Gìn giữ nghề dệt zèng truyền thống ở A Lưới
Có được điều đó, một phần là nhờ nghề dệt zèng (thổ cẩm). Mặc dù cho thu nhập chưa cao, nhưng nghề dệt zèng rất ổn định, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở huyện miền núi A Lưới.
Người dân xã A Roàng, huyện A Lưới với nghề dệt zèng truyền thống. (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Bà Mai Thị Hợp, Tổ trưởng tổ dệt zèng ở thị trấn A Lưới, huyện A Lưới cho biết: “Nghề dệt zèng là nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân tộc Tà Ôi. Trải qua hàng trăm năm, được người dân địa phương gìn giữ và lưu truyền, họ tự tìm kiếm nguyên liệu và thiết kế mới để dệt nên những tấm zèng đa màu sắc với hoa văn, họa tiết độc đáo, đường nét tinh xảo. Sản phẩm zèng được tiêu thụ ở nhiều địa phương như: Nam Đông (Thừa Thiên Huế); Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam); Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị); Hòa Phú, Hòa Bắc (Đà Nẵng)...
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những sản phẩm dệt zèng trước đây được làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu của người dân. Hiện nay, với nhiều sản phẩm phong phú như khăn, túi, khố... đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, đi kèm kỹ thuật gắn hạt cườm tạo nên vẻ đẹp độc đáo, được khách du lịch ưa chuộng. Huyện A Lưới hiện đã hình thành nhiều hợp tác xã sản xuất quy mô lớn như ở thị trấn A Lưới, xã Phú Vinh, xã Nhâm, xã A Roàng... Một số bản làng gần như 100% hộ dân đều tham gia dệt zèng.
Ông Bùi Viết Dũng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện A Lưới cho biết: “Để nghề dệt zèng truyền thống không bị mai một, chúng tôi đã xây dựng Dự án "Bảo tồn và phát triển nghề dệt zèng thổ cẩm đồng bào dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới giai đoạn 2019-2021". Việc xây dựng và triển khai dự án sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Việc bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống không chỉ góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo bền vững mà còn giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tà Ôi. Tháng 1-2017, nghề dệt zèng nơi đây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”.
Bài và ảnh: Hồ Hiền