Hoạt động của ngành

Hà Giang: Thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng

Cập nhật: 22/01/2021 09:22:34
Số lần đọc: 734
Tỉnh Hà Giang xác định phát triển du lịch (DL) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó, phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) là giải pháp thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói”, đưa vùng đất biên cương cực Bắc trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Du khách tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô ở Mèo Vạc.
 
Vùng đất địa đầu Tổ quốc có nhiều di sản về địa chất, kiến trúc, danh lam thắng cảnh cùng những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh, tỉnh ban hành nhiều văn bản thể hiện rõ chủ trương, quan điểm, chính sách trong phát triển DLCĐ dưới mô hình làng văn hóa DL tiêu biểu gắn với xây dựng NTM và dược liệu theo tuyên bố Panhou ngày 7/2/2012. Đến nay, toàn tỉnh có 13 làng/9 huyện, thành phố được UBND tỉnh công nhận làng văn hóa DL tiêu biểu. Việc phát triển các làng văn hóa DLCĐ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, thúc đẩy phát triển KT – XH. Người dân có ý thức bảo tồn văn hóa, tài nguyên DL; các làng nghề truyền thống dần được khôi phục và bảo tồn, cảnh quan môi trường tự nhiên được cải thiện; chỉnh trang khuôn viên, nhà ở, vệ sinh môi trường sạch sẽ; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
 
Quản Bạ - một trong những địa phương triển khai hiệu quả việc xây dựng làng văn hóa DLCĐ gắn với phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, làng nghề, các nghề thủ công truyền thống, mời gọi thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng DL, dịch vụ. Đến nay, huyện xây dựng 31 homestay tại Làng văn hóa DLCĐ thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ; xây dựng làng văn hóa DLCĐ gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM; qua đó, cải thiện cảnh quan môi trường; các hộ làm dịch vụ lưu trú chỉnh trang tường rào, mở rộng đường vào nhà, làm sân để xe, di dời chuồng trại ra xa nhà ở; vận động các hộ mua sắm trang thiết bị, trang trí, trưng bày các sản phẩm văn hóa tại gia đình; trồng cây cảnh quan tạo điểm nhấn thu hút khách DL; thu nhập bình quân các hộ làm dịch vụ DL homestay đạt 50 – 100 triệu đồng/năm, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho nhân dân.
 
Đồng chí Sèn Thăng Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết: Để thúc đẩy DL, huyện chú trọng bảo tồn và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, HTX dược liệu được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa chuộng, như: Sản phẩm dệt lanh của dân tộc Mông xã Lùng Tám, Cán Tỷ; rượu ngô men lá Thanh Vân; dược liệu Nặm Đăm, xã Quản Bạ; dược liệu, mật ong Thanh Long, xã Thanh Vân. Đồng thời, tích cực khôi phục và tổ chức các lễ hội truyền thống của dân tộc Mông, Tày, Dao, Nùng, Bố Y… phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân và thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.
 
Thực tế cho thấy, ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh còn vướng không ít rào cản, do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm và chủ động triển khai; nhận thức của người dân về vai trò DL trong phát triển kinh tế còn hạn chế, chậm tiếp xúc các thông tin; kinh phí xây dựng làng văn hóa tiêu biểu chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; chưa khai thác được không gian làng nghề truyền thống; chưa xây dựng được sản phẩm DL đặc trưng; một số chuồng trại chăn nuôi gia súc để gần nhà; khu vệ sinh chưa đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ DL; thiếu các kỹ năng phục vụ, giao tiếp với khách nước ngoài; một bộ phận nhân dân trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước; chưa thành lập được HTX liên kết cung ứng thành chuỗi dịch vụ khép kín; hạn chế trong việc khai thác tài nguyên văn hóa thành sản phẩm DL…
 

Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc).
 
Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Triệu Thị Tình chia sẻ: Nhằm thúc đẩy DL và DLCĐ, tỉnh đề cao sự tham gia của người dân và đưa người dân trở thành chủ thể phát triển DL. Đồng thời, liên kết chặt chẽ về quyền lợi, nghĩa vụ giữa Nhà nước, người dân tham gia làm DL, doanh nghiệp DL và nhà tư vấn. Các ngành phối hợp với địa phương tổ chức đào tạo, định hướng cho người dân làm DLCĐ; hỗ trợ người dân làm DLCĐ thông qua các hình thức ưu đãi vay vốn ngân hàng; xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ DL. Phát triển DLCĐ gắn với những nét văn hóa đặc trưng của địa phương, hạn chế sự trùng lặp, sản phẩm DL giống nhau; coi trọng chất liệu truyền thống để xây dựng các sản phẩm DLCĐ; nâng cao chất lượng tuyên truyền, thay đổi nhận thức người dân về xây dựng các làng văn hóa DLCĐ và các sản phẩm DL.
 
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định đột phá về phát triển DL; đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế; trong đó, phát triển DLCĐ, gắn với phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, sản phẩm nông nghiệp đặc thù, các làng nghề thủ công truyền thống với phát triển DL, DLCĐ homestay; hình thành chuỗi kết nối đến nông thôn. Hiện thực hóa mục tiêu đó, tỉnh tập trung đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân trong công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; cải tạo cảnh quan môi trường, từ phải làm thành muốn được làm để nâng cao đời sống cho chính mình. Đào tạo kỹ năng giao tiếp, nắm bắt tâm lý du khách, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên DL và các hộ làm dịch vụ lưu trú homestay, làng nghề truyền thống đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách.
 
“Tỉnh đang hướng đến phát triển các dịch vụ mới phục vụ du khách; mở rộng các sản phẩm cho du khách trải nghiệm; xây dựng cơ chế, chính sách về bảo tồn văn hóa truyền thống, kiến trúc nhà ở; lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng DL tại các làng văn hóa DLCĐ; quảng bá tiềm năng, sản phẩm, tài nguyên DL nhằm thu hút du khách, góp phần phát triển KT – XH, nâng cao hình ảnh DLCĐ của tỉnh” – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Triệu Thị Tình cho biết thêm.
 
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục