Hoạt động của ngành

Phát triển du lịch ở Đông Giang (Quảng Nam): Chưa như kỳ vọng

Cập nhật: 23/02/2024 11:55:20
Số lần đọc: 843
Sở hữu cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, cùng giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu, huyện Đông Giang đã nỗ lực khai phá phục vụ du lịch. Tuy nhiên, sự phát triển chưa như kỳ vọng, cần giải pháp hữu hiệu để tạo sức bật mới.


Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang xây dựng Làng văn hóa Cơ Tu để bản tồn bản sắc văn hóa và phục vụ du khách. Ảnh: C.T

Nỗ lực khai phá

Đông Giang xác định khai phá tiềm năng cảnh quan thiên nhiên cùng nét đặc sắc về văn hóa bản địa để phát triển du lịch, tạo sinh kế bền vững, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Vì vậy, năm 2013, Làng du lịch cộng đồng (DLCĐ) Bhơhôồng (xã Sông Kôn) và Làng DLCĐ Đhrôồng (xã Tà Lu) hình thành và đưa vào khai thác phục vụ du khách.

Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông A Vô Tô Phương chia sẻ, những năm qua, nhất là từ khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 08 về phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều quyết sách để cụ thể hóa cho phù hợp với địa bàn miền núi và tình hình của địa phương.

Huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức cho người dân về làm du lịch từ chính các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng Cơ Tu.

Đặc biệt, phải giữ gìn và phát huy 3 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VH-TT&DL công nhận gồm múa tân tung da dá, dệt thổ cẩm, nói lý hát lý. Phát huy văn hóa truyền thống như ẩm thực, dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, điêu khắc, làm gươl, moong...

Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang. Ảnh: C.T

Đông Giang còn vận dụng các chương trình, nghị quyết hỗ trợ của tỉnh để đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch; phối hợp đào tạo, tập huấn kỹ năng du lịch cho cộng đồng địa phương. Cạnh đó, huyện rất quan tâm đến việc thúc đẩy, kêu gọi thu hút đầu tư các dự án du lịch sinh thái (DLST) lớn.

“Chúng tôi tổ chức, tham gia các hội thảo, hội nghị, diễn đàn thương mại xúc tiến đầu tư để giới thiệu các dự án DLST, tranh thủ quảng bá tiềm năng cảnh quan thiên nhiên, văn hóa con người của huyện, tìm kiếm cơ hội kết nối với doanh nghiệp có nhu cầu.

Các dự án kêu gọi thu hút đầu tư quy mô lớn như DLST Cổng Trời Đông Giang, DLST suối khoáng nóng A Păng, DLST nghỉ dưỡng cao cấp Tây Bà Nà” - ông A Vô Tô Phương nói.

Còn nhiều trở ngại

Khu DLST Cổng Trời Đông Giang (xã mà Cooih) là một trong những dự án được triển khai có hiệu quả với quy mô hệ thống khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, nhiều khu vực vui chơi giải trí kết hợp hệ thống thác nước, khám phá hang động huyền ảo.

Dự án đã góp phần giúp địa phương phát huy giá trị của di tích lịch sử Dốc Gợp, đem lại việc làm cho gần 200 lao động địa phương. Khu DLST này còn là điểm nhấn để liên kết với 2 điểm DLCĐ Bhơ Hôồng và Đhrồng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch.

Tuy nhiên, nỗ lực khai phá tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy phát triển du lịch của Đông Giang chưa đạt như kỳ vọng.

Ông A Vô Tô Phương chia sẻ, phát triển du lịch ở miền núi vốn đã là một bài toán khó. Cái khó đầu tiên là làm sao thay đổi được nhận thức của người dân, vì phần lớn bà con đã quen canh tác nương rẫy, sản xuất nông nghiệp là chính; chưa được trang bị nhiều về kiến thức, kỹ năng làm du lịch.

Làm thế nào để vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống vừa khai thác có hiệu quả kho tàng văn hóa độc đáo của người Cơ Tu để chuyển hướng cho người dân làm DLCĐ không hề đơn giản…

Cơ sở hạ tầng bên trong Làng DLCĐ Bhơhôồng cần được đầu tư hoàn thiện. Ảnh: C.T

Theo ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, điển hình như tại 2 làng DLCĐ vừa đề cập còn hạn chế.

Hạ tầng giao thông liên vùng yếu kém, điển hình như quốc lộ 14G vừa chật hẹp, quanh co, đèo dốc. Công tác truyền thông để quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, nét đặc sắc văn hóa bản địa một cách rộng rãi, cuốn hút chưa đáp ứng yêu cầu. Việc kết nối các tour du lịch, kết nối giữa Nhà nước - doanh nghiệp - cộng đồng còn hạn chế.

Ngày 23/10/2023, Huyện ủy Đông Giang đã ban hành Nghị quyết số 35 về tiếp tục lãnh đạo công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Cơ Tu gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.

HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 28 ngày 25/10/2023 thông qua “Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Cơ Tu gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là tiền đề quan trọng để UBND huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện mục tiêu đặt ra.

Đông Giang sẽ lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Tranh thủ sự hỗ trợ thêm từ các dự án của tổ chức FIDR (như dự án EMMi) để phát triển nghề thủ công truyền thống. Xúc tiến kêu gọi đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào DLST.

Công Tú

Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Đăng ngày 22/02/2024

Cùng chuyên mục