Non nước Việt Nam

Gốm Hương Canh – Đối thoại giữa truyền thống và hiện đại

Cập nhật: 08/01/2024 15:34:05
Số lần đọc: 611
Triển lãm “Gốm Hương Canh - Đối thoại giữa truyền thống và hiện đại” đã khai mạc ngày 5/1, tại Phòng Nghệ thuật, Nhà xuất bản Hội Nhà văn (65 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đây là triển lãm đầu tiên, quy mô chuyên về một làng gốm, có vựng tập giới thiệu chi tiết từng tác giả.


Nghệ nhân Giang Thị Nhạn của làng gốm Hương Canh. Ảnh: vietnamplus.vn

Triển lãm trưng bày gần 100 tác phẩm gốm và gốm điêu khắc trên chất liệu gốm thủ công làng nghề truyền thống Hương Canh (Vĩnh Phúc) của 9 nghệ sỹ, nghệ nhân. Đó là nhà điêu khắc Lê Ngọc Hân (giảng viên Trường Đại học Công nghiệp), họa sỹ – nhà điêu khắc Nguyễn Lưu, các họa sỹ Lê Thiết Cương, Lê Ngọc Ly, Nguyễn Thị Lan Hương, nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Quang, cùng các nghệ nhân của làng nghề là Giang Thị Nhạn, Nguyễn Giang Anh, Nguyễn Thị Hằng. Trong đó, nghệ sỹ cao tuổi nhất là nhà điêu khắc Lê Ngọc Hân (90 tuổi); nghệ nhân cao tuổi nhất là bà Giang Thị Nhạn (73 tuổi).

Theo họa sỹ Lê Thiết Cương, triển lãm “Gốm Hương Canh - Đối thoại giữa truyền thống và hiện đại” có nhiều ý nghĩa. Đó là một triển lãm quy mô lần đầu tiên tổ chức ở Hà Nội, kết nối các thế hệ nghệ nhân và nghệ sỹ. Và quan trọng nhất, như tên gọi “Gốm Hương Canh - Đối thoại giữa truyền thống và hiện đại”, đây là cuộc trò chuyện giữa truyền thống và hiện đại. Những chum tương, ấm sắc thuốc, vại muối dưa, lon giã cua của Hương Canh truyền thống đối thoại với gốm Hương Canh mới và khác. Vẫn Hương Canh ấy nhưng là một Hương Canh mới của tinh thần trang trí, hội họa (khắc vạch) và gốm - điêu khắc.

“Triển lãm này là một lời nhắc về việc bảo tồn di sản, làng nghề, câu chuyện về công nghiệp văn hóa, liên kết giữa nghệ nhân và nhà thiết kế, nghệ sỹ, làng nghề với du lịch khám phá trải nghiệm. Đồng thời, triển lãm cũng là một cách thức để bảo tồn truyền thống bằng nghệ thuật hiện đại, làm cho truyền thống sống được trong đời sống hiện đại - đó là cách bảo tồn bền vững nhất… ”, họa sỹ Lê Thiết Cương nói.

Triển lãm “Gốm Hương Canh - Đối thoại giữa truyền thống và hiện đại” kéo dài đến hết ngày 12/1/2024.

Làng gốm sành (không men) Hương Canh, xã Tam Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc là vùng gốm lâu đời. Thổ nhưỡng tự nhiên nơi đây đã làm nên nước da nâu cháy mộc mạc khỏe khoắn rất riêng của gốm sành Hương Canh. Làng có đền thờ một tướng giỏi - tên là Trịnh Xuân Biền, ông và bà thiếp Bùi Thị Ái là tổ nghề của làng.

Tác phẩm "Bình rồng" của nghệ nhân Giang Thị Nhạn. Ảnh: anninhthudo.vn

Nghệ nhân Giang Thị Nhạn là thợ chuốt gốm ở Hương Canh. Bà được thừa kế tinh hoa nghề truyền thống từ người cha là cụ Giang Văn Tụ - thợ bậc thầy trong ngành đun đốt của hợp tác xã. Bà là người trong Tổ mặt hàng mới của Hợp tác xã gốm (Tam Đồng) khi xóa bỏ bao cấp. Năm 1994, nghệ nhân Giang Thị Nhạn cùng chồng và con mở lại nghề gốm truyền thống tại gia đình với mặt hàng chủ yếu là gốm dân dụng như chum, vại, tiểu sành… Bà đã truyền nghề cho nhiều thợ trẻ về cách chuốt, tạo hình trên gốm.

Phương Lan

Nguồn: Báo ảnh Dân tộc và Miền núi - dantocmiennui.vn - Đăng ngày 05/01/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT