Hoạt động của ngành

Hà Nội: Cơ sở lưu trú gắng đứng vững trước dịch

Cập nhật: 06/08/2021 08:27:50
Số lần đọc: 1024
Làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến ngành Du lịch, trong đó có các cơ sở lưu trú trên địa bàn Hà Nội. Hiện tại, trong thời gian cùng toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội, các đơn vị lưu trú đang nỗ lực xây dựng, thực hiện các giải pháp để gắng đứng vững trước dịch và phục hồi sau khi dịch được kiểm soát tại Hà Nội.


Khách rửa tay sát khuẩn khi lưu trú tại khách sạn La Casa (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Đỗ Tâm

Khắc phục khó khăn bằng nhiều cách

Trước yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố, trong đó có lưu trú, tạm dừng hoạt động. Chỉ một số cơ sở lưu trú đã nhận khách lưu trú lâu dài từ trước khi có Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội thì phục vụ đúng số đối tượng này và phải bảo đảm các quy định giãn cách xã hội. Trong các cơ sở lưu trú dạng này có khách sạn La Casa (quận Hai Bà Trưng). Từ tháng 5-2021 đến nay, cơ sở phục vụ khoảng 40 khách, chủ yếu là các chuyên gia nhập cảnh, sau khi hết thời hạn cách ly y tế. Giám đốc điều hành khách sạn Bùi Quốc Tuấn cho biết, do có số lượng khách đặt phòng lâu dài, nên khách sạn vẫn duy trì việc bảo đảm cung ứng các dịch vụ thiết yếu cho khách. Trong bối cảnh thành phố thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, đơn vị đã thay đổi cách thức phục vụ để đáp ứng tình hình mới, đặc biệt đề cao sự an toàn trong phòng, chống dịch.

“Các bữa ăn được nhân viên mang đến trước phòng riêng cho khách. Khách được khuyến cáo không ra khỏi phòng để hạn chế tiếp xúc. Chúng tôi cũng thường xuyên gửi những lá thư, bưu thiếp hỏi thăm sức khỏe, động viên tinh thần để khách lưu trú thoải mái trong thời gian thực hiện giãn cách. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chuẩn bị kế hoạch kích cầu sau khi dịch tại Hà Nội được khống chế. Đây là khoảng thời gian quan trọng để chúng tôi xây dựng kế hoạch phát triển”, ông Bùi Quốc Tuấn thông tin thêm.

Bên cạnh đó, dù tạm dừng hoạt động song nhiều khách sạn 4-5 sao và các khu nghỉ dưỡng tại thành phố đã chuẩn bị các kế hoạch cho việc hoạt động trở lại. Giám đốc khách sạn Grand Vista (quận Ba Đình) Bùi Thanh Tùng cho biết, tuy tạm dừng phục vụ khách, nhưng đơn vị vẫn xây dựng kế hoạch kích cầu, giảm giá khi mở trở lại nhằm thu hút càng nhiều khách nội địa càng tốt. Còn theo Tổng Giám đốc khu nghỉ dưỡng Paragon Hill Resort (huyện Ba Vì) Nguyễn Tiến Sơn, dù đang tạm đóng cửa để phòng, chống dịch nhưng đơn vị vẫn chuẩn bị kế hoạch dài hạn cho các hoạt động quảng bá và tung các gói dịch vụ mới khi dịch được kiểm soát.

Còn theo Giám đốc kinh doanh khách sạn Movenpick Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Bích Vân, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách sạn vẫn thực hiện quảng bá hình ảnh bằng hình thức trực tuyến. “Chúng tôi giới thiệu những món ăn qua mạng xã hội và trang thông tin chính thức của khách sạn, nhằm quảng bá thương hiệu khách sạn cũng như ẩm thực Việt Nam cho du khách”, bà Nguyễn Bích Vân cho hay.

Khách sạn Bonsella Prestige (quận Hoàn Kiếm) đã tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Trọng Hiếu

Chủ động lên kế hoạch dài hạn

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trên địa bàn thành phố có gần 3.500 cơ sở lưu trú, với gần 61.000 buồng, phòng. Trong 7 tháng năm 2021, công suất bình quân khối khách sạn 1-5 sao ước đạt khoảng 24%, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Về các giải pháp cho hoạt động lưu trú trong bối cảnh mới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ cho rằng, các đơn vị cần chủ động kế hoạch dài hạn, lên kịch bản theo các diễn biến của dịch. “Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các cơ sở lưu trú nên ứng dụng công nghệ thông tin quảng bá, giới thiệu những tiện ích của đơn vị mình. Đây là bước chuẩn bị để khi dịch được kiểm soát, cơ sở lưu trú có thể hoạt động trở lại ngay”, bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ nhận định.

Còn theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, lực lượng lao động trong ngành Du lịch, đặc biệt trong lĩnh vực lưu trú đang sụt giảm nghiêm trọng. Vì thế, trong giai đoạn giãn cách, các đơn vị nên có chính sách nhằm giữ chân người lao động, đào tạo nhân viên thêm các kỹ năng mềm khác. Chẳng hạn nhân viên quản lý buồng, phòng có thể học thêm kỹ năng tổ chức sự kiện để khi dịch được kiểm soát, các đơn vị đẩy mạnh loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện)…

Với diễn biến khó lường của dịch Covid-19, Sở Du lịch Hà Nội đã tăng cường thêm nhiều biện pháp quản lý. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Sở đã có nhiều văn bản gửi các đơn vị kinh doanh du lịch, trong đó có các cơ sở lưu trú yêu cầu phải thực hiện quy định phòng dịch, bảo đảm giãn cách, thực hiện khai báo y tế cũng như đăng ký an toàn Covid-19 theo yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

“Những đơn vị đang phục vụ khách lưu trú lâu dài từ trước khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội phải bảo đảm thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch...”, ông Trần Trung Hiếu nhấn mạnh.

Hoàng Lân

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục