Du lịch nông nghiệp: Hướng đi mới trong phát triển du lịch Bạc Liêu
Du khách ở Hà Nội cảm thấy thích thú khi tận tay bắt con tôm càng xanh trên đất lúa tại huyện Hồng Dân.
TIỀM NĂNG, LỢI THẾ CHƯA ĐƯỢC PHÁT HUY
Với một địa phương có nền kinh tế thuần nông và thu nhập của gần 90% nông dân dựa vào sản xuất nông nghiệp như Bạc Liêu thì phát triển mô hình DLNN không chỉ là nhu cầu, mà còn là điều kiện cần cho phát triển bền vững.
Quan tâm đến vấn đề này, vì qua gần 10 năm thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, ngành Du lịch tỉnh nhà tuy đạt được những kết quả quan trọng, nhưng các tiềm năng, thế mạnh vẫn chưa được khai thác hợp lý. Một trong những nguyên nhân cơ bản tạo ra lực cản chính là Bạc Liêu vẫn chưa quan tâm đến phát triển DLNN - một hoạt động ăn theo của nền nông nghiệp, vốn là trụ đỡ của nền kinh tế.
Điều này đã được thể hiện rất rõ trong các nghị quyết, kế hoạch và chương trình hành động của tỉnh. Phần lớn các nội dung chỉ đạo chủ yếu tập trung khai thác các thế mạnh về du lịch văn hóa, du lịch lễ hội hay du lịch tâm linh gắn với việc tổ chức các sự kiện văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao… chứ chưa có một chương trình hay kế hoạch riêng nào cho phát triển DLNN?!
Thực tế cho thấy, hoạt động du lịch của tỉnh thời gian qua chỉ thu hút được du khách theo mùa, hay “ăn theo” lễ hội chứ chưa tạo một lượng du khách ổn định, hoặc trở thành điểm dừng chân để thu hút du khách trong suốt 12 tháng của năm. Nghĩa là du khách chỉ đến Bạc Liêu đông khi diễn ra các lễ hội dân gian lớn, hoặc các sự kiện văn hóa như: lễ hội Quán âm Phật đài, lễ Kỳ yên, tết Thanh minh…
Xuất phát từ bất cập này nên hoạt động của hệ thống thương mại, dịch vụ phục vụ phát triển du lịch còn chạy theo lễ hội và kinh doanh theo kiểu “ăn xổi ở thì”, chứ chưa hình thành nên sự chuyên nghiệp. Do đó, du lịch Bạc Liêu chưa tạo nên lượng khách ổn định để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào khai thác, phát triển thêm các dự án du lịch, góp phần phát triển hạ tầng và xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới.
Theo kế hoạch phát triển mô hình NNDL, TP. Bạc Liêu sẽ phát triển mô hình “Một ngày làm nông dân” để du khách trải nghiệm trên những cánh đồng rau xanh ở xã Hiệp Thành.
CẦN TẠO “CÚ HÍCH” CHO DLNN
Trong 2 năm trở lại đây, một số nông dân ở các địa phương của tỉnh đã tận dụng các lợi thế vốn có từ sản xuất nông nghiệp để xây dựng các mô hình DLNN như: mô hình vườn nho, mô hình ẩm thực với các món ngon đồng quê, mô hình tôm - rừng gắn với ẩm thực…
Tuy nhiên, các mô hình trên chỉ mang tính tự phát và chủ yếu là theo quy mô hộ gia đình. Như hộ ông Hứa Phong (thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để phát triển vườn nho kết hợp với câu cá phục vụ khách tham quan. Song, với diện tích chỉ vỏn vẹn hơn 2.500m2 nên điểm du lịch của ông luôn quá tải vào những ngày cao điểm. Ông Hứa Phong cho biết: “Vào những tháng tết, có ngày vườn nho thu hút từ 500 - 700 lượt du khách, nhưng với diện tích hiện nay gia đình đã không còn đất để mở rộng”.
Theo ông Hứa Phong, nếu có diện tích và gần với đường giao thông thì mô hình DLNN sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn nữa. Vì ngoài thu phí tham quan, nông dân còn có thêm nhiều khoản thu nhập khác từ các dịch vụ ăn theo thông qua chế biến các món ngon phục vụ du khách, thậm chí bán thêm nhiều loại cây giống sau khi du khách tham quan vườn trái cây trồng trình diễn như: nho, mít, táo, xoài, nhãn tím…
Rõ ràng, để tạo nên những “cú hích” mới và xây dựng thêm các sản phẩm du lịch đặc trưng, đồng thời xây dựng Bạc Liêu trở thành điểm đến và thu hút du khách suốt 12 tháng trong năm thì cần quan tâm phát triển mô hình DLNN. Như các địa phương ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A, nếu phát triển được mô hình này chắc chắn sẽ xây dựng nên những điểm dừng chân cho du khách, nhất là địa bàn của 2 huyện Phước Long và Hồng Dân. Bởi phần lớn các tua du lịch lữ hành chuyển khách từ các tỉnh, thành phố về Cà Mau đều đi qua tuyến giao thông Quản lộ Phụng Hiệp mà không vào trung tâm của TP. Bạc Liêu. Trong tương lai gần, tuyến cao tốc từ Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau cũng được xây dựng song song với tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, do vậy việc xây dựng các mô hình DLNN mang tính đón đầu trên tuyến giao thông này gắn với khai thác văn hóa sông nước của tuyến kênh xáng Quản lộ Phụng Hiệp như: tham quan mô hình “lúa thơm - tôm sạch”, bắt cá đồng, nghe đờn ca tài tử trên sông, ăn đặc sản đồng quê, thăm các làng nghề truyền thống, các di tích chùa của đồng bào dân tộc Khmer, khu căn cứ Cái Chanh… và ở lại chơi một đêm thay vì đi thẳng về Cà Mau ngủ để sáng hôm sau đi ra Đất Mũi chắc chắn sẽ mang đến hiệu quả.
Theo ý kiến của một số du khách, nếu Bạc Liêu xây dựng được mô hình DLNN tại các khu vực trên, không chỉ thu hút du khách nghỉ lại một đêm mà có thể là nhiều đêm, nếu như mô hình DLNN gắn được với các dịch vụ mang tính trải nghiệm hay mô hình du lịch homestay vốn trở thành một trong những sản phẩm rất được du khách ưa chuộng hiện nay.
Du khách chụp hình lưu niệm tại vườn nho của ông Hứa Phong (huyện Phước Long). Ảnh: L.D
NÔNG DÂN SẼ LÀM GIÀU
Có thể nói, nếu mô hình DLNN được quan tâm triển khai sẽ góp phần tích cực vào phát triển sản xuất và giúp nông dân làm giàu. Một trong những kết quả sẽ mang lại chính là giải quyết có hiệu quả bài toán di cư vốn trở thành nỗi trăn trở của người nông dân và chính quyền địa phương vì phần lớn nông dân hiện nay đều phải xa xứ mưu sinh. Cụ thể, hàng năm Bạc Liêu giải quyết việc làm cho khoảng 25.000 lao động, nhưng lao động phải đi làm việc ngoài tỉnh chiếm gần 19.0000 người và chủ yếu là lao động nông thôn. Do vậy, nếu DLNN phát triển sẽ kéo theo ngành Dịch vụ phát triển và cần nguồn lao động để đáp ứng nhu cầu này.
Một vấn đề đáng quan tâm khác, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo ra nhiều phẩm nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao, song các sản phẩm này vẫn còn gặp khó về thị trường tiêu thụ. Nếu ngành Du lịch phát triển sẽ tạo nên thị trường để tiêu thụ các sản phẩm OCOP ở khu vực nông thôn và góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch. Đồng thời, khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế từ sản xuất nông nghiệp thông qua chế biến, giúp cho hoạt động chế biến hàng nông - thủy sản phát triển và giải quyết thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Mục tiêu đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra là: Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế và phấn đấu thu hút 7 triệu lượt khách, cho tổng doanh thu đạt 10.000 tỷ đồng vào năm 2025. Thiết nghĩ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần ban hành các chương trình, kế hoạch về phát triển DLNN, qua đó làm phương hướng, tiền đề trong việc giúp các ngành, địa phương chủ động hoạch định chính sách và đẩy mạnh thu hút đầu tư.
LƯ TRUNG