Hà Nam tưng bừng khai hội Xuân Tam Chúc và đón nhận Giải thưởng
Các đại biểu tham dự Lễ khai Hội Xuân Tam Chúc năm 2024
Tới dự lễ hội có các đồng chí: Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Về phía tỉnh Hà Nam có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì Chùa Tam Chúc; các Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; các Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng, Ni, phật tử, nhân dân và du khách thập phương.
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho biết, hằng năm, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, Hội Xuân Tam Chúc lại được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đồng thời, giúp giới thiệu, quảng bá với du khách trong, ngoài nước về những nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và mảnh đất Hà Nam nói riêng.
Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy phát biểu tại Hội Xuân Tam Chúc 2024.
Chào mừng các đại biểu tới dự hội xuân, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy cho biết: Sau hơn 130 năm thành lập và gần 30 năm tái lập tỉnh, bằng ý chí và khát vọng mạnh mẽ, tỉnh Hà Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Năm 2023, tổng sản phẩm trong tỉnh ước đạt trên 50.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,41%, đứng thứ 5 vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 8 toàn quốc. GRDP bình quân đầu người đạt 96,3 triệu đồng, tăng 11,2% so với năm 2022. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Đặc biệt, ngành dịch vụ, du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ sau khi tỉnh triển khai nhiều hoạt động quảng bá, kích cầu, từ đó tạo sức hấp dẫn, cạnh tranh cao.
Các đại biểu tham dự Lễ khai Hội Xuân Tam Chúc năm 2024
Với phương châm khai thác tiềm năng, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong những năm qua, chủ trương phát triển du lịch đã được cụ thể hóa trong các văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết chuyên đề, các quy hoạch, kế hoạch, đề án của cấp ủy, chính quyền các cấp. Cùng với đó, tỉnh Hà Nam chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư về du lịch thông qua việc tổ chức và đăng cai tổ chức nhiều sự kiện quy mô quốc gia, quốc tế, tạo tiếng vang mạnh mẽ như: Đại lễ Phật đản Vesak năm 2019, Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Hà Nam năm 2023, Tuần Văn hoá - Du lịch Hà Nam năm 2023 và Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam - Nhật Bản, Lễ Khai hội Xuân Tam Chúc hằng năm...
Từ kết quả triển khai tích cực, trách nhiệm của các cấp, các ngành cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành du lịch Hà Nam đã có những bước phát triển mạnh: số lượt khách du lịch đến với tỉnh trong những năm qua không ngừng tăng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 20-25%. Tổng lượt khách du lịch năm 2023 ước đạt 4,4 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt hơn 3 nghìn tỷ đồng.
Với những giá trị văn hóa, lịch sử phong phú, hấp dẫn riêng có, năm 2023 lần đầu tiên Hà Nam được Giải thưởng Du lịch Thế giới vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới”, hình ảnh Hà Nam đã được nâng tầm, khẳng định vị trí quan trọng, vững chắc trên bản đồ du lịch trong nước và khu vực.
Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp để phát triển du lịch nhanh, bền vững, góp phần xây dựng tỉnh Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng; tiến tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại, qua đó đóng góp chung vào sự đổi mới, phát triển của đất nước như mục tiêu của Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong bức tranh tổng quát về văn hóa, du lịch Hà Nam, danh lam thắng cảnh Tam Chúc là di sản tiêu biểu, độc đáo, có giá trị nổi bật và tài nguyên du lịch đa dạng, đặc biệt hấp dẫn với ưu thế về cảnh quan thiên nhiên cũng như giá trị văn hóa. Với kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ, Khu du lịch Tam Chúc đang là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, tạo bước đột phá cho ngành du lịch Hà Nam, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu về phát triển du lịch của tỉnh.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy trao hoa và Cúp “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới” cho tỉnh Hà Nam
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao hoa, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã trao Cúp giải thưởng “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới” cho tỉnh Hà Nam.
Lễ Hội Xuân Tam Chúc - Kết nối di sản năm 2024 được tổ chức trang trọng, mang đậm bản sắc văn hóa, với các nghi thức truyền thống như: dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; lễ rước nước cầu nguyện cuộc sống bình an, trường tồn...
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thỉnh chuông khai hội
Mở đầu là tiết mục “Trống hội ngày xuân - Khi vui xuân sang - Trẩy hội xuân”. Sau tiết mục trống hội, Thượng tọa Thích Minh Quang cử hành nghi lễ niệm Phật cầu gia hộ, cầu cho mọi người, nhà nhà được ấm no, hạnh phúc.Tiếp đến là Nghi lễ rước nước - phần nghi lễ tâm linh quan trọng nhất trong Hội Xuân Tam Chúc 2024. Bảy chiếc thuyền lớn cùng 200 chiếc thuyền nhỏ chở gần 500 người tham gia đoàn rước nước. Đoàn thuyền di chuyển từ bến thuyền Trung tâm Hội nghị quốc tế Vesak (Thủy đình) ra giữa hồ Tam Chúc thực hiện nghi thức lấy nước thiêng sau đó di chuyển cập bến Tam quan nội chuyển nước lên 3 xe rước và tiến hành nghi thức rước nước lên điện Tam Thế và chùa Ngọc.
Trước ngày chính hội, vào tối 20/2 đã diễn ra chương trình trình diễn thời trang với chủ đề “Nguyện ước chốn thiêng”, biểu diễn nghệ thuật và bắn pháo hoa tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Vesak.
Trung tâm Thông tin du lịch