Hà Giang bảo tồn làng nghề gắn với phát triển du lịch
Nghệ nhân chế tác Khèn
Hiện toàn tỉnh Hà Giang có gần 40 làng nghề đã được công nhận với gần 2 nghìn hộ dân tham gia sản xuất. Nhiều nghề thủ công truyền thống gắn với sinh hoạt văn hóa đặc sắc đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia như: chế tác khèn, thêu dệt vải lanh của người Mông, nghề làm giấy bản của người Dao, nghề chạm bạc của người Nùng, làm nón hai mê của người Tày... Đôi bàn tay tài hoa của người thợ không chỉ tạo nên các vật dụng phục vụ nhu cầu của đời sống và lao động sản xuất mà còn làm giàu thêm tinh hóa văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc, cần được giữ gìn và bảo tồn.
Hiện toàn tỉnh Hà Giang có gần 40 làng nghề đã được công nhận với gần 2 nghìn hộ dân tham gia sản xuất
Các nghề thủ công truyền thống thể hiện tư duy thẩm mỹ và trình độ chế tác tinh tế của người thợ. Tuy nhiên hiện nay, với sự phát triển của xã hội, nhiều làng nghề đứng trước nguy cơ mai một. Tại Hà Giang, một hướng đi cho làng nghề thủ công truyền thống đã được vạch ra: Bảo tồn làng nghề gắn với phát triển du lịch. Nhờ tính độc đáo, mang đậm nét giá trị truyền thống, văn hóa bản địa, du khách luôn cảm thấy sự khác biệt khi có dịp đến tham quan, tìm hiểu, được tận mắt chứng kiến và trải nhiệm quy trình sản xuất, cũng như lựa chọn mua sản phẩm.
Hà Giang thực hiện bảo tồn làng nghề gắn với phát triển du lịch
Độc đáo và bản sắc, làng nghề thủ công truyền thông đang chứng tỏ là một tài nguyên đặc biệt trong phát triển du lịch. Cũng từ du lịch, tiềm năng phát triển mới được mở ra nhờ sự kết nối, lan tỏa mạnh mẽ của du khách. Nhiều nghệ nhân dệt lanh, chế tác khèn, dệt thổ cẩm, đan lát... đã bán được sản phẩm của mình ra thị trường trong nước và thậm chí là cả quốc tế. Những tấm vải, chiếc khèn có giá lên tới vài chục triệu đồng là điều không hiếm. Đó đồng thời cũng là sợi dây kết nối, là lời mời gọi du khách tới khám phá và trải nghiệm những nét độc đáo của mảnh đất xinh đẹp và bản sắc Hà Giang.
Bích Hòa