Hoạt động của ngành

Quảng Bình - Tiềm năng, an toàn và khác biệt

Cập nhật: 21/01/2021 08:47:15
Số lần đọc: 859
Quảng Bình hiện đang là điểm đến tiềm năng, an toàn và khác biệt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bởi nơi đây hội tụ nhiều yếu tố để các nhà đầu tư có thể biến ý tưởng thành hiện thực.

Quảng Bình được thiên nhiên ưu đãi, có rừng, có biển và có nhiều cảnh quan, danh thắng đẹp; có một không gian rộng lớn thuận lợi để phát triển công nghiệp năng lượng, du lịch-dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp và kinh tế biển... Cùng với đó, Quảng Bình nằm ở khu vực Bắc miền Trung Việt Nam, phía Bắc cách Thủ đô Hà Nội 500km; phía Nam cách TP. Hồ Chí Minh 1.200km; phía Tây giáp nước Cộng hòa DCND Lào (với 201km đường biên giới); phía Đông giáp Biển Đông (với 116km bờ biển)..., thuận tiện cho việc giao thương.

Cơ sở hạ tầng đồng bộ

Quảng Bình có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, có sân bay, cảng biển, đường bộ, đường sắt, đường thủy. Cụ thể, Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, thuộc Khu Kinh tế (KKT) cửa khẩu Cha Lo, là cửa khẩu lớn giữa Việt Nam và Lào; Cảng biển nước sâu Hòn La (KKT Hòn La) cho phép tàu 20.000 tấn vào ra, đã phê duyệt quy hoạch để nâng cấp tiếp nhận tàu 50.000 tấn ra vào với năng lực tiếp nhận 1,2 triệu tấn/năm; Sân bay Đồng Hới có tần suất 6-7 chuyến bay/ngày và được đánh giá là một trong những sân bay tăng trưởng nhanh nhất cả nước với mức tăng trưởng 20-25%/năm từ năm 2009; tuyến đường sắt Bắc-Nam; Quốc lộ 1A Bắc-Nam; Quốc lộ 12A nối phía Đông và phía Tây; đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông và Tây).

Quảng Bình nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây và có tuyến đường ngắn nhất giao thương với Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar. Hệ thống giao thông đã được quy hoạch khép kín theo lãnh thổ định hướng cho phát triển bền vững. Vì vậy, rất thuận tiện trong việc đi lại và giao lưu trao đổi, vận chuyển hàng hóa.

Hệ thống các tuyến đường giao thông chạy dọc theo chiều dài của tỉnh đã tạo sự liên kết thuận lợi với các đường ngang và các điểm đến du lịch trong vùng khi cách Cố đô Huế 170km; Đà Nẵng 260km; Hội An-Thánh địa Mỹ Sơn 300km. Ngoài ra, từ trung tâm TP. Đồng Hới đến sân bay Đồng Hới chỉ 7km, cách Cảng biển Hòn La 70km (có KKT Hòn La) và Cửa khẩu quốc tế Cha Lo 160km.

Mạng lưới viễn thông, cáp quang phủ sóng toàn tỉnh. Hạ tầng chính quyền điện tử tỉnh đồng bộ, thống nhất, liên thông toàn quốc, sẵn sàng cho công cuộc chuyển đổi số. Hệ thống điện lưới quốc gia 220KV và 110KV đồng bộ. Hệ thống cấp nước sinh hoạt công suất 45.000-50.000m3/ngày và đủ điều kiện để nâng công suất lên 2 lần. Trên địa bàn tỉnh có 17 chi nhánh ngân hàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu giao dịch. Hệ thống khách sạn, nhà hàng, siêu thị, cửa hàng mua sắm phong phú, đa dạng...

Cùng với cơ sở hạ tầng đồng bộ, Quảng Bình còn có nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng. Với 90 vạn dân, số lao động trong độ tuổi chiếm 57,6% tổng dân số, 18.000-19.000 lao động mới hàng năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo và đào tạo lại đạt 70%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%. Tỉnh có 1 trường đại học với quy mô đào tạo 2.500 sinh viên/năm; 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm 4 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 9 trung tâm giáo dục-dạy nghề).

Các KKT và khu công nghiệp đa dạng

Hai KKT và 8 Khu công nghiệp (KCN) có diện tích quy hoạch 65.703ha là nơi hứa hẹn đặt nhà máy sản xuất, chế biến an toàn, hiệu quả của nhà đầu tư.

KKT Hòn La thuộc huyện Quảng Trạch, được quy hoạch với tổng diện tích tự nhiên 10.000ha (trong đó đất liền là 8.900ha, mặt biển và đảo là 1.100ha). Đây là vùng trọng điểm phát triển công nghiệp phụ trợ theo Quy hoạch Nam Hà Tĩnh-Bắc Quảng Bình. KKT Hòn La gồm 2 khu chức năng chính. Khu thuế quan với các khu chức năng, gồm: KCN (hiện tại đã có 3 KCN được quy hoạch: KCN Cảng biển Hòn La, KCN Hòn La II, KCN cửa ngõ phía Tây), khu cảng và dịch vụ hậu cần cảng, khu dân cư-đô thị, khu dịch vụ-du lịch, khu hành chính... với các ngành chủ chốt là công nghiệp phụ trợ, sản xuất điện năng, đóng tàu, công nghiệp xi măng, sản xuất thủy tinh cùng với các ngành công nghiệp phụ trợ khác.

Khu phi thuế quan hiện đang được kêu gọi đầu tư phát triển dịch vụ KKT theo quy hoạch (diện tích 40ha). Việc kinh doanh khu phi thuế quan sẽ gắn với việc đầu tư khai thác có hiệu quả Cảng Hòn La để cùng với Quốc lộ 1A, 12A, Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Cầu Treo, Lao Bảo tạo thành cửa ngõ quan trọng thông ra biển Đông của Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và tiểu vùng sông Mê Kông.

KKT cửa khẩu Cha Lo thuộc huyện Minh Hóa, có tổng diện tích tự nhiên là 53.923ha, là 1 trong 9 KKT cửa khẩu trọng điểm được Chính phủ tập trung đầu tư giai đoạn 2016-2020 và là trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây, là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ khu vực Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và tiểu vùng sông Mê Kông. Cửa khẩu quốc tế Cha Lo là cửa khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Lào với tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu, quá cảnh, phi mậu dịch năm 2020 đạt 1,2 tỷ USD (năm 2019 đạt 1,5 tỷ USD). Vị trí chỉ cách các cảng xuất nhập khẩu chính của miền Trung từ 3-5 giờ đường bộ.

Khoảng cách từ KKT Cha Lo đến Cảng Hòn La và Cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) 145km; đến Cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) 320km và đến Cảng Đà Nẵng 430km. Khoảng cách từ KKT Hòn La đến Cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) 36km; đến Cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) 230km và đến Cảng Đà Nẵng 340km.

Hiện KCN Tây Bắc Đồng Hới với diện tích 66,32ha và KCN Bắc Đồng Hới với diện tích 105ha có 49 doanh nghiệp đang hoạt động và không còn chỗ trống. KCN Hòn La, thuộc KKT Hòn La, huyện Quảng Trạch có diện tích 110ha hiện còn trống 1,2ha; KCN Hòn La II có diện tích 177ha, đang được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (HTKT) và còn trống 102,76ha.

KCN Tây Bắc Quán Hàu, huyện Quảng Ninh có diện tích 300ha, đang được đầu tư xây KTKT và còn trống 133,4ha; KCN Cam Liên, huyện Lệ Thủy có diện tích 450ha, đang kêu gọi đầu tư phát triển HTKT và hiện còn trống 437,84ha; KCN Bang có diện tích 450ha, đang kêu gọi đầu tư phát triển HTKT và hiện còn trống 424ha. KCN cửa ngõ phía Tây, thuộc KKT Hòn La, huyện Quảng Trạch có diện tích 122ha, đang kêu gọi đầu tư phát triển HTKT và còn trống 72,6ha.

Du lịch độc đáo và khác biệt

Nói đến du lịch Quảng Bình, không ai là không biết đến Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Có diện tích 123.326ha (thuộc huyện Bố Trạch, Minh Hoá), Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên Thế giới vì những giá trị địa chất và đa dạng sinh học (theo tiêu chí địa chất, địa mạo năm 2003 và tiêu chí đa dạng sinh học, sinh thái vào năm 2015). 1.000 hang động lớn nhỏ hình thành cách đây hàng triệu năm (mới chỉ khảo sát và đo vẽ trên 400 hang động) đã tạo nên sản phẩm du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm hết sức độc đáo. Nhờ đó, Quảng Bình được mệnh danh là “Vương quốc hang động”. 

Hang Sơn Đoòng (công bố năm 2009) giữ kỷ lục hang động lớn nhất thế giới (Tổ chức Guinness thế giới) với chiều dài gần 9km, rộng hơn 150m, cao 200m đủ lớn để chứa một khu phố ở New York với những tòa nhà 40 tầng hay một chiếc Boeing 747.

Hang Én lớn thứ 3 thế giới với chiều dài gần 2km, cửa hang lớn nhất và nổi tiếng nhất có chiều cao 120m và chiều rộng 140m. Hang Pygmy lớn thứ 4 thế giới với chiều dài 845m, chiều cao và rộng khoảng 100m.

Ngoài ra, còn có những hang động có giá trị độc đáo, nổi bật hàng đầu thế giới và khu vực, như: Động Phong Nha-Tiên Sơn, động Thiên Đường, hệ thống hang Tú Làn, hang Va-hang Nước Nứt…

Vì vậy, điều dễ hiểu khi Quảng Bình đang trở thành trung tâm du lịch mạo hiểm và thiên đường khám phá trải nghiệm hàng đầu châu Á với hệ thống hang động hùng vĩ cùng hệ sinh thái đa dạng và các giá trị văn hóa phong phú. Đồng thời, đây là điểm đến nghỉ dưỡng và thể thao giải trí cao cấp hàng đầu của Việt Nam gắn với lợi ích cộng đồng và phát triển du lịch bền vững.

Điều này còn thể hiện rõ qua các tour du lịch mạo hiểm-khám phá và trải nghiệm, như: “Chinh phục Sơn Đoòng”-Tuyến du lịch đẳng cấp trong nước và quốc tế; tour khám phá hang Én, hệ thống hang Tú Làn…với thời gian và cấp độ mạo hiểm khác nhau, cùng các hoạt động cắm trại trong hang, trekking, bơi dưới dòng sông ngầm...

Khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng (suối Nước Moọc, sông Chày-hang Tối, Vườn thực vật…) có các hoạt động nổi bật, như: Zipline, Kayaking, tắm bùn, leo núi ….

Ngoài ra, còn có các địa điểm tiềm năng đang được kêu gọi đầu tư, như: khe Đá (TP. Đồng Hới), khe Nước Trong (Lệ Thủy)… và vượt thác Tam Lu (Quảng Ninh).

Hoạt động du lịch nghỉ dưỡng vùng ven biển với nhiều bãi tắm mịn, đẹp nổi tiếng, như: Đá Nhảy, Nhật Lệ-Quang Phú, Bảo Ninh, Hải Ninh…Cùng với đó, nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Bang (Lệ Thủy) nhiệt độ sôi 105oC đang xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và chữa bệnh theo mô hình Onsen (Nhật Bản), dự kiến đưa vào sử dụng giữa năm 2021.

Việc nghỉ dưỡng còn được kết hợp với hoạt động thể thao thông qua việc sử dụng hệ thống sân golf 36 lỗ đã đi vào hoạt động và hệ thống sân golf ven biển đẳng cấp quốc tế đang được triển khai thực hiện.

Cùng với các hình thức du lịch nói trên, còn có du lịch tham quan văn hóa-lịch sử-danh nhân. Về du lịch văn hóa, lễ hội có lễ hội Cầu Ngư (tháng Giêng); Rằm tháng ba Minh Hóa; đua thuyền truyền thống (tháng 9)… Du lịch lịch sử-danh nhân có điểm đến là Quảng Bình Quan, đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh, chùa Hoằng Phúc (có lịch sử 700 năm), hang Tám thanh niên xung phong... Các giá trị văn hóa phi vật thể nổi bật, như: hò khoan Lệ Thủy, ca trù...

Cơ sở hạ tầng thương mại và du lịch đang được tập trung đầu tư đồng bộ hiện đại hóa; các dự án resort, khách sạn..., hệ thống sân golf đã và đang được xây dựng phục vụ thị trường du lịch nghỉ dưỡng, phân khúc lưu trú hạng sang và các phân khúc khác sẽ mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm hết sức độc đáo và khác biệt.

Trung tâm năng lượng Quốc gia

Từ một vùng đất khô cằn, khắc nghiệt, đầy nắng và nhiều gió, Quảng Bình đã và đang dần biến khó khăn thành tiềm năng, lợi thế khi thu hút được nhiều công trình, dự án năng lượng đang được triển khai và hoàn thành. Và phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng lớn của khu vực và cả nước trong tương lai.  

Điều đó thể hiện rõ qua việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ  khởi công Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 vào ngày 17/01/2021 và thực hiện các thủ tục chuẩn bị triển khai dự án Quảng Trạch 2 với tổng công suất 2.400MW.

Nằm trong vành đai nhiệt đới Bắc bán cầu, chế độ nhiệt của Quảng Bình thể hiện tính chất nhiệt đới gió mùa, với một nền nhiệt độ cao và phân bố khá đồng đều quanh năm. Tổng lượng bức xạ: 1.256,04 ÷ 1.418,86 kWh/m2/năm; số giờ nắng ở vùng đồng bằng ven biển: 1.650-1.820 giờ; cường độ bức xạ trung bình ngày theo tháng và năm: 4,03-4,545 kWh/m2/ngày. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển điện năng lượng mặt trời với tổng công suất dự án điện mặt trời đăng ký vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia khoảng 1.241,5MWp. Và hiện có Dự án Nhà máy điện mặt trời 49,5MWp Dohwa-Lệ Thủy có tổng mức đầu tư hơn 1.430 tỷ đồng đang được đưa vào vận hành thử.

Với vận tốc gió bình quân từ 6-6,75m/s (độ cao 120m) ở trên biển và đất liền. Tổng công suất dự án điện gió đăng ký vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia khoảng 3.889MW. Hiện trên địa bàn đã có dự án Cụm Trang trại Điện gió B&T có tổng công suất 252MW với tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng đang được triển khai thực hiện.

Cùng với đó, hiện tỉnh đang xin bổ sung quy hoạch và kêu gọi đầu tư nhà máy điện khí tại KKT Hòn La với tổng công suất khoảng 3.000MW.

Với tiềm năng và kết quả kêu gọi đầu tư đã đạt được ban đầu nói trên, Quảng Bình kỳ vọng sẽ phát triển được khoảng 10GW nguồn điện phát lên lưới điện Quốc gia (bao gồm các dự án đã được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh và các dự án nguồn điện trình Bộ Công Thương, Chính phủ tính toán vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045-Quy hoạch điện VIII).

Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao

Với tiềm năng đất đai sử dụng cho mục đích nông lâm nghiệp là 720.425ha, trong đó đất sử dụng cho lâm nghiệp chiếm 78%. Đặc biệt, với hơn 324.000ha rừng sản xuất, trữ lượng gỗ 14,85 triệu m3..., Quảng Bình có tiềm năng rất lớn để phát triển rừng, trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn phục vụ công nghiệp sản xuất và chế biến đồ gỗ rừng trồng.

Cụ thể, vùng miền núi, gò đồi có nhiều ưu thế phát triển kinh tế rừng, trang trại tổng hợp; trồng cây dược liệu, phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái và trải nghiệm. Vùng đồng bằng thích hợp để phát triển nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất nông sản hữu cơ thân thiện môi trường; sản xuất gạo chất lượng cao; sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến thịt gia súc gia cầm tập trung; kinh doanh các loại giống cây trồng, vật nuôi. Vùng biển, ven biển có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy hải sản, trang trại chăn nuôi, sản xuất rau quả an toàn kết hợp phát triển du lịch.

Đặc biệt, hơn 116km bờ biển và 5 cửa sông lớn là nơi lý tưởng để phát triển công nghiệp đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản xuất khẩu. Đặc biệt là nuôi trồng thủy hải sản ở vùng nước sâu sử dụng công nghệ cao, tự động hóa.

Từ tiềm năng đó, Quảng Bình đang tập trung vào phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như đạt được giá trị gia tăng cao nhất nhờ các tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP…và định hướng xuất khẩu.

Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn

Để biến tiềm năng, lợi thế thành hiện thực trong kêu gọi, thu hút đầu tư, Quảng Bình đang nỗ lực nhằm tạo đột phá từ cải cách thủ tục hành chính, chuyển từ nền hành chính quản trị sang nền hành chính phục vụ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhà đầu tư; đồng thời, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thu hút đầu tư của tỉnh.

Trước hết, tỉnh tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư... nhằm xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đến đầu tư tại Quảng Bình; biến những tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh thành động lực thực sự cho việc phát triển kinh tế-xã hội.

Cụ thể, tỉnh áp dụng chính phủ điện tử (e-government) trong đăng ký kinh doanh, hải quan, thuế bảo đảm nhanh gọn, chính xác và hiệu quả. Trung tâm Hành chính công tỉnh giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn theo cơ chế một cửa liên thông (OSS); tỷ lệ trả hồ sơ đúng hạn, trước hạn trên 85%.

Tỉnh đã thành lập Trung tâm điều hành đô thị thông minh và năm 2021 sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc theo dõi tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính, tổng hợp các phản ánh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thông qua App trên điện thoại di động.

Bên cạnh đó, việc Luật Ðầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đã mở ra kỳ vọng tạo bước đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo cơ hội thúc đẩy phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Và bên cạnh việc áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung ưu đãi của Chính phủ, Quảng Bình còn có chính sách hỗ trợ và ưu đãi riêng đối với các dự án trọng điểm có tính đột phá, các dự án khác thuộc lĩnh vực tỉnh khuyến khích đầu tư.

Để đồng hành với các nhà đầu tư và doanh nghiệp, tỉnh tổ chức gặp mặt nhà đầu tư/doanh nghiệp định kỳ để đối thoại, nắm bắt và xử lý các yêu cầu, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án./.

                                                                                                Bùi Thành

Nguồn: Báo Quảng Bình

Cùng chuyên mục