Quảng Nam: Tết mùa của đồng bào Ca Dong
Tộc người Ca Dong sinh sống tập trung chủ yếu ở huyện Bắc Trà My, trên những triền núi cao chạy dọc hai bên con sông Tranh thuộc các xã: Trà Bui, Trà Giáp, Trà Giác, Trà Ka, Trà Đốc, Trà Tân, Trà Sơn. Tết mùa, theo tiếng Ca Dong là Pai - ố (Pai: có nghĩa là nấu rượu; Ố: có nghĩa là uống).
Tùy vào mùa vụ lúa rẫy của năm đó được mùa, mất mùa hay được nhiều hoặc ít gạo nếp mà người Ca Dong ăn Tết mùa to hay nhỏ. Nghi thức lễ cúng ăn Tết mùa được người Ca Dong thực hiện để bày tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với trời, đất, thần linh, ông bà… và là dịp để cầu cho mọi người trong gia đình luôn mạnh khỏe, may mắn; cầu cho mưa thuận gió hòa, cây trồng tốt tươi, con vật nuôi phát triển tốt.
Tết mùa được xem là Tết cổ truyền lớn nhất của đồng bào Ca Dong để các thành viên trong gia đình sum họp, đoàn tụ. Con cháu báo hiếu ông bà, cha mẹ; chia sẻ những chuyện vui buồn trong năm.
Gói bánh chuẩn bị ăn Tết mùa.
Để chuẩn bị cho Tết mùa, các bà, các chị ngâm gạo nếp, lấy lá dong, các chàng trai vào rừng chặt rất nhiều ống nứa non về làm cơm ống. Khi con cháu, dâu rể, anh em, họ hàng người thân tụ tập đông đủ, tại không gian bếp của gia đình, một phụ nữ lớn tuổi trong nhà tiến hành nghi thức cúng cơm ống để gọi hồn thần lúa (Mó pế) về. Xong, bà tiến hành bỏ gạo nếp vào ống nứa tượng trưng, sau đó các con cháu cùng nhau bỏ gạo nếp vào ống nứa để làm và nướng cơm ống, gói bánh và nấu các loại bánh lá dong như: bánh dài (bênh chai), bánh ốc (bênh ka dố), bánh dẹp (bênh ka nốp).
Sáng sớm của ngày đầu tiên trong Tết mùa, các con cháu trong gia đình thức dậy lo dọn dẹp nhà cửa, sân ngõ sạch sẽ. Chủ nhà trong trang phục truyền thống của người Ca Dong mở cửa kho lúa và thận trọng khấn mời thần lúa về nhà mình ăn Tết mùa cùng gia đình. Sau đó, đóng cửa kho lúa lại, dùng rựa phát dọn cây thoáng đãng để thần lúa theo đường mà biết về nhà. Cùng lúc, những chàng trai Ca Dong được phân công trong trang phục truyền thống đi bắt heo về, tắm rửa cho heo sạch sẽ.
Tại không gian tổ chức lễ cúng, nơi thờ tổ tiên, heo được khiêng đến để cạnh bàn cúng. Chủ nhà tiến hành nghi lễ cúng heo sống, với ý nghĩa tiễn năm cũ tạ ơn thần linh, ông bà, tổ tiên đã phù hộ gia đình một năm an lành, hạnh phúc. Sau đó, con heo được chính tay chủ nhà chọc tiết, các con cháu tiến hành làm và mổ heo. Gan, tim, bộ lòng, ít thịt heo được chế biến các món ăn truyền thống cùng đầu heo đã được luộc chín và 2 đùi heo chân sau còn sống dâng lên cúng thần đất (Ti ní), thần núi rừng (Kéc gúc), thần nước (Kéc tác), thần mặt trời (Mắt xnăm), thần mặt trăng (Mắt dao), hồn lúa (Hon pé), tổ tiên, ông bà, người thân đã mất.
Tại gian cúng, chủ nhà còn phải cắt tiết một con gà có bộ lông đen và dùng tiết đó vẩy vào kho lúa mới làm phép. Bởi theo quan niệm của người Ca Dong, chỉ gà có lông màu đen mới đem lại may mắn cho mùa sau. Gà đen cắt tiết xong, đem làm lông mổ và luộc chín để cùng mâm tại bàn thờ thiêng dâng cúng năm mới.
Khi mọi việc đã xong, chủ nhà lấy một cái khuôn gỗ nhỏ màu đỏ, trên đó đặt một mâm đồng nhỏ và hai đồng tiền để xin keo. Sau đó, chủ nhà chắp tay cúng, miệng khấn cầu mong năm tới thần linh, ông bà, tổ tiên bảo vệ mùa màng; thần rừng, thần núi, thần mặt trời, thần mặt trăng, thần nước phù hộ không thiên tai, mất mùa. Thần lúa năm nay được bao nhiêu lúa, thì năm sau sẽ thêm nhiều hơn nữa. Cùng lúc, người phụ nữ cầm chiếc dùi và đánh vào mặt ngoài của chiêng một hồi dài, các con cháu cũng lần lượt cầm dùi khơi trống, đánh chiêng liên tục để báo tin cho thần lúa, tổ tiên, ông bà biết...
Khi nghi lễ đã xong, mọi người trong gia đình, những khách mời cùng quây quần bên nhau ăn những món ăn truyền thống, cùng uống rượu cần, chuyện trò, hát hò và cầu chúc cho nhau những điều may mắn.
Theo truyền thống, trong Tết mùa, đồng bào Ca Dong còn có tục xem chân gà để xem mùa vụ lúa rẫy năm sau của gia đình sẽ được mùa hay mất mùa. Theo quan niệm của người Ca Dong, nếu cặp chân gà lành lặn căng đầy, sắc màu tươi là điều tốt đẹp, hứa hẹn sang năm mới mùa màng, chăn nuôi thuận lợi, gia đình luôn thuận hòa, đoàn kết...
Với người Ca Dong, ăn Tết mùa mừng năm mới diễn ra như một chuỗi lễ hội kép kín, ở lần lượt các gia đình. Trong những ngày Tết mùa, đồng bào còn tấu cồng chiêng, hát dân ca. Tiếng chiêng và những làn điệu dân ca như: hát ca leo, ca choi luôn ngân vang cả một góc rừng…
Nguyễn Văn Sơn