Người lưu giữ nghệ thuật kiến trúc nhà gỗ truyền thống
Nghệ nhân Vũ Hồng Phong bên cạnh công trình nhà gỗ giả cổ do ông thiết kế, chỉ đạo xây dựng.
Nghệ nhân Vũ Hồng Phong, sinh năm 1961, vốn quê ở xóm 1, xã Xuân Phương (Xuân Trường) - làng nghề chuyên sản xuất, buôn bán các sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ, sau này ông mới chuyển đến xã Xuân Ngọc. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề mộc. Cha của ông là cố nhà giáo, họa sĩ Vũ Minh Yết. Từ nghề gia truyền của gia đình, đặc biệt, sự định hướng của người cha đã khơi gợi, nuôi dưỡng niềm đam mê, tình yêu nghề mộc của ông Phong. Ngay từ nhỏ, tiếng chàng, tiếng đục đã in sâu vào tiềm thức của ông. Cần mẫn cóp nhặt kinh nghiệm từ cha ông nên từ khi 10 tuổi, ông Phong đã có thể tự tay đục chạm, điêu khắc được các sản phẩm gỗ đơn giản. Người thầy dạy mỹ thuật đầu tiên của ông là linh mục, họa sĩ Đinh Ngọc Trác. Bằng những kiến thức mỹ thuật được truyền dạy từ người thầy, người cha và kinh nghiệm trong những năm làm thợ tại chính xưởng mộc của gia đình, ông Phong rất hứng thú với các nét họa tiết hoa văn, chạm trổ mềm mại, mang đậm nét văn hóa Á Đông truyền thống. Năm 1979, ông Phong thi đỗ Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trong những năm tháng sinh viên, ông tình nguyện tham gia quân ngũ. Vào quân đội, với tài năng nghệ thuật của mình, ông trở thành “phóng viên” ảnh của Báo Binh đoàn Hương Giang, rồi xưởng họa trong Quân đoàn 2. Cuối năm 1984, tốt nghiệp đại học trở về quê hương, ông Phong mở một lớp dạy mỹ thuật điêu khắc ở xã Xuân Ngọc để truyền nghề cho thế hệ trẻ. Với tài năng của mình, ông Phong đã giành được nhiều giải thưởng. Năm 1982, ông đoạt giải Nhất toàn quân của cuộc thi ảnh Báo Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1983, ông vinh dự nhận Bằng Nghệ nhân điêu khắc với tác phẩm “Tình quân dân Việt Nam”. Tác phẩm ca ngợi những đóng góp, hy sinh của các chiến sĩ Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) và Mẹ Suốt - nữ Anh hùng Lao động trong chiến tranh Việt Nam, người lái đò chở bộ đội, thương binh, đạn dược qua sông Nhật Lệ trong những năm 1964-1967.
Nghệ nhân Vũ Hồng Phong chia sẻ: “Những năm đầu sau khi đất nước hòa bình, kinh tế còn nhiều khó khăn, nghề mộc khó có “đất sống”. Các sản phẩm chạm trổ thủ công mỹ nghệ ít người đặt hàng. Tôi luôn trăn trở với suy nghĩ làm sao để gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của quê hương. Đó không chỉ là trách nhiệm kế thừa di sản của ông cha để lại mà nghề mộc còn là nghề chính nuôi sống gia đình tôi lúc bấy giờ”. Trải qua những khó khăn ban đầu, bằng tình yêu nghề, sự sáng tạo trong lao động, tài năng của nghệ nhân Vũ Hồng Phong được nhiều người ghi nhận, những sản phẩm điêu khắc gỗ của ông được nhiều người biết đến. Với phương châm “Lấy công nuôi nghề, lấy nghề làm nghiệp”, ông Phong đã thử sức mình khi đứng ra nhận thầu nhiều công trình làm nhà gỗ. Với tâm niệm “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, học các thế hệ cha ông đi trước, học những người đồng nghiệp, 50 năm gắn bó với nghề cũng là bấy nhiêu thời gian ông lặn lội tìm đến nhiều địa phương có nghề mộc để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm làm nhà gỗ, trau dồi kỹ năng, kiến thức và nâng cao tay nghề phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Đến nay, nghệ nhân Vũ Hồng Phong đã dựng, phục dựng được hàng trăm ngôi nhà gỗ cổ, giả cổ ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Nghệ An...
Ở Việt Nam, hiện ông Phong là một trong số ít nghệ nhân nắm giữ nhiều bí quyết, kỹ năng chạm khắc tinh xảo trên gỗ. Ông có khả năng tự sáng tác, hoàn thiện được nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Từ những khúc gỗ thô kệch, qua đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, nghệ nhân Vũ Hồng Phong đã tạo được rất nhiều sản phẩm đa dạng, từ những bức hoành phi, câu đối, cửa, cột trụ… đến đồ nội thất: sập gụ, giường, tủ chè, bàn ghế, tranh gỗ… Các sản phẩm gỗ của ông được làm hết sức tỉ mỉ, cầu kỳ, từ chế tác, lựa chọn nguyên liệu đến chạm khắc, đánh bóng và hoàn thiện. Theo nghệ nhân Vũ Hồng Phong, người làm nhà gỗ phải có cái “tâm” - “tâm” để giữ “tín”, giữ “danh” và để giữ nghề. Bởi khác với xây dựng nhà gạch, chủ nhà có thể tự mua nguyên vật liệu, thuê thiết kế, giám sát thi công nhưng với nhà gỗ, tất cả các công đoạn trên đều do nghệ nhân đảm nhận. Việc dựng, phục dựng nên một nếp nhà gỗ cổ, giả cổ 5 gian, 3 gian đều phải qua nhiều công đoạn, từ lựa chọn nguyên vật liệu, loại gỗ cho ngôi nhà, tạo hình, thiết kế, chọn tích điêu khắc trang trí… đến gia công đục đẽo, hoàn thiện dựng, phun sơn và cuối cùng là cất nóc, đều đòi hỏi phải công phu, kỹ lưỡng. Một ngôi nhà cổ truyền thống của người Việt xưa được coi là đẹp phải có đủ các hàng chân (36 cột cho nhà 5 gian, 18 cột cho nhà 3 gian). Các họa tiết hoa văn phải sắc nét tinh xảo. Khi nhìn vào một ngôi nhà gỗ, khách có thể “đọc” được gia thế của chủ nhà. Những ngôi nhà chạm khắc “tứ linh” (long, ly, quy, phượng) thường là những gia đình, dòng họ có nhiều người đỗ đạt cao, có địa vị trong xã hội. Những ngôi nhà khắc “tứ quý” (tùng, cúc, trúc, mai) thường là những gia đình giàu có. Một số ngôi nhà bình dân thường chỉ đục chạm hình tượng trong tranh Đông Hồ như: đàn lợn âm dương, vượt vũ môn, hái dừa… Đối với nghệ nhân Vũ Hồng Phong, làm nhà gỗ không chỉ đơn thuần là đục đẽo, chạm khắc lên gỗ mà đòi hỏi người nghệ nhân phải có kiến thức về xây dựng, am hiểu về mỹ thuật, phong thủy để tạo nên những ngôi nhà gỗ vững chãi, phù hợp với cung mệnh, nghề nghiệp của gia chủ. Ngày nay, với sự pha trộn, đan xen không gian văn hóa, nghệ nhân Vũ Hồng Phong không chỉ dừng lại ở việc giữ gìn, phát huy đường nét tinh hoa của nghề mộc xưa, mà còn nâng tầm phát triển nghề truyền thống của cha ông lên một tầm cao mới, tạo ra các tác phẩm vừa mang dáng vẻ vừa cổ kính vừa hiện đại.
Đối với nghệ nhân Vũ Hồng Phong, dù xây dựng các công trình nhà gỗ hay các công trình tâm linh đều có sự đầu tư công phu về trí tuệ, nghiên cứu sâu rộng về văn hóa, tín ngưỡng để mỗi công trình là một tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn lịch sử. Ông đã tham gia thiết kế, tu bổ, tôn tạo nhiều hạng mục, nội thất cho nhiều công trình tín ngưỡng tôn giáo trong tỉnh như: Nhà thờ Khoái Đồng (thành phố Nam Định), Nhà thờ Bùi Chu (Xuân Trường), Nhà thờ An Lãng (Trực Ninh)… Không chỉ là người lưu giữ giá trị nghệ thuật truyền thống qua các công trình kiến trúc gỗ, nghệ nhân Vũ Hồng Phong còn là hội viên tích cực của Hội Cổ vật Thăng Long (Hà Nội), Hội Cổ vật Thiên Trường, Hội Sinh vật cảnh (Nam Định) với nhiều sản phẩm có giá trị. Điều đáng trân trọng ở nghệ nhân Vũ Hồng Phong là dù bận rộn với nhiều công trình lớn, nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian và tâm huyết để đào tạo, dạy nghề và truyền nghề thành công cho các thế hệ kế tiếp. Hiện ông đã tạo lập được 2 cơ sở nghề mộc tạo việc làm cho hơn 50 lao động là người dân địa phương và các vùng lân cận, đảm bảo việc thường xuyên với thu nhập ổn định từ 7-10 triệu đồng/người/tháng.
Với những đóng góp của mình, nghệ nhân Vũ Hồng Phong vinh dự được phong tặng các danh hiệu: “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” năm 2016; “Nghệ nhân quốc gia” năm 2020; Bảng vàng lưu danh Nghệ nhân tiêu biểu Đông Nam Á - Việt Nam năm 2021. Những công trình kiến trúc nhà gỗ độc đáo, tinh xảo mang đặc trưng văn hóa dân tộc của nghệ nhân Vũ Hồng Phong sẽ còn sống mãi với thời gian./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng