Sơn La bảo tồn, phát triển nhiều bản sắc văn hóa truyền thống
Tiết mục múa của đội văn nghệ người cao tuổi bản Mè, xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu.
(Ảnh: Thu Hằng).
Tuy là huyện còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở huyện Yên Châu (Sơn La) đã có bước phát triển khá sôi nổi, hiệu quả. Điển hình là tại xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu với 13 đội văn nghệ quần chúng thường xuyên hoạt động, giao lưu, biểu diễn phục vụ bà con trong và ngoài xã. Bình quân, mỗi đội văn nghệ quần chúng từ 10 - 12 thành viên, nhiều bản còn có đội văn nghệ của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Chi hội Người cao tuổi. Dù bận công việc sản xuất, nhưng thành viên các đội văn nghệ vẫn luôn cố gắng thu xếp để dựng bài, tập luyện cùng nhau. Ngoài nguồn kinh phí được hỗ trợ, đa số các đội văn nghệ tự nguyện đóng góp kinh phí mua đài, loa hoặc đĩa, trang phục, đạo cụ phục vụ cho các buổi biểu diễn. Các buổi sinh hoạt của các đội văn nghệ quần chúng được duy trì thường xuyên tại các nhà văn hóa bản theo định kỳ.
Toàn huyện Yên Châu hiện có gần 230 đội văn nghệ quần chúng; trong đó nhiều đội hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã đầu tư thiết chế văn hóa ngày càng hoàn chỉnh. Nhiều nhà văn hóa tại các bản, khu dân cư được xây mới khang trang, với hội trường, sân khấu rộng rãi, trang bị ánh sáng, hệ thống âm thanh, loa đài và các thiết bị phụ trợ cơ bản đáp ứng yêu cầu tập luyện, biểu diễn của các đội văn nghệ. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các hội diễn nghệ thuật quần chúng, tạo sân chơi lành mạnh để các đội văn nghệ biểu diễn tài năng, phục vụ nhân dân, góp phần bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống của quê hương.
Tìm hiểu được biết, không chỉ ở Yên Châu mà tại các huyện, thành phố còn lại ở Sơn La, những năm qua, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng đã có sự phát triển rất sôi nổi, thu hút sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Cấp ủy, chính quyền thị trấn ủng hộ, tạo mọi điều kiện để đẩy mạnh phong trào. Việc bảo tồn, gìn giữ những làn điệu dân ca, dân vũ đã được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Các mô hình đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ... được duy trì và nhân rộng ở nhiều địa phương. Điển hình là phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở thành phố Sơn La và các huyện như Yên Châu, Mộc Châu, Thuận Châu...
Nét nổi bật trong phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở Sơn La đó là vai trò của các hội thi, hội diễn đã luôn được phát huy mạnh mẽ trên cơ sở trách nhiệm của cơ quan chức năng và nhu cầu thực tiễn đời sông văn hóa tinh thần của người dân. Theo đó, hội diễn văn nghệ quần chúng đã được tổ chức định kỳ ở các cấp từ xã đến tỉnh; các hội diễn, hội thi văn hóa văn nghệ quần chúng còn được tổ chức gắn với các sự kiện chính trị của địa phương như Đại hội Đảng các cấp, địa phương đạt chuẩn trong xây dựng nông thôn mới... Thông qua đó, vừa tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho các hạt nhân văn hóa văn nghệ; vừa góp phần làm phong phú thêm các loại hình nghệ thuật biểu diễn, phục vụ nhu cầu hưởng thụ của đông đảo quần chúng nhân dân.
Vừa hoàn thành phần luyện tập bài múa “Ngày hội khăn piêu” chuẩn bị cho đợt giao lưu văn nghệ cuối năm giữa các đội văn nghệ quần chúng trong xã, Chị Lò Thị Bé ở xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu vui vẻ chia sẻ: “Mọi người tham gia đội văn nghệ quần chúng ai cũng yêu ca hát. Vào các dịp lễ, tết hay trước sự kiện quan trọng, các thành viên trong đội lại bố trí thời gian tập luyện những bài hát, điệu múa truyền thống để phục vụ bà con trong bản, trong xã. Được tham gia các hội diễn là mọi người vui lắm rồi”.
Sơn La là vùng đất mang trong mình nhiều nét văn hóa đặc sắc với điệu xòe của dân tộc Thái; điệu múa mợi của dân tộc Mường; điệu múa chuông của người Dao tiền hay tiếng khèn dìu dặt của đồng bào Mông... Theo đồng chí Hoàng Ngân Hoàn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, đây là tiền đề thuận lợi để phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trong tỉnh phát triển rộng khắp. Đồng thời, sự quan tâm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp cũng giúp phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng lan tỏa sôi nổi; qua đó mang đến không khí vui tươi, phấn khởi, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Với nội dung bình dị, gần gũi, bám sát đời sống, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng đã vừa góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; vừa tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh; cổ vũ, động viên mọi người hăng hái thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Thời gian tới, để phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tiếp tục lan tỏa sâu rộng tại các khu dân cư, tỉnh Sơn La sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với việc tham gia phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Quan tâm, duy trì, kiện toàn các đội văn nghệ quần chúng; tăng cường thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn nghệ quần chúng, liên kết với các đơn vị tổ chức sự kiện để nâng cao hơn nữa chất lượng những chương trình văn nghệ quần chúng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức của nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh./.