Hoạt động của ngành

Quảng Nam: Tìm hướng phát triển vùng đệm Mỹ Sơn

Cập nhật: 11/10/2022 11:36:50
Số lần đọc: 1016
Với diện tích hơn 1.100ha, vùng đệm Mỹ Sơn sở hữu nhiều lợi thế để phát triển du lịch, trong đó hồ Thạch Bàn với hàng chục gò, đảo được đánh giá là điểm đến sinh thái, trải nghiệm quan trọng bên ngoài khu đền tháp.

Vùng đệm Mỹ Sơn sở hữu nhiều tiềm năng du lịch. Ảnh: V.L

Chờ quy hoạch

Nằm bên ngoài khu đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên), hồ Thạch Bàn là đập nước nhân tạo do người Pháp xây dựng từ khoảng năm 1936 - 1939. Năm 1984, hồ Thạch Bàn được nâng cấp mở rộng diện tích lên 2,5km2, dung lượng nước khoảng 10 triệu mét khối phục vụ tưới tiêu cho 3 xã vùng Tây huyện Duy Xuyên là Duy Tân, Duy Phú, Duy Thu.

Lợi thế du lịch của hồ không chỉ nằm gần khu di tích Mỹ Sơn mà còn là không gian sinh thái với nhiều đảo nổi và cảnh quan thiên nhiên thơ mộng. Buổi chiều, đứng trên bờ đập Thạch Bàn dõi mắt về phía hồ, ngắm đàn chim bay về tổ hoặc phiêu du trên những chiếc thuyền nhỏ, lắng nghe tiếng chuông ngân vang vọng từ ngôi chùa cổ An Hòa khách có thể cảm nhận được sự bình yên, tĩnh tại.

Từ nhiều năm trước, phát triển du lịch hồ Thạch Bàn và vùng đệm đã được huyện Duy Xuyên tính đến. Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn cũng đã xây dựng bến thuyền bên ngoài cầu Khe Thẻ để đón tiếp khách tham quan hồ khi tham quan Mỹ Sơn, dù vậy đến nay hiệu quả vẫn chưa như mong đợi.

Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng đệm Mỹ Sơn, đầu tiên cần phải hoàn thiện quy hoạch dự án bảo tồn, phát huy giá trị di sản này. Ảnh: V.L

Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn thừa nhận, khó nhất hiện nay chính là kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào Thạch Bàn cũng như vùng đệm do chưa có quy hoạch cụ thể.

“Dù huyện đã nhiều lần kêu gọi nhưng doanh nghiệp không mặn mà vì chưa có quy hoạch bài bản, nên bây giờ phải quy hoạch lại Mỹ Sơn, quy hoạch vùng lõi, vùng đệm, trên cơ sở quy hoạch sẽ kêu gọi đầu tư chứ không có quy hoạch thì lấy gì kêu gọi. Trước đây, Quy hoạch 1915 của Chính phủ chủ yếu là bảo tồn, phát triển du lịch cũng có tính đến nhưng ở quy mô rất nhỏ bé” - ông Hộ nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Công ty Du lịch An Thư (Hội An), đơn vị thường xuyên đưa khách lên Mỹ Sơn, sản phẩm dịch vụ vùng phụ cận Mỹ Sơn, nhất là hồ Thạch Bàn phải thật sự bài bản, mang tính đột phá và khác biệt. Nếu không làm được điều này khoan hãy can thiệp nhằm tránh những tác động đến môi trường, sinh thái bên ngoài di sản.

“Vùng phụ cận và hồ Thạch Bàn rất tiềm năng nhưng phải có dịch vụ gì để khách trải nghiệm chứ không thể làm sơ sài được. Chưa kể, nơi đây chỉ phát triển được trong mùa hè, mùa mưa lũ thì không hiệu quả. Vậy nên, phải hết sức thận trọng” - ông Dũng phân tích.

Chọn nhà đầu tư có tiềm lực

Gần 10 năm trước, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp với Sở VHTTDL khai trương Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (2013), sự kiện được kỳ vọng giúp thúc đẩy du lịch vùng đệm Mỹ Sơn phát triển, góp phần tạo sinh kế, cải thiện cuộc sống người dân. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn mô hình du lịch này cũng tan rã.

Trong đợt khảo sát tiềm năng du lịch vùng đệm Mỹ Sơn mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nhìn nhận, vùng đệm Mỹ Sơn rất đẹp, nhất là chùa chiền, cảnh quan thiên nhiên, nên phải phát huy khai thác những tiềm năng, thế mạnh này. Cụ thể, cần nghiên cứu phát triển theo hướng du lịch tâm linh gắn với khu đền tháp, khi có sản phẩm hấp dẫn chắc chắn du khách sẽ đến và lưu lại.

“Dọc ven biển Hội An đã có du lịch cao cấp, có khu nghỉ dưỡng, có casino, có sân golf… bây giờ có thêm du lịch tâm linh trên này là phù hợp, phải kết nối du lịch giải trí cao cấp và du lịch tâm linh để giải quyết nhu cầu tâm linh cho khách. Đặc biệt, bên cạnh các mô hình lưu trú cộng đồng, du lịch cộng đồng cần phải thu hút được những nhà đầu tư lớn, đúng tầm, có tâm huyết, chuyên môn, có trình độ quản lý và phải có năng lực tài chính nhằm đầu tư hiệu quả vùng đệm Mỹ Sơn” - Phó Chủ tịch Trần Văn Tân gợi ý.

Theo Quyết định 1915 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Mỹ Sơn, khu vực cảnh quan di sản Mỹ Sơn có diện tích 1.158ha, ngoài 32ha vùng lõi còn lại là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ xung quanh di sản.

Ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên khẳng định, khai thác các giá trị bên ngoài di sản cũng chính là đảm bảo phát triển ổn định, bền vững tài nguyên rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và môi trường sinh thái xung quanh.

Chùa An Hòa nằm bên bờ hồ Thạch Bàn sẽ là điểm đến tâm linh bên ngoài di sản. Ảnh: V.L

Vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển vùng đệm gắn với du lịch sinh thái, tâm linh là hướng đi đang được địa phương tính tới. Thời gian qua Ban quản lý di tích Mỹ Sơn đã phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng phương án quản lý rừng bền vững khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn làm cơ sở để triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm khai thác có hiệu quả hệ sinh thái rừng và các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, cảnh quan, môi trường, phục vụ nhu cầu tham quan du lịch, nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.   

Vĩnh Lộc

 

Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Ngày 10/10/2022

Cùng chuyên mục