Vĩnh Long: Công tác xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù 6 tháng đầu năm 2021
Sản phẩm tàu hũ ky Mỹ Hòa, Bình Minh
Ngành du lịch Vĩnh Long xác định tập trung xây dựng, phát triển 04 sản phẩm du lịch đặc thù, trong đó sản phẩm chủ lực là Du lịch homestay (Tham quan, lưu trú, trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt sông nước của người dân Vĩnh Long); 02 sản phẩm bổ trợ là Du lịch Nông nghiệp (Tham quan vườn cây trái, kết hợp trải nghiệm một ngày làm nông dân, một ngày làm địa chủ, một ngày trải nghiệm văn hóa, ẩm thực…) và Du lịch Làng nghề (Tham quan, trải nghiệm công đoạn làm sản phẩm của các làng nghề như gốm, đan đát, dệt chiếu…); Du lịch Văn hóa (Tham quan tìm hiểu các yếu tố lịch sử văn hóa, thân thế sự nghiệp các danh nhân đất Vĩnh, góp phần giáo dục về truyền thống cách mạng của dân tộc) đóng vai trò sản phẩm định hướng phát triển.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long đã tổ chức 03 cuộc khảo sát tình hình phòng, chống dịch Covid-19 qua đó tuyên truyền, vận động các cơ sở homestay toàn tỉnh giữ vững thương hiệu “Đệ nhất homestay”, quan tâm trau chuốt sản phẩm, đa dạng hóa dịch vụ, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm tại homestay thu hút du khách (nấu ăn, làm bánh, đạp xe khám phá nét đẹp làng quê, thưởng thức đờn ca tài tử, đốt đuốc đi xem hát bội,…) nhằm đón đầu lượt khách nội địa quay trở lại tham quan du lịch Vĩnh Long khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai các nội dung xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn, bảo quản và phát huy các giá trị văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025; trong đó xác định mục tiêu phát triển Du lịch Nông nghiệp, nông thôn và gắn kết sản phẩm OCOP với du lịch. Cũng trong thời gian này, ngành đã tổ chức 04 cuộc khảo sát tiềm năng phát triển du lịch làng nghề tại một số địa phương trong tỉnh, gồm cơ sở sản xuất gạch – gốm tại huyện Mang Thít, làng nghề đan đát dệt chiếu tại huyện Vũng Liêm, làng nghề bánh tráng giấy và đan thảm lục bình tại huyện Tam Bình, làng nghề bánh tráng cù lao Mây tại huyện Trà Ôn; bước đầu cho thấy, một số sản phẩm như bánh tráng giấy Tam Bình, bánh tráng cù lao Mây có thể xem xét phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch. Bên cạnh đó, công tác thông tin quảng bá trên Cổng thông tin du lịch Vĩnh Long về các di tích cấp quốc gia như: Công Thần miếu, Văn Thánh miếu, chùa Phước Hậu và một số điểm đến văn hóa tâm linh như: chùa Phật Ngọc Xá Lợi, chùa Bà Thiên Hậu,… được đẩy mạnh, kết hợp tạo điểm nhấn đặc thù của địa phương đối với sản phẩm “Về Vĩnh Long xem Hát bội” qua việc “nâng chất trải nghiệm” từ sự chỉnh chu về kịch bản, hạn chế âm thanh, ánh sáng hiện đại nhằm tái hiện sống động không gian Hát bội đình làng xưa. Vỡ diễn và phần giao lưu giữa nghệ nhân - khách du lịch gói gọn trong 01 giờ nhưng đọng lại trong lòng khách thập phương về hình ảnh văn hóa du lịch “duy nhất”, “hiếm có” và rất “chân thực”.
Đi thuyền tham quan làng nghề sản xuất gạch gốm kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít
Ngoài ra, ngành Du lịch phối hợp các địa phương tổ chức 01 lớp lễ tân cho cơ sở lưu trú; 02 lớp tập huấn vận hành, cập nhật đăng tải thông tin trên Cổng thông tin du lịch Vĩnh Long; phối hợp các ngành trong việc góp ý đề án xây dựng phát triển thương hiệu tỉnh Vĩnh Long, cung cấp thông tin mời gọi đầu tư 07 dự án lĩnh vực du lịch sử dụng vốn ngoài ngân sách giai đoạn 2020 – 2025 với tổng vốn ước tính 6.540 tỷ đồng, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của ngành du lịch trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành, lĩnh vực khác; về cơ chế, chính sách phát triển du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương với các hình thức phong phú, đa dạng đến người dân, doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động triển khai gặp một số khó khăn nhất định tuy nhiên Đề án đã giúp các địa phương cơ bản xác định được các sản phẩm chủ lực định hướng đưa vào khai thác phục vụ du lịch, đặc biệt là được sự hưởng ứng của các cơ sở kinh doanh homestay trong việc giữ vững thương hiệu “Đệ nhất homestay” và sự quan tâm của các đơn vị lữ hành trong lồng ghép các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề và du lịch văn hóa vào chương trình du lịch.
Thanh trà Bình Minh, quả có vị chua chua ngọt ngọt giải nhiệt mùa nóng
Thời gian tới, ngành du lịch Vĩnh Long và các ngành liên quan sẽ phối hợp tuyên truyền nâng cao ý thức về du lịch cộng đồng, ứng xử văn minh trong du lịch; rà soát cập nhật thông tin cơ sở kinh doanh du lịch, các hộ dân có nhu cầu làm du lịch, các sản phẩm tiềm năng có thể gắn kết du lịch nhằm chủ động trong xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch tại địa phương; vận động cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn quản lý tham gia các khóa tập huấn, chương trình bồi dưỡng nâng cao nhận thức du lịch; chia sẻ đăng tải tư liệu hình ảnh, video clip du lịch Vĩnh Long nhằm hỗ trợ công tác quảng bá sản phẩm đặc thù Vĩnh Long góp phần phục vụ cho việc khảo sát tiềm năng du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề từng bước xây dựng thành sản phẩm du lịch như mục tiêu đề án đề ra./.
Tin, ảnh: Hà Oanh