Hoạt động của ngành

Kiên Giang: Phát triển sản phẩm du lịch ban đêm

Cập nhật: 04/06/2021 08:18:29
Số lần đọc: 648
Triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020; Tổng cục Du lịch đã có dự thảo “Đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm tại Việt Nam”.

Chợ đêm Phú Quốc GrandWorld.

Với mục tiêu xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đêm đặc sắc, đa dạng, đồng bộ, chất lượng trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch đêm ở Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và khách du lịch nhằm thúc đẩy Du lịch Việt Nam phát triển, góp phần đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Về định hướng phát triển, Đề án xác định phát triển sản phẩm du lịch đêm với nhiều hình thức như: khu tổ hợp vui chơi giải trí đêm riêng biệt, chợ đêm, phố đi bộ, phố ẩm thực, ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, tham quan trải nghiệm của du khách về đêm...với 5 mô hình cơ bản như: Mô hình sản phẩm du lịch kết hợp giải trí đêm, mô hình sản phẩm du lịch kết hợp ẩm thực, mô hình sản phẩm du lịch kết hợp mua sắm, mô hình sản phẩm du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, mô hình sản phẩm du lịch trải nghiệm tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng, danh lam, thắng cảnh về đêm.

Hiện nay, kinh tế ban đêm ở nước ta mới chỉ dừng lại ở chợ đêm và phố đi bộ, cửa hàng tiện lợi mà chưa có sản phẩm giải trí đa dạng. Một số địa phương đã tổ chức hoạt động kinh tế ban đêm nhưng thiếu sản phẩm du lịch đủ sức thu hút du khách, ví dụ như không có khu thương mại mua sắm xuyên đêm…; thời gian qua, việc phát triển kinh tế ban đêm đang gặp khó khăn bởi nhiều vướng mắc về chính sách. Một số địa phương lo ngại, phát triển hoạt động kinh tế ban đêm sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Cùng với các hoạt động du lịch ban ngày, các hoạt động du lịch ban đêm và sản phẩm du lịch đêm ở nước ta trở nên khá sôi động từ nhiều năm nay tại một số đô thị và trung tâm du lịch lớn của cả nước. Các loại hình, sản phẩm du lịch đêm diễn ra dưới hình thức khu phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực đêm, chợ đêm, quán bar, cafe, rạp chiếu phim, vũ trường, một số hoạt động nghệ thuật, giải trí trong và ngoài đường phố... vào ban đêm.

Mặc dù có được những kết quả bước đầu, nhưng nhìn chung sản phẩm du lịch đêm còn tương đối đơn điệu, nghèo nàn, thiếu tính đặc sắc, chưa phát triển như mong muốn do các quy định bất cập về thời gian hoạt động của các dịch vụ vui chơi giải trí đêm, thiếu quy hoạch không gian riêng cho sản phẩm du lịch đêm, thiếu các cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đêm, nhận thức tư duy về phát triển sản phẩm du lịch đêm cũng còn hạn chế.

Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu, đẩy ngành du lịch rơi vào khủng hoảng trầm trọng với mức thiệt hại rất lớn, khiến nhiều doanh nghiệp, hãng hàng không, khách sạn, lữ hành rơi vào tình trạng rất khó khăn; hoạt động du lịch quốc tế tiếp tục bị gián đoạn chưa xác định được thời gian hoạt động trở lại bình thường, ngành Du lịch sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Phát triển sản phẩm du lịch đêm là giải pháp làm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tăng khả năng chi tiêu, thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa, góp phần “cứu cánh’’ cho ngành Du lịch trong giai đoạn hiện nay.

Trước đó, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”; trong đó, cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở một số thành phố/trung tâm lớn nơi có đông lượng khách du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc./.

Trần Linh

 

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang

Cùng chuyên mục