Hoạt động của ngành

Du lịch Phú Yên khởi sắc đầu xuân

Cập nhật: 16/02/2024 09:43:24
Số lần đọc: 872
Cho đến hôm nay, mùng Sáu tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024 (15/2) khách du lịch thập phương vẫn còn du xuân khắp nơi trên địa bàn Phú Yên, đông vui nhất vẫn là tại các danh thắng, di tích quốc gia đặc biệt như Gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An), Tháp Nhạn (phường 1, thành phố Tuy Hòa), Bãi Môn-Mũi Điện (Xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa)…


Khu vực danh thắng quốc gia Bãi Môn - Mũi Điện, thị xã Đông Hòa, Phú Yên.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phú Yên Nguyễn Thị Hồng Thái cho biết, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên trong dịp Tết, tính từ ngày 10/2-14/2 (mùng 1 đến mùng 5 tết) ước đạt 105.000 lượt khách, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó có 650 khách quốc tế, tăng 17% so với cùng kỳ.

Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An) thu hút rất đông khách trong dịp Tết.

Trong đó, tổng lượt khách lưu trú ước đạt 59.500 khách, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Công suất phòng trung bình trên 60%, riêng tại các khách sạn có quy mô lớn công suất phòng đạt 90-100%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 192,3 tỉ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu lưu trú đạt 33,6 tỉ đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, các điểm du lịch nổi tiếng của Phú Yên trong mỗi dịp Tết ngày càng có nhiều khách đến tham quan, như Gành Đá Đĩa đón 18.976 lượt khách; Tháp Nhạn 12.400 lượt khách; danh thắng Bãi Môn-Mũi Đại Lãnh 4.509 lượt khách…

“Trước Tết Nguyên đán, Sở có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đề nghị các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai các hoạt động đón, phục vụ khách du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân viên, người lao động tại đơn vị; ổn định giá dịch vụ, hàng hóa, niêm yết giá và bán không cao hơn giá niêm yết” - Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết.

Cũng trong dịp này, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn Phú Yên đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực phục vụ du khách đến tham quan nghỉ dưỡng.

Như tại các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch quy mô lớn ở trung tâm thành phố Tuy Hòa có các hoạt động: tại Stelia Beach Resort tổ chức múa lân, chợ quê, trình diễn bài chòi; Rosa Alba Resort tổ chức buffet phục vụ khách vào mùng 3 tết; Khách sạn Sài Gòn-Phú Yên tổ chức ngày hội ẩm thực Xuân 2024; Khách sạn Sala Grand Tuy Hòa tổ chức Countdown; Mandala hotel & spa Phú Yên tổ chức các hoạt động: Múa lân, quầy Tết tuổi thơ, set cơm Tết sum vầy, ông đồ ngày Tết, buffet Tết chủ đề hải sản và chủ đề lẩu nướng, trình diễn đàn đá, trình diễn saxophone; Khách sạn Zannier Bãi san hô (thị xã Sông Cầu) tổ chức hoạt động gói bánh chưng, ông đồ viết chữ, biểu diễn nhạc dân tộc, múa rồng, biểu diễn nhạc sống, các hoạt động trò chơi dân gian...Các đơn vị lữ hành trong tỉnh cũng chuẩn bị tốt các phương tiện vận chuyển khách, tích cực xây dựng chương trình tour hấp dẫn, giúp du khách có nhiều trải nghiệm về văn hóa, lịch sử, danh thắng Phú Yên.

Tháp Nghinh Phong, thành phố Tuy Hòa là một điểm tham quan mới hấp dẫn mà du khách khi đến Phú Yên không thể bỏ qua trong dịp Tết này.

Phú Yên là một tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí địa lý thuận lợi và nhiều tiềm năng phát triển du lịch bởi đường bờ biển dài, nhiều vũng, vịnh, đầm, hồ vẫn còn giữ được nét hoang sơ tự nhiên…

Mặt khác, Phú Yên cũng là vùng đất vốn giàu yếu tố văn hóa bản địa và bề dày lịch sử văn hóa nổi bật như văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Champa, vô cùng thuận lợi cho việc phát triển du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng.

Để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội gắn với phát triển du lịch; từng bước đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; hệ thống cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, nhà hàng và các dịch vụ du lịch ngày càng hoàn thiện...; tập trung, nỗ lực thực hiện các chương trình, chính sách, kích cầu, phát triển du lịch; góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch của tỉnh, tạo hiệu ứng trong công tác quảng bá hình ảnh du lịch Phú Yên đến với du khách.

Theo Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Phú Yên.

Theo đó, phát triển du lịch tỉnh Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển kinh tế-xã hội, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa; lấy du lịch nghỉ dưỡng biển đảo làm chủ đạo, phát triển theo hướng cao cấp, chuyên biệt, cùng với du lịch MICE, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với khám chữa bệnh; kết hợp thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí, khu đô thị. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, di sản văn hóa và các danh tham thắng cảnh,...

Một góc Vịnh Xuân Đài- một trong những vịnh đẹp nổi tiếng ở thị xã Sông Cầu, Phú Yên.

Thành lập Công viên địa chất Phú Yên hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO để xây dựng thương hiệu địa phương trong chiến lược quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch quốc tế, hướng đến việc khai thác và phát huy đồng bộ, toàn diện giá trị các di sản địa chất, di sản văn hóa xã hội lịch sử, đa dạng sinh học một cách bền vững, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân...

Trình Kế

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 15/02/2024

Cùng chuyên mục