Gắn bản sắc dân tộc Dao (Yên Bái) với phát triển du lịch
Du khách thích thú khi khám phá Ngòi Tu Ảnh: ITN
Giữ di sản qua nhiều thế hệ
Ngòi Tu là một trong 10 thôn của xã Vũ Linh, hiện có 60% là người dân tộc Dao quần trắng. Thế mạnh của nơi đây chính là một điểm du lịch còn giữ được không khí thiên nhiên trong lành, nằm trong lòng di tích danh lam thắng cảnh quốc gia Hồ Thác Bà. Những lễ hội truyền thống và phong tục tập quán trong ăn, mặc, ở, đi lại, lao động sản xuất là tài sản được cộng đồng địa phương lưu giữ qua nhiều thế hệ và được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày.
Từ những năm 2000, thôn Ngòi Tu đã nhen nhóm phát triển hoạt động du lịch cộng đồng. Các hộ dân đều khai thác các giá trị văn hóa dân tộc Dao trong phát triển du lịch như điểm trú là nhà sàn (hầu hết những ngôi nhà sàn vẫn còn giữ được kiểu dáng kiến trúc truyền thống ba gian hai mái, mái nhà được lợp bằng lá cọ); trang phục; ẩm thực; các giá trị văn hóa phi vật thể như tín ngưỡng, lễ Cấp sắc, lễ Tết nhảy, các tri thức dân gian trong chữa bệnh... Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch của thôn Ngòi Tu từng bước được chú trọng đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của sản phẩm du lịch cộng đồng. Hơn nữa, du lịch cộng đồng tại đây còn được sự ủng hộ tích cực từ phía chính quyền, cộng đồng địa phương, công ty lữ hành và khách du lịch.
ThS Hoàng Thị Vân Mai, Sở VHTTDL Yên Bái nhận định, chính sự phát triển du lịch là động lực để cộng đồng người Dao quần trắng gìn giữ, phục hồi các giá trị di sản truyền thống (lễ hội, tục lệ, nếp sống, ẩm thực). Cộng đồng người Dao quần trắng đã chủ động phục hồi các lễ hội truyền thống, trước hết là lễ Cấp sắc, lễ rước dâu; các tập tục sinh hoạt, nếp sống và văn hóa ẩm thực phục vụ khách du lịch. Điều này xuất phát từ nhận thức của cộng đồng khi họ ý thức được những giá trị di sản nếu được gìn giữ, phục hồi sẽ là nguồn tài nguyên cho phát triển du lịch. Qua đó cộng đồng sẽ có cơ hội việc làm và tăng thu nhập để cải thiện, nâng cao đời sống vốn còn nhiều khó khăn khi chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp.
Trước năm 2019, lượng khách du lịch đến Ngòi Tu chiếm trên 70% số lượt khách du lịch đến vùng hồ Thác Bà. Trong đó, trên 90% là khách du lịch quốc tế đến từ các nước Đức, Anh, Pháp, Mỹ... Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến Ngòi Tu đến nay đã dần phục hồi.
Thay đổi để bắt kịp xu hướng
Thôn Ngòi Tu hội đủ điều kiện phát triển, tuy nhiên thực tế du lịch vẫn chưa thực sự khai thác được hết tiềm năng vốn có. Du lịch cộng đồng tại thôn Ngòi Tu mới chỉ dừng lại là một hoạt động thành phần của chương trình du lịch tham quan làng bản, nghĩa là trong chương trình du lịch tham quan làng bản có hoạt động nghỉ cộng đồng (lưu trú ở nhà dân). Bên cạnh đó, hoạt động du lịch vẫn chưa được tổ chức chuyên nghiệp và bài bản.
Theo ThS Hoàng Thị Vân Mai: “Sự phát triển của các hộ du lịch cộng đồng tại thôn Ngòi Tu trong tình trạng không có sự điều tiết, các hộ dân tự đón khách, tự khảo sát các điểm tham quan trong thôn và khu vực xung quanh. Du lịch cộng đồng vẫn chỉ đơn thuần phục vụ lưu trú, ẩm thực, giới thiệu một số giá trị văn hóa của dân tộc Dao và kết hợp tham quan hồ Thác Bà, tham quan làng bản, thiếu các dịch vụ bổ sung như mua sắm đồ lưu niệm, chăm sóc sức khỏe...
Để du lịch cộng đồng phát triển đúng hướng, tương xứng với tiềm năng của địa phương, các chuyên gia cho rằng, cần phải có những giải pháp ngắn hạn và dài hạn đó là: Người dân, chính quyền địa phương và công ty lữ hành cần tập trung đầu tư xây dựng chương trình du lịch cộng đồng hoàn chỉnh và đẩy mạnh xúc tiến quảng bá; thành lập Ban quản lý nhằm hỗ trợ người dân tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm du lịch cộng đồng, liên kết với các công ty du lịch trong việc thu hút khách, điều phối hợp lý lượng khách du lịch đến các nhà nghỉ để đảm bảo công bằng lợi ích từ du lịch đến cộng đồng.
Qua nghiên cứu, theo dõi sự phát triển hoạt động du lịch cộng đồng tại thôn Ngòi Tu nhiều năm qua, ThS Hoàng Thị Vân Mai cho rằng, có những yêu cầu cấp thiết phải thay đổi do xu hướng khách du lịch nội địa đi theo nhóm nhỏ, đến các địa điểm du lịch có không gian gần gũi với tự nhiên, tăng cường các hoạt động trải nghiệm địa phương cùng các dịch vụ ẩm thực có bản sắc và dịch vụ du lịch bản địa sẽ lên ngôi. Đồng thời, trong tương lai không xa, khi nhu cầu của khách du lịch ngày càng cao về những sản phẩm du lịch chuyên biệt thì hoạt động du lịch cộng đồng ở thôn Ngòi Tu cần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững.
Trung Nghĩa