour du lịch quốc tế với Vân Nam, Trung Quốc và ngược lại, ... ; Khu du lịch Bắc Hà trở thành khu du lịch đặc sắc của tỉnh và khu vực Tây Bắc.
Để thực hiện được mục tiêu này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đề ra 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp chỉ đạo cụ thể như: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, người đứng đầu, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch; xây dựng triển khai quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển du lịch, sản phẩm du lịch; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch; phát triển, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh liên kết, hợp tác, xúc tiến quảng bá phát triển du lịch; phát triển các thị trường, sản phẩm du lịch; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và chuyển đổi số trong du lịch./.
Nhâm Hiền