Non nước Việt Nam

Gia Lai: Độc đáo lễ cưới truyền thống của người Bahnar

Cập nhật: 23/02/2022 05:18:27
Số lần đọc: 892
Các nghệ nhân người Bahnar ở làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) vừa tổ chức phục dựng lễ cưới truyền thống với những nghi thức cổ xưa, độc đáo nhằm bảo tồn, quảng bá nét đẹp văn hóa, góp phần thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.  


Nghi thức độc đáo

Những ngày đầu năm Nhâm Dần 2022, khuôn viên nhà rông làng Stơr rộn rã tiếng cồng chiêng trong hoạt động phục dựng lễ cưới truyền thống của người Bahnar. Hơn 20 nghệ nhân hóa thân thành nhiều nhân vật khác nhau để tái hiện lễ cưới thông qua sự hướng dẫn của người già, chính quyền và Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San.  

Già Đinh Grênh kể rằng: Ngày xưa, người Bahnar thường tổ chức lễ cưới vào cuối mùa thu hoạch nông sản, khi thóc đầy kho, gia súc đầy chuồng. Trao vòng đeo tay và lễ cưới là hai việc quan trọng để đôi trẻ về chung một nhà. Đôi trai gái sẽ tặng nhau chiếc vòng tay may mắn với quan niệm dù đi đâu cũng sẽ gặp lại. Khi muốn nên duyên vợ chồng, họ sẽ nhờ người thân nói chuyện với ông mối se duyên tại nhà gái. Sau cuộc nói chuyện, 2 gia đình lần lượt làm lễ trao vòng tay may mắn cho cặp đôi ở nhà gái rồi đến nhà trai. Lễ vật gồm 1 ché rượu cần, 1 con gà, 2 vòng đeo tay bằng đồng hoặc nhôm, 2 sợi chỉ len với chuỗi hạt cườm đeo cổ để trao cho nhau. Khi làm lễ này xong, đôi trai gái đã được xem là vợ chồng. Họ tiếp tục trao nhau vòng đeo tay cùng 1 vòng cườm đeo cổ. “Theo luật tục người Bahnar thì đôi trai gái đã qua lễ trao vòng thì không được có quan hệ yêu đương với người khác. Nếu muốn thoái hôn thì một trong hai bên phải bồi thường danh dự cho bên kia 1 con heo hơn 1 tạ cùng nhiều vật phẩm khác theo yêu cầu, đồng thời phải mang heo, gà, rượu đến tạ lỗi với người mai mối”-già Grênh nói.

Tái hiện cảnh dân làng đánh cồng chiêng, múa xoang trong đám cưới của người Bahnar. Ảnh: Nguyễn Hiền

Lễ cưới sẽ được tổ chức sau lễ trao vòng. Ngày cưới thường diễn ra đúng hôm trăng tròn. Hôn lễ được tổ chức trước bên nhà gái tại nhà rông làng với các lễ vật gồm: 5 con gà, 5 ghè rượu cần và 1 con heo. Nhà gái còn chuẩn bị hơn 30 nến sáp ong, thịt gà luộc đã giã và đùm trong lá chuối cho người mai mối trong đêm rước rể. Ngoài ra, dân làng sẽ mang rượu ghè đến chúc phúc và chung vui với đôi vợ chồng trẻ.

Trong lễ cưới, ở ngay khu vực trung tâm nhà rông bày biện lễ vật để cúng Yàng là 5 ché rượu cần cùng 1 mẹt gạo, 1 cái cuốc, lá chuối, gan heo, gà đã nướng chín và treo lên cột cây gưng 2 dây xỏ thịt heo luộc, 2 khăn choàng của hai bên gia đình, 2 dao mác bằng gỗ được đặt chéo. Ý nghĩa của các vật phẩm là đôi vợ chồng phải yêu thương, chăm sóc nhau đến già, không xảy ra xích mích. 3 già làng sẽ cầu các thần ban phúc cho đôi trẻ dưới sự chứng kiến của gia đình cùng 2 người mai mối chính-phụ.

Thực hiện xong các nghi thức cúng bái thì mọi người cùng ăn uống, múa xoang và đánh cồng chiêng mừng cho cặp vợ chồng trẻ. Khi trời tối, 2 ông mối dắt chú rể về nhà gái. Về đến nhà, rể dâu lần lượt bước qua một bếp lửa. Trong khi đó, một thanh niên chưa lập gia đình sẽ trải chiếu mới cho đôi trẻ. Sáng hôm sau, thanh niên trong làng cùng cô dâu, chú rể xuống suối bắt cá, tạt nước vào người nhau. Phong tục này mang ý nghĩa lấy nhau mát mẻ như nước thì gia đình mới hạnh phúc lâu dài. “Sau lễ cưới, cặp vợ chồng trẻ sẽ ở 2 năm tại nhà gái, 2 năm tại nhà trai để làm lụng, tri ân công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ rồi mới tự dựng nhà riêng”-già Grênh cho hay.

Chung tay bảo tồn văn hóa dân tộc

Dân làng Stơr bỏ nhiều công sức tập luyện nhằm tái hiện nguyên bản lễ cưới của người Bahnar và giáo dục thế hệ trẻ về nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Bà Đinh Thị Rec bộc bạch: “Tôi rất vui khi được mời tham gia việc phục dựng lễ cưới truyền thống. Trong lễ cưới này, tôi cố gắng hết sức để diễn vai nhân vật mẹ của cô dâu”.

Nghệ nhân làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) phục dựng lễ cưới của người Bahnar. Ảnh: Thiên Di

Trong vai cô dâu mới, chị Đinh Thị Than tâm sự: “Được cùng các cô, chú tham gia phục dựng lễ cưới của người Bahnar, mình thấy rất tự hào và phấn khởi. Qua đây, mình hiểu hơn về truyền thống của dân tộc. Vì thế, mình sẽ nỗ lực hết mình để quảng bá đến du khách trong và ngoài nước về lịch sử, vẻ đẹp của quê hương mình”.

Được biết, việc hỗ trợ bà con dân tộc Jrai, Bahnar phục dựng các nghi lễ truyền thống là hoạt động được Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San quan tâm thực hiện trong thời gian gần đây. Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Thắm-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Văn nghệ quần chúng (Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San) cho biết: Việc phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm quảng bá tiềm năng du lịch của các địa phương. Bên cạnh đó, phục dựng còn có ý nghĩa bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của các tộc người trước nguy cơ mai một, xâm lấn của các yếu tố văn hóa khác.

Thiên Di - Nguyễn

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT