Khai thác tiềm năng du lịch nông nghiệp vùng châu thổ Cửu Long
Du khách tham gia trải nghiệm hoạt động hái ấu của người nông dân ở khu vực lòng hồ Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. (Ảnh: TTXVN)
Nằm ở trung tâm vùng, thành phố Cần Thơ đã và đang hình thành ba mô hình chính của du lịch nông nghiệp gồm: Du lịch nông nghiệp dành cho khách tham quan trong ngày; du lịch nông nghiệp dành cho khách tham quan, lưu trú; và mô hình khu nghỉ dưỡng gắn với hoạt động nông nghiệp.
Các điểm du lịch trải đều khắp các quận, huyện như: Du lịch cộng đồng cồn Sơn (quận Bình Thủy), du lịch sinh thái cồn Tân Lộc (quận Thốt Nốt), vườn du lịch Mỹ Khánh, du lịch ông Đề (huyện Phong Điền), vườn du lịch Hoa tam giác mạch (quận Cái Răng)… được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.
Du khách đến đây được sống, trải nghiệm các nét sinh hoạt của cư dân địa phương, thưởng thức những món ăn đặc sản truyền thống, tham gia các hoạt động gắn với sản xuất nông nghiệp, đời sống cư dân như: giăng lưới, cắm câu, đặt trúm, đặt lờ, trồng lúa, chơi trò chơi dân gian ngay trên đồng ruộng, vườn trái cây... Điều này tạo nên nét riêng và hấp dẫn đối với du khách phương xa, nhất là du khách quốc tế.
Còn ở Đồng Tháp, du lịch nông nghiệp phát triển sau một số địa phương trong vùng nhưng nhờ khai thác, phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như sen (huyện Tháp Mười), quýt hồng (huyện Lai Vung), làng hoa Sa Đéc (thành phố Sa Đéc), các điểm du lịch mùa nước nổi…, nên thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm.
Đến khu du lịch Đồng sen Tháp Mười, du khách ngồi trên xuồng ngắm cảnh đồng sen, học cách thu hoạch gương sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn chế biến từ sen.
Du lịch nông nghiệp gắn với điều kiện tự nhiên là xu hướng mới và ngày càng phát triển sau thời gian dịch Covid-19 kéo dài |
Riêng các huyện đầu nguồn vùng lũ là Hồng Ngự và Tân Hồng phát triển dịch vụ lưu trú bè nổi trên ao hết sức độc đáo cùng với ao sen, ao súng, các luống rau sạch để phục vụ thưởng thức ẩm thực đồng quê. Du khách cũng có thể cùng với cư dân địa phương trải nghiệm các phương thức đánh bắt thủy sản phong phú của người dân vùng lũ.
Một số tỉnh như Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang cũng bước đầu phát triển du lịch nông nghiệp gắn với khai thác các sản phẩm đặc trưng riêng của địa phương.
Theo các chuyên gia, du lịch nông nghiệp gắn với điều kiện tự nhiên là xu hướng mới và ngày càng phát triển sau thời gian dịch Covid-19 kéo dài; nhiều du khách chuyển hướng muốn gần gũi với thiên nhiên, không gian thoáng đãng chứ không chỉ bó buộc ở những khách sạn, khu vui chơi giải trí.
Du lịch nông nghiệp sẽ góp phần giải quyết việc làm cho nông hộ, quảng bá, phát huy nét văn hóa truyền thống của cư dân Nam Bộ, đặc biệt là tăng thu nhập từ 30-40% so với làm du lịch truyền thống.
Để tiếp sức phát triển du lịch nông nghiệp, nhiều tỉnh, thành phố trong vùng đã ban hành nghị quyết, kế hoạch, chương trình phát triển để đầu tư, quảng bá sản phẩm du lịch đặc thù thu hút du khách. Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp vùng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Hầu hết các điểm, khu du lịch gắn với nông nghiệp phát triển tự phát do người dân, doanh nghiệp tự đầu tư chứ không theo quy hoạch của địa phương hoặc quy hoạch của vùng, dẫn đến phát triển thiếu kiểm soát, các sản phẩm dễ trùng lắp, cạnh tranh nhau giữa các địa phương, làm giảm sức hấp dẫn. Nguồn lực đầu tư và nguồn nhân lực cho phát triển du lịch vừa thiếu, vừa yếu nên việc đầu tư hạn chế.
Tại các điểm du lịch nông nghiệp có lưu trú, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của du khách; thiếu sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong vùng trong phát triển loại hình du lịch mới này…
Do điều kiện tự nhiên có nét tương đồng, vì thế mỗi địa phương chỉ nên xây dựng một số sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc thù có lợi thế nhất nhằm tránh trùng lắp. |
Là xu hướng tất yếu, là thế mạnh của vùng đất Chín Rồng mang tính bền vững cao hơn vì lợi ích được chia sẻ cho nông dân, cộng đồng, để phát triển loại hình du lịch này, các địa phương, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố cần tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin trong quy hoạch phát triển.
Do điều kiện tự nhiên có nét tương đồng, vì thế mỗi địa phương chỉ nên xây dựng một số sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc thù có lợi thế nhất nhằm tránh trùng lắp. Nếu tiếp tục phát triển thiếu liên kết theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, du lịch nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long sẽ khó có được các sản phẩm đặc thù, các sản phẩm na ná nhau, du khách chỉ đến một nơi là biết cả vùng.
Thời gian qua, du lịch nông nghiệp chủ yếu dựa vào khai thác điều kiện tự nhiên đất đai, sông, ngòi mà thiếu đầu tư bài bản do thiếu vốn. Vì vậy, các địa phương cần xem xét hỗ trợ vốn cho các mô hình du lịch nông nghiệp để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển, nhất là cơ sở lưu trú; quan tâm đào tạo kiến thức, kỹ năng cho người làm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.
Các địa phương trong vùng sớm có quy hoạch, chương trình phát triển du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp nói riêng trên cơ sở quy hoạch tích hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được Chính phủ phê duyệt và công bố, làm cơ sở để phát triển bền vững.
Nguyễn Thanh