Hoạt động của ngành

Quảng Trị phát triển du lịch từ tiềm năng biển, đảo

Cập nhật: 21/01/2021 08:05:03
Số lần đọc: 1176
Quảng Trị có bờ biển dài 75 km, vùng ven bờ của tỉnh có 16 xã miền biển thuộc 4 huyện ven biển gồm Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ. Tỉnh còn có lợi thế về địa lý - kinh tế, là đầu mối giao thông nằm ở trung điểm đất nước, ở vị trí quan trọng - điểm đầu trên tuyến huyết mạch của Hành lang kinh tế Đông - Tây về phía Việt Nam nối Lào - Thái Lan - Mianmar qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến các cảng biển miền Trung. Đây là điều kiện thuận lợi để Quảng Trị mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.

Khách du lịch đến thăm, trải nghiệm tại đảo Cồn Cỏ - Ảnh: Đ.T​

Quảng Trị còn có bờ biển dài với 2 cửa lạch quan trọng là Cửa Việt và Cửa Tùng, vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 84.000 km2 , ngư trường đánh bắt rộng lớn, giàu hải sản có giá trị kinh tế cao, san hô quý hiếm. Trữ lượng hải sản của vùng biển Quảng Trị khoảng 60.000 tấn, khả năng khai thác hằng năm khoảng 17.000 tấn. Vùng ven bờ có một số vũng kín gió thuận lợi cho phát triển cảng, xây dựng nhà máy đóng tàu, sửa chữa tàu biển và xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền như khu vực Cửa Việt, Cửa Tùng. Dọc bờ biển có nhiều bãi tắm, cảnh quan đẹp, có các di tích lịch sử cách mạng đưa vào khai thác du lịch như địa đạo Vịnh Mốc, bãi tắm Vĩnh Thái, Cửa Tùng, Cửa Việt, Triệu Lăng, Mỹ Thủy... là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái biển. Quảng Trị còn là điểm kết nối giữa sản phẩm du lịch tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, du lịch Con đường di sản miền Trung... Đặc biệt, người dân các tỉnh của Lào và Thái Lan nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây không có biển và rất có nhu cầu tham gia các hoạt động du lịch biển.

Nhận diện những tiềm năng, lợi thế to lớn về du lịch của tỉnh, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 373/QĐ-TTg ngày 23/3/2010 về phê duyệt đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam, các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành qua các năm đều khẳng định: Phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; phát triển kinh tế biển đảo, hướng vùng biển Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ thành khu du lịch biển hiện đại, tạo tiền đề để biến khu vực này thành khu du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế.

Với chiến lược tập trung đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch, biển, đảo. UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt quy hoạch phát triển các khu du lịch. Nằm trong quy hoạch này phải kể tới là khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt; khu dịch vụ - du lịch dọc tuyến đường ven biển Cửa Tùng - Cửa Việt và khu dịch vụ - du lịch Vĩnh Thái. Những năm gần đây, tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như hệ thống giao thông, chỉnh trang đô thị; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường công tác tuyên truyền xúc tiến quảng bá du lịch, gắn với việc ban hành các cơ chế chính sách thông thoáng nhằm khuyến khích và thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch biển, đảo. Chú trọng thu hút một số dự án mang tính động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tập trung tại các vùng ven biển như: Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam; dự án xây dựng cảng biển Mỹ Thủy, xây dựng khu nghỉ dưỡng Sê Pôn Resort, xây dựng đảo Cồn Cỏ thành đảo du lịch...

Đặc biệt, tam giác du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ đang được định hướng thành khu du lịch quốc gia để phát huy tối đa thế mạnh du lịch nghỉ dưỡng, ẩm thực, khám phá biển đảo, vui chơi giải trí, sân gôn... Nền tảng cho sự phát triển khu du lịch này đã có khi Cửa Việt đã thu hút được một số nhà đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất bao gồm hệ thống khách sạn, nhà hàng, resort... Khu vực này được xem là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách đến từ khu vực Đông Bắc Á, trong đó có Lào, Thái Lan khi đến Quảng Trị. Khó có nơi nào trên đất nước ta điều kiện địa lý gần và thuận tiện như ở Quảng Trị để du khách có thể trải nghiệm tour du lịch “một ngày ăn cơm 3 nước” (từ Thái Lan - Lào đến Quảng Trị- Việt Nam chỉ gần 340 km đường bộ qua Quốc lộ 9). Bên cạnh đó, khách du lịch từ Châu Âu, Mỹ... đến Quảng Trị nghỉ dưỡng, khám phá và thăm lại chiến trường xưa thì vùng biển, đảo và cụm di tích văn hóa, lịch sử đặc sắc của tỉnh lại trải dọc theo trục Quốc lộ 1, Quốc lộ 9, gần biển, rất thuận tiện để khách tham quan, lưu trú, di chuyển.

Đối với Cồn Cỏ, đây là huyện đảo cách đất liền khoảng 17 hải lý về phía Đông, với diện tích 2,3 km2 . Mặc dù diện tích không lớn nhưng Cồn Cỏ có vị trí chiến lược quan trọng án ngữ cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc Bộ, có vị trí khá thuận lợi về địa - kinh tế: vừa gần đất liền vừa có thể mở hướng vươn khơi phát triển kinh tế biển đảo (dịch vụ, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản…) vừa thuận lợi cho phát triển giao thông đường biển, hoạt động du lịch (trong tam giác Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ nói riêng và Quảng Trị nói chung). Đồng thời Cồn Cỏ còn là vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, có vai trò hết sức quan trọng trong công tác phòng thủ lãnh hải, lãnh thổ và phát triển kinh tế - xã hội của hệ thống biển và hải đảo Việt Nam. Cồn Cỏ có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, với nhiều nét đẹp tự nhiên của hòn đảo hoang sơ chưa chịu sự tác động nhiều của bàn tay con người. Đảo Cồn Cỏ có giá trị về địa chất và sinh thái cảnh quan như một bảo tàng thiên nhiên với các thềm đá ba dan độc đáo dọc bờ biển, các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò, điệp, cát... nước biển trong, nhiệt độ nước biển ổn định. Cồn Cỏ có khí hậu ôn hòa, có địa hình cảnh quan đẹp. Mặc dù từng bị chiến tranh tàn phá, nhưng đến nay, rừng nguyên sinh trên đảo Cồn Cỏ vẫn còn gần như nguyên vẹn và thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới quý hiếm với nhiều tầng cây cỏ, thảm thực vật phong phú. Động vật trên đảo tuy không nhiều song chủng loại khá độc đáo.

Đặc biệt Cồn Cỏ có loài cua đá đặc hữu vừa sống trên cạn, vừa sống dưới nước, là biểu tượng đặc trưng của đảo Cồn Cỏ. Cồn Cỏ nằm trong khu vực có hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên khá phong phú của ngư trường Con Hổ rộng khoảng 9.000 km2 , gần nơi giao thoa của các dòng hải lưu, nơi hội tụ của các vùng hải sản Bắc Nam - vịnh Bắc Bộ và Biển Đông. Với đặc trưng đa dạng của hệ sinh thái, vùng biển quanh đảo có nhiều tài nguyên sinh vật biển phong phú với 267 loài cá của 120 giống thuộc 69 họ, với trữ lượng khoảng 60.000 tấn/năm. Đặc biệt ngành thủy sản đã phát hiện đáy biển Cồn Cỏ là một trong những vùng biển có rặng san hô tốt nhất đã được khảo sát tại Việt Nam. Cồn Cỏ còn có loài san hô đỏ rất quý hiếm với mật độ dày, hình khối rất đẹp, màu sắc hấp dẫn khác thường. Các yếu tố đặc thù đó đã tạo cho Cồn Cỏ có những lợi thế, sức hấp dẫn riêng để phát triển du lịch sinh thái biển đảo với các sản phẩm, loại hình như tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu, du lịch thể thao, lặn thám hiểm biển, câu cá, khám phá rừng nguyên sinh trên đảo...

Bên cạnh đó, Cồn Cỏ nằm trong hệ thống các địa danh lịch sử nổi tiếng trong 2 cuộc kháng chiến của quân và dân Quảng Trị như cầu Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc, Thành Cổ Quảng Trị... Đến nay nhiều chứng tích chiến tranh vẫn hiện hữu trên đảo như: Hệ thống giao thông hào và các địa đạo dọc ngang dài hơn 20 km, các địa danh như điểm cao 63, 37, Hà Đông, Hà Nội, Hải Phòng...Vì vậy Cồn Cỏ còn là điểm du lịch lịch sử hấp dẫn, là “địa chỉ đỏ”, nơi nhiều người mong muốn có dịp đến thăm để ngưỡng mộ về hòn đảo từng được mệnh danh là “Chiến hạm không thể bị đánh chìm”. Với những tiềm năng, lợi thế đó, ngay từ khi thành lập huyện (theo Nghị định 174/2004/ NĐ - CP ngày 1/10/2004) và chính thức đi vào hoạt động từ 18/4/2005, Chính phủ đã có chủ trương đặc thù cho huyện đảo Cồn Cỏ là phát triển kinh tế kết hợp với củng cố, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trong đó ưu tiên xây dựng Cồn Cỏ trở thành hòn đảo du lịch biển. Thực hiện chủ trương này, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh Quảng Trị đã xác định xây dựng Cồn Cỏ trở thành đảo du lịch, là một đỉnh trong tam giác phát triển du lịch Cửa Việt- Cửa Tùng- Cồn Cỏ, gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế biển của khu vực miền Trung.

Để tạo được sự đột phá mạnh mẽ phát triển du lịch trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh đang hoàn chỉnh quy hoạch phát triển ngành du lịch, quy hoạch xây dựng hạ tầng du lịch gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành thực hiện quy hoạch, thẩm định dự án đầu tư du lịch. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển du lịch với giữ gìn bản sắc văn hóa và bảo vệ tài nguyên, môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng du lịch đúng quy hoạch theo hướng tập trung trọng tâm, trọng điểm.

Trước hết là hệ thống giao thông phục vụ du lịch kết hợp với phát triển các ngành kinh tế và phục vụ dân sinh. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu, điểm du lịch quan trọng gắn với quảng bá, xúc tiến đầu tư, công tác quản lý, khai thác tiềm năng du lịch. Xây dựng lộ trình tôn tạo, nâng cấp các di tích văn hóa, lịch sử hợp lý để phát huy hiệu quả đầu tư. Khai thác hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, nhất là hệ thống khách sạn, nhà hàng cao cấp mới được xây dựng... Đặc biệt cần tập trung đầu tư xây dựng đảo Cồn Cỏ thành đảo du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực Cửa Tùng - Cửa Việt. Phát triển du lịch biển, đảo trên cơ sở kết hợp du lịch văn hoá lịch sử cách mạng và du lịch sinh thái trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây là tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy du lịch của Quảng Trị khởi sắc hơn trong tương lai gần.

 

Đan Tâm

 

Nguồn: Báo Quảng Trị

Cùng chuyên mục