Gia Lai: Kbang đa dạng sản phẩm phục vụ du khách
Đa dạng sản phẩm du lịch
Kbang là vùng đất trù phú, giàu trầm tích văn hóa, lịch sử. Khoảng 5 năm trở lại đây, địa phương ngày càng có thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đông đảo du khách. Việc thành lập nhóm hoạt động du lịch cộng đồng tại Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung) không chỉ tạo thu nhập cho 30 nghệ nhân mà còn quảng bá, giới thiệu cho du khách về nghề truyền thống, văn hóa cồng chiêng, ẩm thực của người Bahnar. Ông Đinh Ngơn (làng Kuk Tung, xã Tơ Tung) vui vẻ chia sẻ: “Chúng tôi vui lắm khi thấy du khách về tìm hiểu, nghiên cứu, tham quan Nhà lưu niệm Anh hùng Núp và trải nghiệm tại Làng kháng chiến Stơr phục dựng ngày một đông. Tham gia phục vụ khách du lịch, chúng tôi vừa gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc lại có thêm nguồn thu nhập. Riêng tôi, mỗi tháng thu về gần 3 triệu đồng từ việc bán các sản phẩm cho người dân và du khách”.
Vào dịp lễ, Tết, sự kiện văn hóa, ngày hội du lịch do địa phương tổ chức, dân làng Kdâu (xã Kông Lơng Khơng) lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu chế biến hơn 1 tạ bánh các loại, chủ yếu là các món ăn truyền thống của người Tày, Nùng. Bà Cam Thị Ngọc-Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kdâu-cho hay: “Hàng năm, chúng tôi đăng ký 4 đợt, có gần 10 chị em tham gia. Kết thúc mỗi đợt, sau khi trừ chi phí, mỗi người thu về gần 2 triệu đồng. Tuy số tiền không nhiều nhưng chị em có thêm thu nhập; các loại bánh được khách hàng đánh giá cao. Đây là nguồn động lực để chúng tôi duy trì, nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm; giới thiệu nét văn hóa đặc trưng tới du khách”.
Các nghệ nhân trình diễn đan gùi tại Ngày hội du lịch huyện Kbang năm 2022. Ảnh: Ngọc Minh
Đi vào hoạt được gần 3 năm, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch A Ngưi (làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng) không ngừng mở rộng, cải thiện homestay cũng như có thêm sản phẩm phục vụ du khách. Ông Đinh Văn Ngưi-Giám đốc Công ty-cho biết: “Ngoài các hoạt động như đốt lửa trại, xem trình diễn cồng chiêng, nghe hát sử thi; trải nghiệm dệt thổ cẩm, chế biến món cơm lam, gà nướng và đến thăm Nhà lưu niệm Anh hùng Núp, chúng tôi còn tổ chức tour trekking các điểm thác, cho thuê xe đạp, trang phục truyền thống của đồng bào Bahnar. Với các chương trình, hoạt động này, Công ty đã tạo việc làm cho khoảng 40 lao động, tiền công 150-600 ngàn đồng/người/ngày”.
Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong cũng là điểm đến không thể bỏ qua khi du khách tới Kbang. Ông Đinh Văn Ble-Phó Chủ tịch UBND xã-cho hay: Xã đã cử nhóm du lịch cộng đồng phục vụ nhu cầu ăn uống cho các đoàn khách. Trên cơ sở đơn đặt hàng, các thành viên sẽ khai thác những nông sản sẵn có như đọt mây, rau dớn, măng le, hoa nghệ rừng, cá suối, ốc đá, gà ta, heo đen để chế biến thành các món ăn đậm đà truyền thống. Cùng với đó, nhóm đã kết nối với một số nghệ nhân, đoàn viên, thanh niên tổ chức biểu diễn cồng chiêng phục vụ khách tham quan.
Rất thích thú khi trước cảnh quan cũng như sản vật của vùng đất Kbang, chị Nguyễn Thị Như Phương (TP. Hồ Chí Minh) cho hay: “Tôi thấy Kbang có rất nhiều sản phẩm truyền thống và nông sản để du khách mua sắm. Tuy nhiên, khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các điểm tham quan chưa được chú trọng. Tôi hy vọng địa phương có giải pháp để quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm này”.
Nâng cao chất lượng
Nhằm phát huy tiềm năng du lịch, huyện Kbang xây dựng kế hoạch phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn gắn với phát triển du lịch cộng đồng; khôi phục và phát triển một số mặt hàng nghề truyền thống; kết hợp phục vụ dịch vụ văn hóa với bán các sản phẩm như rượu cần, thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc, các loại công cụ, đồ dùng sinh hoạt thường ngày của người dân…
Các sản phẩm dược liệu, sâm, nấm linh chi được người dân bày bán tại Ngày hội du lịch huyện Kbang năm 2022, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch. Ảnh: Ngọc Minh
Cùng với đó, huyện cũng quan tâm phát triển du lịch sinh thái kết hợp các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao; xây dựng vùng chuyên canh nông nghiệp, đặc biệt triển khai Chương trình OCOP. Ngoài đưa các sản phẩm du lịch ra chào bán tại các điểm tập trung, khu vực trung tâm huyện, tại sự kiện, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, huyện cũng chú trọng phối hợp giữa việc mua sản phẩm với giới thiệu cho du khách tham quan, chụp hình, trải nghiệm. Đồng thời, kết hợp loại hình dã ngoại, tham quan nghỉ ngơi ở các trang trại ven suối, ven thác nước gắn với tổ chức các trò chơi dân gian, dịch vụ giải trí tại chỗ để phục vụ du khách.
Trao đổi với P.V, ông Y Phương-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy và nâng cao hơn chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có. Cùng với đó, huyện sẽ tích cực sưu tầm và trưng bày các hiện vật liên quan đến các di tích, biên tập thông tin, xây dựng đội ngũ cộng tác viên, thuyết minh viên giới thiệu về di tích lịch sử cho du khách. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện giúp đỡ các nghệ nhân sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ với những sản phẩm truyền thống độc đáo; mở các lớp đào tạo nghề, kỹ năng làm du lịch cho người dân tộc thiểu số tại các điểm du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn. Qua đó, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân”.
Ngọc Minh