Hoạt động của ngành

Hà Giang: Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số

Cập nhật: 10/07/2019 10:24:26
Số lần đọc: 1016
Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) chứa đựng kho tàng văn hóa đa dạng, độc đáo. Do đó, những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS luôn được tỉnh ta chú trọng; nhiều chính sách đã phát huy hiệu quả, góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.


Người Tày, xã Ngọc Long (Yên Minh) giữ gìn nghề thêu, dệt truyền thống.

Tỉnh ta hiện có trên 833 nghìn người, trong đó DTTS chiếm 87,2% và có 5 DTTS ít người là: Pà Thẻn, Lô Lô, Pu Péo, Cờ Lao và Bố Y. Đời sống sinh hoạt gắn với phương thức canh tác riêng có đã tạo ra cho mỗi dân tộc những nét văn hóa đặc sắc trong nghi lễ, trang phục, lễ hội truyền thống. Trong thời đại hội nhập kinh tế, văn hóa diễn ra mạnh mẽ, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS càng trở nên quan trọng, cấp thiết hơn bao giờ hết.  Triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về công tác văn hóa dân tộc, việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống đối với vùng đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh được chú trọng. Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và đồng bào các dân tộc được nâng lên; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng. 

Là một trong những DTTS chiếm 32,9% dân số, đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh, với bản sắc văn hóa phong phú, như: Nghệ thuật chế tác, biểu diễn khèn; múa hát, dân ca, chữ viết riêng, có nhiều trò chơi dân gian cùng nhiều đặc sắc trong nghệ thuật thêu, dệt lanh, ẩm thực… Xuất phát từ tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của các DTTS, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 09, ngày 21/4/2017 về bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông, giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030. Với mục tiêu, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa đặc trưng, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Mông trên địa bàn. Sau hơn 2 năm thực hiện, đề án đã nhận được sự đồng thuận, triển khai tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân. Công tác khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc Mông được đẩy mạnh. Nâng cao nhận thức, từng bước loại bỏ các hủ tục, gìn giữ được tiếng nói, chữ viết. Các Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông được xây dựng,  phát triển các làng nghề, nghề truyền thống…

Thực tế cho thấy, trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, vai trò của người có uy tín rất quan trọng. Đây là lực lượng quan trọng để trực tiếp tuyên truyền, vận động, giáo dục cộng đồng và các thế hệ DTTS nhận thức được nét đẹp và những tác động tích cực của các giá trị văn hóa trong đời sống. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm chung tay giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương. Do vậy, các chế độ chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm thực hiện đúng quy định. Bên cạnh đó, các cấp, ngành có liên quan đẩy mạnh thực hiện một số chính sách đặc thù đối với người DTTS ít người, như: Đề án phát triển KT-XH vùng dân tộc Cờ Lao; Dự án hỗ trợ, phát triển dân tộc Pu Péo... Qua đó, các chính sách đã phát huy hiệu quả thiết thực trong ổn định cuộc sống, phát triển đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Mặt khác, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có nhiều việc làm, giải pháp khuyến khích duy trì và khôi phục một số nét đẹp văn hóa cũng như loại bỏ các hủ tục trong cộng đồng. Hình thành và duy trì hiệu quả các Hội Nghệ nhân dân gian để người DTTS được tham gia sinh hoạt. Bên cạnh đó, hoạt động phục dựng, bảo tồn và duy trì các lễ hội truyền thống được quan tâm, như: Lễ hội Mừng năm mới của dân tộc Giáy, Lễ Cấp sắc của người Dao, nghi lễ Then của dân tộc Tày… Thông qua đó, nhân lên các giá trị tốt đẹp trong đời sống, tăng cường tình đoàn kết, gắn kết cộng đồng.

Văn hóa là nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực cho sự phát triển. Làm tốt công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS đã góp phần tạo nên tính bền vững của các giá trị văn hóa, tạo nên bản sắc riêng cho mỗi dân tộc. Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa DTTS sẽ góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào; nâng cao đời sống tinh thần, tạo sự đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước./.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục