Hoạt động của ngành

Gia Lai: Khai thác tiềm năng và tận dụng cơ hội để du lịch cất cánh

Cập nhật: 07/06/2021 08:27:42
Số lần đọc: 1265
Gia Lai có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Tuy nhiên, những năm qua, ngành Du lịch của tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Điều này cho thấy, để ngành “công nghiệp không khói” thực sự cất cánh cần phải có những giải pháp đúng đắn, phù hợp và hiệu quả. 

Thác 50 (Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang). Ảnh: Phan Nguyên

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Gia Lai có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, có diện tích tự nhiên 15.510,09 km2, đứng thứ 2 cả nước sau Nghệ An. So với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên thì Gia Lai có ưu thế bậc nhất về giao thông, tạo ra thế mạnh về liên kết vùng. Trên địa bàn có quốc lộ 14, 19, 25 nối Gia Lai với các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đak Lak,  Kon Tum. Thành phố Pleiku nối với các thành phố lớn như: Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột và các tỉnh của Campuchia, Lào như: Ratanakiri, Attapeu.

Liên kết vùng là yếu tố quan trọng để một địa phương phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, có thể trao đổi và liên kết các tour du lịch một cách hợp lý để tiết kiệm thời gian và chi phí, tạo được sự thoải mái, hài lòng đối với du khách. Đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với việc khai thác tiềm năng và lợi thế du lịch của các địa phương hay rộng hơn là các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Gia Lai sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, các điểm đến về di tích lịch sử, văn hóa đặc trưng, các điểm du lịch cộng đồng mà ít tỉnh nào có được như: Biển Hồ, Công viên Đồng Xanh, Công viên Diên Hồng, núi Hàm Rồng, chùa Minh Thành, Nhà lao Pleiku, nhà thờ Đức An, Bảo tàng tỉnh, Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), Nhà máy Thủy điện Ya Ly, Biển Hồ chè, núi lửa Chư Đang Ya, thác Công chúa, chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh), thác Phú Cường (huyện Chư Sê), hồ Thác Bà, thác Chín tầng, thác Lệ Kim, thác Mơr (huyện Ia Grai), Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Làng kháng chiến Stơr (huyện Kbang), hồ Ayun Hạ (huyện Phú Thiện), Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo...

Tuy có nhiều điểm du lịch phong phú và hấp dẫn nhưng ngành Du lịch Gia Lai vẫn còn phát triển khiêm tốn so với 2 tỉnh trong khu vực là Lâm Đồng và Đak Lak. Đơn cử như năm 2019 (trước khi dịch Covid-19 bùng phát), tỉnh Lâm Đồng đón hơn 7,6 triệu lượt khách tham quan, doanh thu du lịch đạt 12.888 tỷ đồng; tỉnh Đak Lak đón 950.000 lượt khách tham quan, doanh thu đạt 1.050 tỷ đồng thì con số này với Gia Lai lần lượt là 845.000 lượt khách và 510 tỷ đồng. Trong số này, Lâm Đồng có lợi thế so sánh vượt trội vì Đà Lạt là thành phố đã có trong bản đồ du lịch thế giới. Còn Đak Lak và Gia Lai có lợi thế so sánh tương đương, nếu phát huy được tiềm năng và lợi thế thì chúng ta sẽ nổi trội hơn. Nhưng những năm vừa qua, chúng ta chưa theo kịp đà phát triển của tỉnh bạn là do một số nguyên nhân. Cụ thể, tiềm năng về du lịch của Gia Lai rất lớn nhưng trong một thời gian dài, chúng ta chưa quan tâm đầu tư và phát triển đúng mức. Bên cạnh đó, để có một nhận thức sâu sắc về ngành “công nghiệp không khói”, các ngành, địa phương trong tỉnh và các tầng lớp nhân dân ở những vùng có địa điểm du lịch chưa có sự đầu tư khai thác đúng mức để phát huy hiệu quả, giống như người ở trên mỏ vàng nhưng vẫn loay hoay với từng bữa ăn vì chưa tìm được người để bán. Một nguyên nhân nữa là do nhận thức sơ sài nên trong thời gian dài, chúng ta chưa đầu tư đúng mức cho các điểm đến, như một vài doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên có chỉ ra: Ngay cả bảng tên của địa điểm du lịch thì chữ quá nhỏ nên khi du khách chụp hình không biết đây là địa điểm du lịch nào. Chúng ta cũng có nhiều địa điểm du lịch đẹp, trong đó có một số điểm mang tầm vóc quốc gia như: Quảng trường Đại Đoàn Kết nhưng chưa tạo điểm nhấn để thu hút được nhiều khách đến tham quan. Ở Quảng trường có nhiều công trình đặc sắc nhưng chúng ta không đặt bảng để tạo sự trang trọng như: tượng Bác Hồ là tượng bằng đồng cao nhất Việt Nam; bức phù điêu bằng đá cũng đạt kỷ lục quốc gia... Bức thư của Bác Hồ gửi các dân tộc Tây Nguyên khắc trên đá cũng là duy nhất của Việt Nam. Quảng trường Đại Đoàn Kết có lẽ cũng là quảng trường đẹp nhất Việt Nam. Nếu du khách chụp hình lưu niệm bên những tượng đài có giá trị đạt kỷ lục trong nước, quốc tế thì sẽ làm cho tấm ảnh có giá trị hơn, làm cho chuyến du lịch càng thêm có ý nghĩa và đáng nhớ. 

Để du lịch cất cánh

Gia Lai đang sở hữu một tài sản vô giá do thiên nhiên ban tặng và các thế hệ cha ông để lại. Nếu chúng ta biết nhìn ra ngoài để suy ngẫm lại mình thì ngành Du lịch của tỉnh sẽ tăng tốc có bước đột phá và vượt mốc 2,1 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng khách bình quân đạt 16,8%, tổng doanh thu đạt 1.400 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 18,6% đến năm 2025. Những chỉ tiêu này so với các tỉnh trong khu vực và tiềm lực của chúng ta thì không khó để đạt được nhưng với năng lực hiện tại thì cũng không dễ. Do đó, trong thời gian tới, chúng ta cần có những giải pháp sau:

Một là hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, đa dạng hóa các hình thức đầu tư và các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Hai là xây dựng các đề án phát triển du lịch từ tỉnh đến từng địa phương có các sản phẩm du lịch.

Ba là đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng như: Biển Hồ, núi lửa Chư Đang Ya, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng...; đầu tư sân golf gắn với một số dự án ở vùng trọng điểm như thác Phú Cường. Đồng thời, phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ cộng đồng như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm và du lịch canh nông ở các nông trường chè, cà phê, cao su, chuối, chanh dây... 

Bốn là xây dựng các chương trình du lịch nội tỉnh; đẩy mạnh khai thác các chương trình du lịch nội địa ở các thị trường truyền thống như TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, vùng duyên hải miền Trung; tiếp tục mở rộng thị trường khách du lịch nội địa ra các tỉnh, thành phố phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng...; mở rộng thị trường thu hút khách quốc tế. Các cơ quan quản lý chuyên ngành như Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, các hiệp hội tiếp tục đưa hình ảnh du lịch Gia Lai đến các thành phố lớn trong nước và các nước lân cận bằng nhiều hình thức nhằm khai thác thị trường mới, góp phần nâng cao quảng bá hình ảnh du lịch Gia Lai.

Năm là kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các loại hình du lịch mới, hấp dẫn như sân golf kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng…

Sáu là đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy phát triển du lịch trên cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về phát triển du lịch, tăng cường triển khai đồng bộ “Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch”. Qua đó, nâng cao ý thức mọi người, các doanh nghiệp trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch. Phải thường xuyên ngăn ngừa và tránh những việc làm thiếu cẩn trọng làm mất hình ảnh của ngành Du lịch Gia Lai trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế. Chúng ta phải lấy đạo đức trong kinh doanh làm mốc, tránh một “con sâu làm rầu nồi canh”.

Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, sự lãnh đạo sát sao của UBND tỉnh và sự nắm bắt thời cơ vận hội của các sở chuyên ngành, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực vươn lên của các địa phương có tiềm năng về du lịch, sự sáng tạo chuyên nghiệp của các công ty du lịch, lữ hành… chắc chắn sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đưa ngành Du lịch Gia Lai phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với tiềm năng và lợi thế của mình./.

Ts. Lê Đức Tánh

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục