Hoạt động của ngành

Hòa Bình nỗ lực thúc đẩy ngành ''công nghiệp không khói'', hướng tới phát triển bền vững

Cập nhật: 12/10/2022 08:57:10
Số lần đọc: 784
Tỉnh Hòa Bình đã và đang khẩn trương lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nguyên tắc bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển bền vững của tỉnh; trong đó, lấy phát triển công nghiệp làm đột phá, phát triển du lịch làm mũi nhọn.

Mai Châu (Hòa Bình) luôn là điểm đến yêu thích của nhiều du khách - Ảnh minh họa

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn, phát triển bền vững là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng như của mọi quốc gia trên toàn thế giới.

Nhận thức được điều đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 36 ngày 26/3/2018 về triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững trên địa bàn. Cùng với đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã xác định mục tiêu phát triển bền vững là quan điểm xuyên suốt, bao trùm trên tất cả các lĩnh vực trong những năm tới.

Nhằm thực hiện hóa mục tiêu đó, tỉnh đã và đang khẩn trương lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nguyên tắc bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển bền vững của tỉnh; trong đó, lấy phát triển công nghiệp làm đột phá, phát triển du lịch làm mũi nhọn, phát triển nông nghiệp là nền tảng.

Phát triển bền vững ngành 'công nghiệp không khói' hậu COVID-19

Trở lại trạng thái bình thường mới, trong thời gian ngắn, hoạt động du lịch Hòa Bình đang có kết quả phục hồi ấn tượng. Các khu, điểm du lịch thu hút khách, nhất là trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và dịp nghỉ hè. Tính đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh đón 1.680.000 khách du lịch, đạt 65,1% kế hoạch năm. Trong đó, có 60.000 lượt khách quốc tế, 1.620.000 lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước 1.900 tỷ đồng, thực hiện 79,2% kế hoạch năm.

Đại dịch COVID-19 bùng phát suốt hơn 2 năm đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, thích ứng linh hoạt nhằm từng bước phục hồi hoạt động, các khu, điểm du lịch vừa tích cực nắm bắt xu hướng để đưa ra các dịch vụ, sản phẩm phù hợp, vừa đáp ứng đầy đủ các điều kiện an toàn dịch bệnh và cơ sở vật chất kỹ thuật.

"Phiên chợ vùng cao" luôn là chương trình du lịch đặc sắc tại các địa phương của tỉnh Hòa Bình - Ảnh minh họa

Bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn theo chỉ đạo chung của Chính phủ, tỉnh cũng khuyến khích các đơn vị thực hiện gói sản phẩm kích cầu đã công bố, đồng thời xây dựng, triển khai các gói kích cầu du lịch mới, giới thiệu gói sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng với giá hợp lý, kèm theo những ưu đãi và cam kết của nhà cung cấp dịch vụ theo chương trình du lịch trọn gói hoặc từng phần dịch vụ. Chủ động tăng cường liên kết hợp tác phát triển hoạt động du lịch giữa các doanh nghiệp du lịch của các tỉnh, thành phố trong cả nước để đưa khách về với Hòa Bình.

Các doanh nghiệp du lịch đã thực hiện đúng cam kết công bố trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc giảm giá nhưng không giảm chất lượng. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các chương trình khuyến mãi, ưu đãi, dịch vụ tăng thêm, tri ân khách hàng bằng nhiều hình thức, kết hợp các yếu tố thực hiện ứng xử văn minh, lịch sự, ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn thực phẩm và các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Vượt qua những thách thức, khó khăn, du lịch của tỉnh vẫn thu hút đáng kể khách đến tham quan, trải nghiệm. Năm 2021, tỉnh đón gần 1.479.000 lượt khách, trong đó có gần 48.600 khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt 1.513 tỷ đồng. Tỉnh là một trong số ít địa phương ở miền Bắc có lượng khách khá ổn định, hoạt động du lịch không bị ngừng trệ quá lâu do ảnh hưởng dịch bệnh.

Từ những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022, du lịch Hòa Bình đã tập trung ngay vào việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; phát triển các sản phẩm, dịch vụ; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để hoạt động du lịch mau chóng phục hồi. Tỉnh xúc tiến mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch an toàn trong trạng thái bình thường mới với 12 tỉnh, thành phố với phương châm "Liên kết, hành động và phát triển".

Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch) và 4 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5 đánh dấu bước phục hồi mạnh mẽ của du lịch Hòa Bình. Nhiều khu, điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng có công suất sử dụng phòng rất cao, đạt tỉ lệ lấp đầy phòng vào tất cả các ngày cuối tuần. Các bản làng du lịch cộng đồng của huyện Mai Châu, Lạc Sơn, Tân Lạc, Đà Bắc, Cao Phong nhộn nhịp đón khách nội địa và nhiều đoàn khách quốc tế.

Thông điệp "Du lịch Hòa Bình: Điểm đến an toàn - trải nghiệm trọn vẹn" được các địa phương, doanh nghiệp du lịch hưởng ứng. Tiêu biểu là ngay sau Hội nghị kích cầu du lịch tỉnh, TP. Hòa Bình đã hưởng ứng với sản phẩm trải nghiệm dù lượn mới mẻ tại xã Quang Tiến; huyện Mai Châu khởi động lại và duy trì "Phiên chợ vùng cao"; huyện Lạc Thủy với chương trình trải nghiệm hành trình du lịch tâm linh; huyện Tân Lạc khai trương sản phẩm du lịch mùa hè năm 2022 với công viên nước, tái hiện chợ phiên dân tộc Mường, khám phá các di tích, danh thắng trên Khu du lịch Hồ Hòa Bình…

Đặc biệt, trong tháng 5, với sự kiện SEA Games 31 có nội dung xe đạp tổ chức tại Hòa Bình, tỉnh đã triển khai chuỗi hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về du lịch, văn hóa địa phương với điểm nhấn là tuần lễ Phiên chợ vùng cao tỉnh Hòa Bình, tiếp đón và chào mừng đoàn vận động viên đến từ các nước Đông Nam Á tham gia tour trải nghiệm miễn phí tại điểm đến Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (huyện Cao Phong); tour thăm quan, du lịch trải nghiệm Khu du lịch Hồ Hòa Bình.

Vũ Phong

 

Nguồn: Báo Chính phủ - chinhphu.vn - Ngày đăng 09/10/2022

Cùng chuyên mục