Non nước Việt Nam

Gia Lai: Âm vang cồng chiêng nữ

Cập nhật: 08/10/2021 05:25:35
Số lần đọc: 960
Sự ra đời và hoạt động hiệu quả của những câu lạc bộ cồng chiêng nữ trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã mang lại sức sống mới cho không gian văn hóa cồng chiêng để di sản trường tồn cùng dòng chảy thời gian.  


Nhiều Câu lạc bộ cồng chiêng nữ

Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang) ra đời vào tháng 7/2014 với 60 thành viên. Những năm qua, Câu lạc bộ tạo ấn tượng bởi lối chơi chiêng mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần uyển chuyển, nhịp nhàng. Sự xuất hiện của Câu lạc bộ đã đem đến bất ngờ lớn cho hết thảy mọi người, dần xua đi quan niệm từ lâu đã in đậm trong tâm trí đồng bào Bahnar nơi đây, rằng đánh cồng chiêng là việc của đàn ông, cần sự khỏe khoắn, mạnh mẽ.

Kể về những ngày đầu thành lập, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đinh Thị Khóp nhắc nhớ: “Theo tập tục của người Bahnar, phụ nữ không được đánh cồng chiêng. Nhưng với tình yêu và trách nhiệm với văn hóa dân tộc mình, chúng tôi đã cùng nhau nỗ lực mang lại sức sống mới cho không gian văn hóa cồng chiêng, góp phần phát huy di sản văn hóa của dân tộc. Khi già làng cho phép phụ nữ đánh chiêng, chúng tôi vô cùng phấn khởi và háo hức. Lúc bấy giờ, phụ nữ trong làng chỉ có bà Đinh Thị Byer biết chút ít về kỹ thuật biểu diễn cồng chiêng”.

Hàng ngày, sau thời gian lao động, các chị tập trung về nhà rông miệt mài luyện tập. Sau gần 1 tháng, dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của bà Byer và một số nghệ nhân, các chị đã học hỏi và dần thuần thục kỹ năng biểu diễn cồng chiêng. “Câu lạc bộ hiện có 30 thành viên biết đánh cồng, 10 thành viên biết đánh chiêng. Bởi chiêng đánh theo giai điệu giống như những nốt nhạc. Cồng chỉ phụ họa, âm điệu đơn giản nên dễ học, ai cũng đánh được. Giờ thì dù cầm chiếc chiêng cái to nhất trong dàn cồng chiêng, nặng gần chục ký, đôi chân chị em vẫn không hề lạc nhịp, chênh chao”-chị Khóp vui mừng chia sẻ.

Ngày hội làng. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Đến giờ, bà Byer vẫn được thành viên Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ làng Leng nhắc đến với niềm tin yêu, quý trọng bởi là người tiên phong tấu lên những giai điệu trầm bổng, âm vang núi rừng và tạo động lực giúp lớp người trẻ tìm tòi, học hỏi. Từ nhỏ, bà Byer đã mê mẩn âm thanh cồng chiêng. Thấy người già dạy cồng chiêng cho trai làng, bà đã lén học theo và mơ ước sau này lớn lên cũng được cầm chiêng biểu diễn. “Và rồi, ước mơ của tôi cũng thành hiện thực. Thời điểm thành lập đội chiêng nữ, tôi đã ngày đêm nỗ lực truyền dạy cho chị em. Giờ đây, đội chiêng nữ không những trình diễn cồng chiêng thuần thục mà còn được mời biểu diễn phục vụ khách tham quan tại Làng kháng chiến Stơr; các sự kiện giao lưu văn hóa, văn nghệ do xã, huyện tổ chức. Đội chiêng cũng vinh dự được tham gia trình diễn tại Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018. Điều này khiến lòng tôi vui rất nhiều”-bà Byer tâm sự.

Sức hấp dẫn của đội chiêng nữ đầu tiên ở Đông Trường Sơn đã lan tỏa khắp vùng. Tại huyện Kông Chro, theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) 14 xã, thị trấn đã thành lập 23 câu lạc bộ cồng chiêng nữ với 1.121 thành viên. Trong đó, nổi bật nhất là Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ tổ dân phố Plei Pyang (thị trấn Kông Chro) được thành lập năm 2019 với 43 thành viên. Những đôi bàn tay phụ nữ trước nay vẫn thường khéo léo dệt vải, ủ rượu… nay bỗng trở nên khỏe khoắn theo nhịp cồng chiêng. Chị Đinh Thị Chrưc-thành viên ít tuổi nhất trong đội-chia sẻ: “Trước khi tham gia đội chiêng, tôi chỉ biết múa xoang. Để làm quen với cồng chiêng, tôi dành thời gian luyện tập liên tục trong 2 tuần, từ bài chiêng có giai điệu dễ đến bài khó. Nhờ chăm chỉ luyện tập mà tôi đã đánh thành thạo các bài chiêng như: mừng nhà rông mới, mừng lúa mới, mừng đám cưới và tiếng trống mừng hội Tơmh Cam…”.

Các thành viên Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ tổ dân phố Plei Pyang (thị trấn Kông Chro) tích cực tập luyện. Ảnh: Ngọc Minh

Theo chị Đinh Thị Dớt-Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ tổ dân phố Plei Pyang, đánh cồng chiêng rất khó, nhất là đối với phụ nữ chân yếu tay mềm. Những nhịp chiêng khi được đánh lên phải hòa cùng nhau, nếu không sẽ bị lạc nhịp. Ấy vậy mà qua nhiều tháng ngày hăng say tập luyện, từng tiếng cồng, tiếng chiêng hòa vào nhau tạo nên những giai điệu mượt mà, uyển chuyển, say đắm lòng người. “Cuối tháng 7/2020, UBND huyện Kông Chro tổ chức Liên hoan không gian văn hóa cồng chiêng. Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ tổ dân phố Plei Pyang đại diện cho Hội LHPN thị trấn Kông Chro tham gia tranh tài và giành giải nhất. Đây là một tín hiệu vui và cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục nỗ lực gìn giữ và phát huy”-chị Dớt tự hào chia sẻ.

Sức sống mới cho không gian di sản

Khi ngôi làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) còn ẩn khuất sau màn sương dày đặc, đội cồng chiêng nữ của làng đã có mặt tại chân nhà rông để tập luyện. Những thanh âm cồng chiêng tấu lên bản nhạc ngàn đời trầm bổng, vang xa. Có lẽ sự xuất hiện của những tay chiêng nữ đã thêm vào văn hóa bản địa của làng một phong vị riêng, mới mẻ, hấp dẫn. Già làng Am Luih là người phấn khởi nhất khi nhận thấy sự đổi thay này. Già Luih cho rằng, việc truyền nghề đánh chiêng cũng chẳng dễ dàng, phải dạy từ cách cầm chiêng, rồi đến dạy lời và ý nghĩa các bài chiêng. Sau đó mới dạy cách đánh chiêng. Phải là những người thực sự yêu và hiểu tiếng cồng chiêng thì mới vượt khó mà học được. “Việc thành lập đội chiêng nữ vừa phát huy văn hóa truyền thống, vừa xuất phát từ nhu cầu thực tế. Từ xưa, phụ nữ không biết đánh chiêng nên việc này chỉ có đàn ông trong làng đảm nhiệm và gánh vác. Nay thì khác rồi! Dẫu không có những “đường chiêng” mạnh mẽ như các tay chiêng nam nhưng chính sự mềm mại, uyển chuyển đã tạo nên nét thu hút riêng”-già Luih gật gù tán thưởng.   

Dù mới thành lập được 2 năm nhưng đội chiêng nữ làng Ia Gri đã chơi thuần thục nhiều bài chiêng. Từ những bài nhạc chiêng truyền thống để đánh trong lễ bỏ mả, mừng lúa mới… đến những bài nhạc chiêng mới như: mừng Đảng, mừng xuân, ca ngợi người lính, nhớ Bác Hồ… Chị Leh nâng chiếc chiêng lên gõ vài nhịp điệu nghệ rồi cười khoe: “Từ nhỏ, dù đã nhuần nhuyễn các điệu múa xoang do mẹ truyền lại, nhưng tôi vẫn ao ước cũng được học đánh cồng chiêng như các anh trai mình. Tôi thường lén nhìn các anh mình học đánh chiêng và rồi biết đánh lúc nào không hay. Lớn lên, tôi luôn ấp ủ dự định sẽ nhóm họp các chị em trong làng để cùng học đánh chiêng. Nay đội cồng chiêng của làng đã tập hợp được gần 30 người, trong đó có khoảng 10 chị em biết đánh cồng chiêng. Tuy vất vả, nhưng càng tập lại càng thấy cồng chiêng có sức hút lạ kỳ”. Chính bước đi uyển chuyển, mềm mại, vừa đánh vừa nhún đôi chân trần, đánh chiêng như múa, duyên dáng và quyến rũ, các chị đã “thổi” một sức sống mới vào không gian văn hóa cồng chiêng. “Lần lượt các bài chiêng cơ bản của cha ông để lại các chị đều đánh thành thạo. Vừa học đánh chiêng, các chị vừa chỉ cho nhau những điệu múa, làn điệu dân ca mộc mạc, trữ tình. Phụ nữ tham gia đánh chiêng có thể đóng cả hai vai: vừa có thể đánh chiêng, vừa có thể múa xoang. Đến nay, huyện Chư Păh đã thành lập 2 đội chiêng nữ ở xã Ia Khươl và Chư Đang Ya. Các đội chiêng nữ thường được mời tham gia biểu diễn ở nhiều nơi trong những ngày hội giao lưu văn hóa hay các ngày hội lớn ở địa phương”-bà Nguyễn Thị Bảy-Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Păh-cho biết.

Biểu diễn cồng chiêng tại Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang). Ảnh: Đức Thụy

Tại huyện Đak Pơ, việc thành lập đội cồng chiêng nữ cũng được các cấp Hội Phụ nữ quan tâm. Năm 2015, Hội LHPN xã Yang Bắc đã thành lập đội cồng chiêng nữ tại các làng Jun, Krông Hra và Jro Ktu Đak Yang. Tháng 7/2020, Hội LHPN xã Ya Hội thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ gồm 160 thành viên thuộc 3 đội cồng chiêng tại các làng: Groi, Bung Tờ Số và Brang-Đak Ya-Kliết. Bà Nguyễn Thị Liên-Chủ tịch Hội LHPN huyện-thông tin: Tùy theo địa phương mà các cấp Hội Phụ nữ đã thành lập câu lạc bộ hay đội cồng chiêng nữ. Tại các buổi sinh hoạt hoặc ngày hội, ngày lễ của làng, chị em tham gia biểu diễn cồng chiêng, góp phần cho hoạt động văn nghệ của làng, xã thêm sôi động, đoàn kết. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo Hội LHPN xã nhân rộng mô hình câu lạc bộ cồng chiêng nữ ở các làng. Đồng thời, sẽ tổ chức buổi giao lưu giữa các đội cồng chiêng để chị em được học hỏi, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Cùng với tình yêu, ý thức và trách nhiệm bảo tồn văn hóa dân tộc mình, chị em phụ nữ đã “vào cuộc” chung tay, góp sức và coi đây như một giải pháp hữu hiệu trong công tác gìn giữ và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng./.

Trần Dung - Ngọc Minh

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT